Nghệ sĩ Lê Quốc Nam kể về đóng góp đã bị quên lãng của Duy Phương

Tùng Ninh |

"Những người đầu tiên khởi xướng ra loại hình tấu hài này là anh Bảo Quốc, anh Duy Phương. Hai người này lúc đó rủ nhau lập ra một nhóm hài để đi tấu hài cùng nhau" – nghệ sĩ Lê Quốc Nam nói.

Mới đây, kênh Youtube của giọng ca nhạc chế Ku Vàng đã đăng tải một clip quay lại cảnh trò chuyện giữa anh và nghệ sĩ Lê Quốc Nam. Trong đó, Lê Quốc Nam chia sẻ về quá trình phát triển của nghệ thuật tấu hài miền Nam.

Những người đầu tiên khởi xướng ra loại hình tấu hài này là anh Bảo Quốc, anh Duy Phương

Nghệ thuật tấu hài này đã chết rồi, tự nhiên giờ nói lại chẳng khác nào khơi lại vết thương đang lụi tàn một cách đau đớn, cho nó nhầy nhụa ra.

Nghệ sĩ Lê Quốc Nam kể về đóng góp của nghệ sĩ Duy Phương đã bị quên lãng - Ảnh 1.

Lê Quốc Nam

Theo tôi biết, tấu hài bắt đầu có từ đầu thập niên 80. Những người đầu tiên khởi xướng ra loại hình tấu hài này là anh Bảo Quốc, anh Duy Phương. Hai người này lúc đó rủ nhau lập ra một nhóm hài để đi tấu hài cùng nhau.

Đó cũng là một đóng góp của anh Duy Phương mà bây giờ ít người biết rồi lãng quên anh ấy.

Nhưng thực ra, Bảo Quốc và Duy Phương chỉ là người khơi nguồn, làm sống lại thôi chứ dạng tấu hài giữa hai người với nhau trên sân khấu vốn đã có từ trước năm 1975 rồi.

Lúc đó, bố Tùng Lâm có nguyên một điểm diễn riêng, cứ cuối tuần là diễn cho đông đảo bà con tới xem và chỉ có mình bố độc tấu thôi. Trong lúc độc tấu, bố Tùng Lâm có thể kêu thêm một vài ca sĩ tới hát. Thời đó, không khí diễn hài sôi nổi lắm.

Tới thập niên 80 mới có Bảo Quốc và Duy Phương kết hợp cùng nhau để làm tấu hài. Tuy nhiên, họ mới chỉ diễn một vài kịch bản thôi chứ chưa mạnh.

Nghệ sĩ Lê Quốc Nam kể về đóng góp của nghệ sĩ Duy Phương đã bị quên lãng - Ảnh 3.

Phải đến khi Phước Sang xây dựng được sân khấu 135 Hai Bà Trưng thì tấu hài mới phát triển mạnh mẽ, tạo thành phong trào. Thời điểm đó đã sang thập niên 90. Từ đây, tấu hài rộ lên với rất nhiều nhóm, khán giả rất thích xem tấu hài.

Tuy hài nổi là vậy nhưng chẳng nghệ sĩ nào giàu vì đồng tiền chúng tôi kiếm được rất ít, ít lắm, không được như bây giờ

Lúc đó, tôi vẫn trong quân đội. Tôi thuộc dạng sinh sau đẻ muộn. Khi tôi lên diễn đã có những nhóm hài nọ kia rồi, trong đó có nhóm Kim Ngọc – Quốc Hoàng của cô Kim Ngọc. Cô Kim Ngọc chính là một trong những nữ nghệ sĩ đầu tiên chuyên về tấu hài.

Đặc trưng của nghề hài này là không ai dám nói mình xuất thân từ một diễn viên hài vì không nhà trường nào dạy diễn hài hết. Họ chỉ dạy kĩ thuật biểu diễn thôi. Hầu hết diễn viên hài đều có xuất phát điểm là diễn viên sân khấu hoặc nghệ sĩ cải lương.

Nghệ sĩ Lê Quốc Nam kể về đóng góp của nghệ sĩ Duy Phương đã bị quên lãng - Ảnh 4.

Chẳng hạn, nghệ sĩ Hồng Tơ, Bảo Chung cũng từ cải lương mà sang diễn hài. Đi diễn cải lương ai cũng mơ được đóng kép chánh, nhưng đến một lúc họ nhận ra sao mình diễn mà ai cũng cười, thế là chuyển hướng sang hài.

Tới khi tôi lập ra nhóm hài Đen Trắng, thì cũng chỉ là nhóm hài nhỏ nhất trong vô số nhóm hài ngày ấy.

Lúc đó, Bảo Quốc với Duy Phương tách ra thành hai nhóm hài riêng rồi có thêm nhóm hài Phú Quý, nhóm hài Thanh Bạch – Xuân Hương, nhóm hài Hồng Vân – Lê Hữu Cầu, nhóm hài Tuổi đôi mươi (gồm Phước Sang, Nhật Cường, Phương Bình, Hoàng Sơn, Mai Dũng…), nhóm hài Kim Ngọc – Quốc Hoàng.

Nghệ sĩ Lê Quốc Nam kể về đóng góp của nghệ sĩ Duy Phương đã bị quên lãng - Ảnh 5.

Trên tôi một lứa còn có nhóm hài Tam tấu trẻ gồm Hữu Lộc, Hữu Tâm và Hà Linh (con cô Thanh Nga).

Khán giả đi xem hài đông vì các nhóm hài quá mạnh, diễn quá hay, quá lôi cuốn, toàn nghệ sĩ giỏi.

Sau này, Minh Nhí và Hữu Châu đang chuyên về kịch nói, thấy tấu hài vui quá cũng lao vào chơi luôn. Hai ông này diễn kiểu vui chơi qua đường nên tùy hứng, không theo kịch bản, vui lắm.

Tuy hài nổi là vậy nhưng chẳng nghệ sĩ nào giàu vì đồng tiền chúng tôi kiếm được rất ít, ít lắm, không được như bây giờ. Không ai nghĩ tới đồng tiền vì ai cũng yêu nghề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại