Những nạn nhân hứng chịu ''bi kịch làm đẹp'' ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo ''dao kéo''

VŨ HUẾ |

Năm 2019, số đơn khiếu nại về các vụ việc hậu phẫu thuật thẩm mỹ tăng vọt lên 3.535. Và đa số các nạn nhân của câu chuyện này đều phải gặp rất nhiều rắc rối trong cuộc sống.

Chỉ tính riêng tại Thượng Hải và Bắc Kinh, số các vụ tố tụng thẩm mỹ trong vòng 5 năm trở lại đây đã lần lượt là 94 và 195. Tuy nhiên, chỉ 16% nguyên đơn là được bồi thường xứng đáng.

Nghiện làm đẹp

Trung Quốc là thị trường phẫu thuật thẩm mỹ khổng lồ nhất thế giới. Ước tính tới năm 2023, thị trường này sẽ đạt mức doanh thu 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 354.052 tỷ đồng). Xã hội Trung Quốc nhiều tiêu chuẩn bất thành văn về nhan sắc, vóc dáng. Từ nữ đến nam, mọi người điên cuồng phẫu thuật thẩm mỹ, ước tính lên đến trên 25 triệu người.

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 2.

Có tới 25 triệu người Trung Quốc là khách phẫu thuật thẩm mỹ

Gao (26 tuổi, Giang Tô) bắt đầu quan tâm đến làm đẹp bằng dao kéo từ năm 2014. Bạn cô đồng thời là chủ một thẩm mỹ viện đánh giá, Gao có khuôn mặt đẹp toàn diện, trừ cái mũi. Sau khi nghe bạn nói, Gao liên tục chú ý cái mũi của mình, thấy nó không đẹp thật. Năm 2016, cô quyết định sửa mũi. Chỉ trong vòng 2 năm, cô sửa mũi 3 lần, cắt mí cũng 3 lần.

"Từ nhỏ, tôi đã vô cùng quan tâm đến ngoại hình", Gao thừa nhận. Mỗi lần phẫu thuật là một lần đau đớn, sưng tấy, lắm khi kết quả còn không vừa ý, nhưng Gao vẫn không ngại. "Không vừa mắt thì làm lại thôi," - cô giải thích. "Càng trải qua nhiều lần chỉnh sửa, trông tôi càng xinh hơn. Phải nhờ phẫu thuật, tôi mới có đôi mắt 2 mí, chiếc cằm chữ V hoàn hảo…".

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 3.

Gao (26 tuổi) trong 3 năm 2015 - 2016 - 2017, trước và sau khi chỉnh sửa mặt mũi

Giống như Gao, hàng chục triệu người Trung Quốc khác cũng say mê và đặt hết niềm tin, hy vọng vào phẫu thuật thẩm mỹ. Bất chấp đại dịch Covid-19, ngành nghề thẩm mỹ ở Trung Quốc nở rộ. Có điều, lượng bác sĩ phẫu thuật làm đẹp có trình độ và chuyên môn cao thì không theo kịp nhu cầu. Kết quả, chỉ số liệu thống kê năm 2019, Trung Quốc đã có đến 80.000 cơ sở thẩm mỹ bất hợp pháp. Trung bình mỗi ngày, họ gây ra 110 "tai nạn dao kéo".

Rủi ro kinh hoàng

Tháng 3/2020, Gao quyết định sửa mũi lần thứ 4. Cô chọn một phòng phẫu thuật thẩm mỹ ở Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho biết sẽ lấy sụn ở tai cô để làm sụn nâng mũi. Sau khi phẫu thuật xong, Gao thấy cả 2 tai vẫn y như cũ. Cô tưởng bác sĩ tái sử dụng thanh sụn nâng mũi lần trước, nên thoải mái ra về.

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 4.

Chưa hài lòng với chiếc mũi, Gao phẫu thuật thẩm mỹ lần thứ 4

Tám tháng sau ngày phẫu thuật, mũi Gao vẫn sưng to. Cô quay lại nơi chỉnh hình, yêu cầu kiểm tra và tái phẫu thuật nếu cần thiết. Bác sĩ phủi tay, "mời" cô về thẳng.

Tại Trung Quốc, bị "làm đẹp hỏng" là "chuyện thường ngày ở huyện". Ngay cả trong các thẩm mỹ viện hợp pháp, 15% vẫn thực hiện các thủ thuật mà chưa qua đào tạo thực tiễn. Chỉ 2 năm sau ngày thành lập, Yimeijing - trung tâm hòa giải các tranh chấp thẩm mỹ đầu tiên ở Trung Quốc đã nhận tổng cộng hơn 1.200 vụ. Chính phủ Trung Quốc thì từ năm 2017 đã bắt đầu truy quét tệ nạn thẩm mỹ bất hợp pháp. Chỉ sau 1 năm, họ phá 1.219 cơ sở phạm luật, bắt giữ 1.899 nghi phạm, phát hiện 728 nhà sản xuất thuốc giả.

Sau 8 lần thương lượng bất thành với thẩm mỹ viện ở Tô Châu, Gao gửi đơn khiếu nại lên cơ quan cảnh sát. Vì không được giải quyết, cô đành tự bỏ tiền tìm bệnh viện công cứu cái mũi. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Gao đã lấy thanh sụn ra và kinh ngạc cho biết, nó thuộc về người khác.

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 5.

Thanh sụn được dùng để nâng mũi cho Gao hóa ra lại là của người khác

Với bằng chứng rõ rành rành là thanh sụn của người khác này, Gao nộp đơn tố cáo thẩm mỹ viện ở Tô Châu.

Vĩnh viễn sống chung với dị tật dao kéo

Tháng 2/2021, sau khi Gao nộp đơn không lâu, diễn viên Gao Liu (Trung Quốc) công khai gặp sự cố phẫu thuật thẩm mỹ. Cô đăng ảnh tự chụp chiếc mũi bị phẫu thuật hỏng, nhiễm trùng nặng lên trang cá nhân được hàng triệu người theo dõi, thu hút đông đảo sự quan tâm.

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 6.

Diễn viên Gao Liu (Trung Quốc) chia sẻ hình ảnh mũi bị phẫu thuật hỏng

Tại Trung Quốc, phần lớn các vụ tố tụng thẩm mỹ đều kết thúc bằng việc hòa giải. "Phẫu thuật thẩm mỹ là ngành nghề mới, lịch sử còn chưa tới 20 năm," - Liu Feng, chủ tịch Yimeijing cho biết. "Các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến nó hãy còn thiếu thốn, tụt hậu xa so với sự bùng nổ của ngành nghề".

Trong vòng 5 năm gần đây, 2 tòa án ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã xử lý tổng cộng 289 vụ kiện thẩm mỹ. Chỉ 16% các nguyên đơn là được đền bù thỏa đáng, còn lại vừa tốn thời gian vừa chẳng lợi lộc gì.

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 7.

Chỉ 16% nguyên đơn tố tụng thẩm mỹ được bồi thường thỏa đáng

Vì rủi ro khiếu nại thất bại quá cao, các "nạn nhân" thường từ bỏ. Chưa hết, họ còn buộc phải chọn 1 trong 2 "số phận" mới: Tái phẫu hoặc chấp nhận dị tật mới.

Lẽ dĩ nhiên, người bị phẫu thuật làm đẹp hỏng muốn tái phẫu để sửa lại. Có điều, chi phí sửa lại luôn đắt gấp 10 lần. "Lúc đầu, tôi chỉ tốn có 2000 tệ (tương đương 7 triệu đồng) để cắt mắt 2 mí thôi," - Sun (28 tuổi) kể. "Nhưng vì kết quả không như ý, tôi phải tốn tận 20.000 tệ tái phẫu và phải vay Alipay, trả góp trong 18 tháng trời".

Tương tự với Ma Jing (33 tuổi, Hà Nam). Cô cũng phẫu thuật mắt 2 mí và còn bị liệt lông mày. Muốn tái phẫu, Jing cần phải có 20.000 - 30.000 tệ (tương đương 71 - 106 triệu đồng). Vì kinh tế eo hẹp, cô đành "thôi kệ".

Những nạn nhân hứng chịu bi kịch làm đẹp ở Trung Quốc: Tiền mất tật mang, bất chấp đâm đầu chạy theo dao kéo - Ảnh 8.

Ma Jing và đôi lông mày không nhúc nhích được sau phẫu thuật cắt mắt 2 mí

Theo cộng đồng trực tuyến dành riêng cho những "nạn nhân bất hạnh của làm đẹp" lớn nhất Trung Quốc - Soyoung, 80% các trường hợp phẫu thuật hỏng không thể cứu vãn nhờ tái phẫu. Nếu cứ nhất quyết theo đến cùng, người bị "tai nạn làm đẹp" có thể phải tái phẫu tới n lần.

Quay lại với Gao, cái mũi của cô đã tạm ổn. Tính đến hiện tại, cô tốn tổng cộng 400.000 tệ (tương đương 1,42 tỷ đồng) cho việc tu bổ nhan sắc. "Nếu dùng số tiền này đầu tư bất động sản, tôi đã mua được một căn hộ nhỏ xinh rồi", Gao thở dài. Dù vậy, cô vẫn tiếp tục xăm lông mày, sửa mí mắt, bơm môi… "Bây giờ xuống phố, nhìn đâu tôi cũng thấy người có nét hao hao giống mình. Cứ như thể, tất cả chúng tôi đều phẫu thuật thẩm mỹ chung một chỗ. Thế nên, tôi liền tính hay là xăm một nốt ruồi trên mặt cho khác lạ".

Sau khi xem bói, Gao quyết định xăm "nốt ruồi tài lộc" ở một bên lông mày và đã tiến hành xong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại