TRẢ TIỀN để KHÔNG làm gì cả: Xu hướng tự cứu chính mình khi kiệt sức và quên đi mọi thứ, nhưng nguy cơ sập 'bẫy' cực cao

SA |

Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình cần một khoảng thời gian không làm gì cả để chữa lành cho tâm hồn và thể chất chưa?

Mỗi người đều có những mong muốn khác nhau sau khi hết giãn cách. Một đứa bạn book vé đi du lịch ngắn ngày, một đồng nghiệp lại nhanh chóng về quê sau hơn nửa năm không gặp gia đình còn việc đầu tiên mà tôi muốn lại là... không làm gì cả.

À, thật ra cũng không hẳn là hoàn toàn không làm gì. Tôi chỉ mong mình có thời gian ngồi im lặng giữa một quán cafe vắng, có thể đọc một quyển sách đơn giản, có thể nhìn vạt nắng lấp lánh trên tán lá và cũng có thể là chỉ ngồi lặng lẽ không phải làm gì sất, đặt toàn bộ cơ thể lẫn tâm trí ở trong trạng thái thả lỏng. 

Nói chung là cách ly điện thoại, tiếng ồn, khói bụi và tất cả những thứ thuộc về cuộc sống hiện đại.

Mặc dù điều này có vẻ phi lý (hoặc ngớ ngẩn), nhất là khi tất cả chúng ta đã trải qua quãng thời gian giãn cách xã hội trong những không gian riêng. Nhưng thật lòng mà nói, tôi cảm thấy cực kỳ "enjoy cái moment" không làm gì. Và bất ngờ hơn, không phải chỉ mình tôi có mong muốn không làm gì ở thời điểm này.

Trả tiền để không làm gì, chỉ ngồi nhìn rừng cây, mây trời

Có một quán trà đang khá hot ở Seoul (Hàn Quốc) là Seoul Forest. Ở đây chỉ có 10 chỗ ngồi, khách phải bỏ giày dép bên ngoài, điện thoại để chế độ im lặng và không được nói chuyện. 

Những việc có thể làm bao gồm hít thở, thư giãn, ngồi nhìn thơ thẩn ra khu rừng trước mặt hoặc đọc sách, tất cả đều diễn ra trong yên ắng. Tất nhiên bạn sẽ phải trả tiền cho đồ uống và không gian để có khoảng thời gian ngồi thơ thẩn này.

Cũng ở Hàn Quốc, gần đây người ta mua vé vào rạp xem những bộ phim với nội dung đơn giản nhất. Chẳng hạn như phim Flight dài 40 phút, ghi lại cảnh một chiếc máy bay xuyên qua các tầng mây với thông điệp: "Hãy nghỉ ngơi một chút cùng với những đám mây bồng bềnh" hoặc phim Fire Mung dài 31 phút chỉ với cảnh quay duy nhất là đống lửa cháy bập bùng.

TRẢ TIỀN để KHÔNG làm gì cả: Xu hướng tự cứu chính mình khi kiệt sức và quên đi mọi thứ, nhưng nguy cơ sập bẫy cực cao - Ảnh 1.

Hình ảnh đống lửa trong phim Fire Mung

Những địa điểm này được rất nhiều người trẻ chú ý đến. Chúng được ví như nơi ẩn náu, giúp người ta tránh khỏi áp lực cuộc sống hiện tại như những giờ làm việc căng thẳng, giá BĐS leo thang, giá chứng khoán giảm,... dù chỉ trong chốc lát. Đặc biệt cảm giác mắc kẹt và nỗi cô đơn của mọi người sau 2 năm dịch Covid-19 cũng được quãng thời gian "không làm gì" chữa lành.

Ahn Areum (32 tuổi) đã tìm thấy cách đối phó với sự căng thẳng sau khi đến Green Lab - cũng là một nơi cung cấp không gian "không làm gì": 

"Tôi thường cảm thấy rất mệt mỏi khi thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi ngày sau giờ làm việc ở văn phòng, tôi về nhà và lại phải làm việc nhà. Rốt cuộc là chỉ còn có 30 phút - 1 tiếng trước khi phải đi ngủ và tôi luôn dành nó cho điện thoại. Vì vậy, với một không gian thế này, tôi thực sự có thể tập trung vào việc nghỉ ngơi".

Đó là xu hướng "không làm gì" đang lan ra ở Hàn Quốc.

TRẢ TIỀN để KHÔNG làm gì cả: Xu hướng tự cứu chính mình khi kiệt sức và quên đi mọi thứ, nhưng nguy cơ sập bẫy cực cao - Ảnh 3.

Bên trong Green Lab

Không chỉ là xu hướng, 

có một phong cách sống mang tên "không làm gì"

Trước khi "không làm gì" thịnh hành ở Hàn Quốc như hiện tại, ở Hà Lan đã có một phong cách sống gọi là "niksen". Trong tiếng Hà Lan, "niksen" cũng có nghĩa là "không làm gì".

Ngay cả trước dịch bệnh, cuộc sống hàng ngày diễn ra với một tốc độ rất nhanh, mọi người chạy theo tiền bạc, quyền lực và danh vọng,... 

Bây giờ sẽ trở thành quá khứ của ngày mai và kết quả là chúng ta bị dồn nén về mặt thời gian, căng thẳng và choáng ngợp. Điều này khiến cho mỗi người gần như quên mất rằng bản thân mình cũng cần sự tĩnh lặng, cần được chăm sóc. Đó chính là lý do mà "niksen" ra đời.

Thực hành lối sống "không làm gì" chỉ đơn giản là dành một quãng thời gian nhất định để gạt bỏ mọi áp lực, căng thẳng sang một bên, cho cơ thể và tâm trí bạn được thư giãn. Bạn không cần phải làm bất cứ việc gì có mục đích, không cần phải nghĩ về bất cứ điều gì quan trọng. Quá trình này được cho rằng sẽ chữa lành tinh thần mỗi người và giúp cải thiện sức khoẻ thể chất của mọi người.

TRẢ TIỀN để KHÔNG làm gì cả: Xu hướng tự cứu chính mình khi kiệt sức và quên đi mọi thứ, nhưng nguy cơ sập bẫy cực cao - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

Nghe có vẻ rất dễ dàng nhưng thực tế lại khó hơn nhiều. Chúng ta đã quá quen với việc luôn phải lấp đầy từng phút từng giây, luôn có việc gì đó để làm cho dù chỉ là lướt MXH. Bên cạnh đó đây cũng không phải là một ý tưởng thú vị với những người có cuộc sống bận rộn hoặc nhiều trách nhiệm.

Không gian sống cũng có thể biến thành không gian "không làm gì"

Ngoài việc phải bỏ tiền hoặc đến chỗ này chỗ kia để được tận hưởng thời gian "không làm gì", bất kỳ ai cũng có thể tự đem lại điều này cho mình. Dưới đây là một số cách cụ thể:

- Thay đổi bố cục căn phòng/ ngôi nhà của bạn: Hãy sắp xếp lại đồ đạc một chút để có thể ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ.

- Để những thiết bị điện tử ở xa tầm tay: Đặt điện thoại, laptop và các thiết bị điện tử khác khuất tầm nhìn trong một khoảng thời gian ngắn khi bạn ở nhà và không làm gì. Đây cũng là cách giúp đôi mắt và não được nghỉ ngơi.

- Đầu tư một chỗ ngồi thoải mái: Hãy đầu tư một chỗ ngồi êm ái và thoải mái (như sofa hoặc ghế bành) trong nhà.

- Sử dụng tinh dầu/ nến thơm: Những mùi hương này có khả năng làm giảm căng thẳng, lo lắng và thư giãn cơ thể.

- Chuẩn bị sẵn một list nhạc thư giãn: Giống như mùi hương, âm thanh nhẹ nhàng cũng có thể giúp tâm trí và cơ thể chúng ta thư giãn một cách tự nhiên.

- Chọn màu nhẹ nhàng để trang trí nhà cửa: Một số màu sắc nhẹ nhàng, trung tính có tác dụng xoa dịu những mệt mỏi đối với tâm trí và cơ thể.

- Lọc sạch không khí bằng máy lọc hoặc cây trồng: Không khí sạch sẽ thúc đẩy việc hít thở tốt hơn và dễ dàng hơn, từ đó giúp não và cơ thể có thể chậm lại một cách tự nhiên.

TRẢ TIỀN để KHÔNG làm gì cả: Xu hướng tự cứu chính mình khi kiệt sức và quên đi mọi thứ, nhưng nguy cơ sập bẫy cực cao - Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ

Hãy cẩn thận với xu hướng "không làm gì" nếu bạn không phải là người kỷ luật

​​Mọi thứ đều có 2 mặt, xu hướng "không làm gì" cũng vậy, nó có cả những rắc rối và rủi ro tiềm ẩn.

Đầu tiên phải kể đến việc không dễ để tìm kiếm một quán cafe phục vụ nhu cầu "không làm gì" như Seoul Forest hay Green Lab ở Việt Nam. Thay vào đó sẽ có các hàng quán ưu tiên không gian yên tĩnh với những thông báo như "đi nhẹ nói khẽ cười duyên" hoặc "vui lòng giữ yên lặng".

Tiếp theo và cũng đáng lo ngại hơn chính là nhiều người quên mất mục đích thư giãn, giải toả căng thẳng ban đầu của "không làm gì". Họ quá chìm đắm trong sự thoải mái mà "không làm gì" mang lại và hình thành những thói quen xấu như lười biếng, bỏ bê nhiệm vụ và trách nhiệm, từ đó mà bị tụt hậu trong cuộc sống, công việc.

Tóm lại là dù làm gì hay không làm gì thì cũng phải cân nhắc và cân bằng kĩ càng nhé!

Nguồn: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại