Doanh nghiệp gạo chân chính không đánh đổi uy tín để đấu trộn gạo Ấn Độ

Nguyễn Huyền |

Những doanh nghiệp có “tên tuổi” trong ngành gạo, đã từng dày công xây dựng thương hiệu, uy tín riêng cho đơn vị, không ai “dám” gian lận xuất xứ hàng hóa để tổn hại đến uy tín công ty.

Tại ĐBSCL giá lúa tươi tại ruộng dao động IR54040 từ 4.900 - 5.000 đ/kg, giống OM 380 và OM 9582 giá 5.000 - 5.100 đ/kg, OM 5451 giá 5400 - 5500, giống OM 18 giá 5.900 - 6.000 đ/kg, ST24 6.200 - 6.300 đ/kg, …

Gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm giá 488 - 492 USD/tấn. Tuy sụt nhưng gạo Việt Nam vẫn cao hơn gạo Thái Lan 33 USD/tấn và trên gạo Ấn Độ 100 USD/tấn.

Gạo 5% Thái Lan giá 455 - 459 USD/tấn, gạo 5% tấm Ấn Độ giá 388 - 392 USD/tấn.

Không vội bán ra, bình tĩnh chờ tín hiệu thị trường

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, giá gạo xuất khẩu có sụt nhưng sụt với các loại cấp thấp và gạo chất lượng xấu còn với các loại gạo tốt đang đứng giá và tình hình thị trường vẫn khá trầm lắng. Do tâm lý nhà nhập khẩu cho rằng gạo đầu vụ Hè Thu chất lượng kém, và giá gạo Việt Nam cùng chủng loại cao hơn giá gạo Thái Lan từ 20 - 30 USD/tấn.

Lúc giá gạo đang sụt doanh nghiệp đừng tỏ ra quá lo lắng mà vội bán ra, nên bình tĩnh chờ tín hiệu thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thành

Trao đổi với BizLIVE, ông Thành tỏ ra băn khoăn: Gạo Việt Nam cũng đang bị tác động bởi tình hình thị trường thế giới và đang chậm lại, do hơn một năm nay giá gạo Việt Nam cao hơn so với gạo Ấn Độ cả 100 USD/tấn, và thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam tăng nhập khẩu gạo giá rẻ của Ấn Độ cũng ảnh hưởng phần nào đến giá gạo trong nước.

Hiện nay giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang sụt là điều không ai nào mong muốn, và theo kinh nghiệm lâu năm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo , lúc giá gạo đang sụt doanh nghiệp đừng tỏ ra quá lo lắng mà vội bán ra, nên bình tĩnh chờ tín hiệu thị trường.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dù thị trường có sụt giảm như thế nào công ty tôi bán vẫn giữ giá, có lỗ cũng đã lỗ rồi và lúc tăng thì phải làm sao cho khách hàng hài lòng. Nếu giá thị trường vừa sụt tỏ ra lo lắng chào giá sụt theo như vậy sau này khi giá gạo lên lại sẽ bị lỗ.

Đầu năm 2021, công ty tôi mua vào 20 - 30 ngàn tấn gạo, chúng tôi biết giá hàng hóa của mình và bán theo kế hoạch kinh doanh của công ty nên tình hình ổn định mà khách hàng cũng thích nên dễ mua bán. Đến nay Việt Nam có 207 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp, cách làm mỗi người mỗi khác và tâm lý kinh doanh gạo bây giờ cũng khác hơn xưa nhiều lắm.

Nhập khẩu gạo Ấn Độ làm ảnh hưởng đến danh tiếng gạo Việt Nam

Một vấn đề nữa là Việt Nam mới vào vụ mùa và từ nào đến giờ vẫn vậy, tâm lý của các nhà nhập khẩu là không mua ngay đầu vụ nhất là vụ Hè Thu chất lượng kém, vì vậy, doanh nghiệp muốn đàm phán bán gạo Hè Thu vào lúc này là hơi khó nhưng nếu đầu vụ Đông Xuân chất lượng gạo tốt, người mua thích thì khác.

Doanh nghiệp gạo chân chính không đánh đổi uy tín để đấu trộn gạo Ấn Độ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV.

Ông Thành cho biết thêm, giá gạo sụt một phần do doanh nghiệp nước ngoài nghi ngờ doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ về đấu trộn để tái xuất, nhưng trường hợp như vậy rất khó xảy ra và nếu có chỉ một vài doanh nghiệp làm sai, và “một vài con sâu đang làmrầu nồi canh” ngành gạo của cả nước.

Bên cạnh đó, thông tin doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ khai báo hải quan bị phát hiện có gian lận xuất xứ, nên báo chí nước ngoài lợi dụng vấn đề và đánh giá “doanh nghiệp Việt Nam mua gạo Ấn Độ về sau đó pha trộn với gạo Việt Nam rồi xuất khẩu” là ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam.

Là nước xuất khẩu gạo top 3 thế giới mà Việt Nam tăng nhập khẩu gạo của nước khác làm ảnh hưởng phần nào dang tiếng gạo Việt Nam, vì khi doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam mua gạo họ sẽ đặt câu hỏi "Việt Nam tăng mua gạo Ấn Độ thì rõ ràng họ đang thiếu gạo vậy mình vào Việt Nam làm gì? Với cách nghĩ này giống như họ đi mua gạo Ấn Độ từ doanh nghiệp Việt Nam, và họ sẽ quay sang mua gạo Ấn Độ hoặc mua gạo Thái Lan". Đó là diễn biến tâm lý tự nhiên của nhà nhập khẩu.

Ngày nay những doanh nghiệp có “tên tuổi” trong ngành gạo, đã từng dày công xây dựng thương hiệu, uy tín riêng cho đơn vị, không ai “dám” gian lận xuất xứ hàng hóa để tổn hại đến uy tín công ty, vì trong quá trình giao dịch mất thời gian khá lâu mới xây dựng lòng tin với khách hàng.

“Nếu có ai đó bỏ tiền ra thuê tôi đấu trộn gạo Ấn Độ tôi cũng không làm, vì chỉ cần làm sai một lần thôi đã mất uy tín, có khi mất cả sự nghiệp kinh doanh của công ty vì sau đó không ai tin mình nữa. Những doanh nghiệp chân chính không ai chịu đánh đổi như vậy.

Các doanh nghiệp đều hiểu cái giá này quá lớn và không ai chịu đánh đổi, vì khi đã mất uy tín rồi thì việc tìm kiếm thị trường sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với lúc ban đầu”, ông Thành khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại