5 dấu hiệu “tố cáo” bạn đang tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả, sắp khánh kiệt tới nơi

NE |

Chi nhiều hơn mức bạn kiếm được có thể khiến bạn nhanh chóng rơi vào khủng hoảng tài chính không lối thoát.

Có rất nhiều người, khi nhìn vẻ bề ngoài thì luôn bóng bẩy, điện thoại, xe cộ hay quần áo luôn là đồ xịn nhất, mới nhất. Thế nhưng khi hỏi đến mới biết họ luôn trong tình trạng đau đầu vì nợ nần chồng chất, luôn thấy thiếu hụt tiền bạc, khổ sở vô cùng. Lý do rất đơn giản, họ đã trót tiêu tiền nhiều hơn khả năng chi trả, vướng vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát và sắp khánh kiệt tới nơi.

Tùy theo cuộc sống mà bạn mơ ước trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể chọn phân bổ thu nhập hằng tháng cho các khoản chi, đầu tư, tiết kiệm như thế nào. Thế nhưng, không muốn một ngày nào "nghèo rớt mồng tơi", bạn phải học cách nhận biết và kiểm soát chi tiêu. Bắt đầu làm được điều đó, phải nắm rõ dấu hiệu bạn đang chi tiêu nhiều hơn mức có thể và điều chỉnh thói quen của mình ngay lập tức.

1. Nợ thẻ tín dụng

Không thể trả nổi hoặc chỉ có thể trả dư nợ tối thiểu của thẻ tín dụng chính là dấu hiệu rõ rệt nhất của việc bạn đã chi tiêu quá nhiều tiền.

Thật ra việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán các khoản chi hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn không thể hoàn trả được, số dư nợ bạn đã tiêu sẽ bắt đầu tính lãi và tăng dần theo cấp số nhân. Lâu dần số nợ này sẽ trở nên khổng lồ khiến bạn có muốn trả cũng không trả nổi. Mà đã không trả được, nợ sẽ lại càng tăng, tạo thành một vòng luẩn quẩn làm bạn đi làm chỉ còn để trả nợ, chứ không phải dùng lương để tiết kiệm, đầu tư hay tận hưởng nữa.

5 dấu hiệu “tố cáo” bạn đang tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả, sắp khánh kiệt tới nơi - Ảnh 1.

2. Tiền thuê nhà hoặc tiền trả nợ mỗi tháng vượt quá 30% thu nhập

Con số tiêu chuẩn mà các chuyên gia tài chính đưa ra cho chi phí thuê nhà là 30% thu nhập mỗi tháng. Ví dụ lương của bạn 10 triệu, bạn chỉ nên thuê nhà trong khoảng tầm 3 triệu đổ lại, có như thế mới có thể cân bằng các khoản chi thiết yếu còn lại. Còn nếu bạn trót thuê nhà nhiều hơn mức đó, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng bội chi, không đủ tiền để làm những thứ khác nữa.

Tương tự như thế, trước khi vay mượn hay mua sắm trả góp bất cứ thứ gì, hãy cân nhắc xem khoản thanh toán mỗi tháng có vượt mức 30% không. Tính toán không kỹ, lại chi trả quá nhiều cho những khoản này sẽ khiến tài chính của bạn nhanh chóng "sụp đổ", cày cuốc mãi không dư dả hay giàu nổi.

5 dấu hiệu “tố cáo” bạn đang tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả, sắp khánh kiệt tới nơi - Ảnh 2.

3. Phải vay mượn mới sống còn được đến cuối tháng

Mới lãnh lương đã hết, muốn sống còn đến cuối tháng phải đi vay mượn chính là tình trạng tài chính tồi tệ nhất với mỗi người. Đừng để sau cùng chuyện đi làm chỉ để có tiền trả nợ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng sống cũng như hiệu suất công việc của bạn. Hãy bắt đầu cắt giảm những khoản chi không cần thiết, ưu tiên trả những món nợ có lãi suất ca o đến thấp để giải quyết nhanh gọn vấn đề tài chính này.

5 dấu hiệu “tố cáo” bạn đang tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả, sắp khánh kiệt tới nơi - Ảnh 3.

4. Không biết chính xác số tiền của mình đi đâu

Mặc dù bạn không nhất thiết phải biết từng đồng một đã dùng làm gì, nhưng ít nhất bạn cũng phải biết mỗi tháng bạn đã xài hết bao nhiêu tiền và con số ấy cao hơn hay thấp hơn thu nhập của bạn. Nếu bạn không biết tiền của mình đi đâu hết rồi, bạn sẽ dễ bị "vung tay quá trán", hoang phí tiền bạc cho những thứ không đáng có.

Nếu không thể biết được mỗi tháng sẽ chi bao nhiêu, có vượt quá thu nhập không, hãy thử theo dõi, ghi chép các khoản chi của bạn trong 1 - 2 ngày. Từ đó đánh giá, dự trù xem mình sẽ tốn bao nhiêu mỗi tháng và điều chỉnh lại các thói quen nếu không phù hợp.

5 dấu hiệu “tố cáo” bạn đang tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả, sắp khánh kiệt tới nơi - Ảnh 4.

5. Không có bất cứ khoản tiết kiệm nào

Bạn cày cuốc sấp mặt nhưng vừa lãnh lương đã hết, bạn là "chơi" hệ đầu tư, kinh doanh nhưng không có tiền backup có lúc rủi ro - đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang chi tiêu quá nhiều. Bất cứ tuổi nào cũng cần có tiền tiết kiệm , hãy bắt đầu để dành tiền từ giờ. Nếu các "hậu quả" của lối sống trước đây và những khoản nợ phải trả còn quá lớn, chưa cho phép bạn dư dả tiết kiệm, phương pháp phong bì là cách hiệu quả và dễ dàng nhất có thể áp dụng. Hãy bỏ một số tiền vào phong bì và để sang một bên và chỉ mở phong bì khi bạn cần đột xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại