Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Kiev ký hợp đồng gọi Ukraine là "đất nước huynh đệ"

Hòa An |

Sau thời gian dài loay hoay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy cửa thoát hiểm cho mình. Ankara cuối cùng cũng đã có được cái gật đầu của Kiev.

Ukraine đã ký hợp đồng cung cấp động cơ máy bay trực thăng cho Thổ Nhĩ Kỳ . Động cơ này sẽ được lắp cho trực thăng tấn công ATAK-II của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng Giám đốc của Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), Giáo sư Tiến sĩ Temel Kotil, đã công bố về hợp đồng ký kết với Ukraine. Ông cũng gọi Ukraine là một "đất nước huynh đệ".

ATAK-II là loại trực thăng cùng loại với Boeing AH-64 Apache do Mỹ sản xuất và Mi-28NM Night Hunter của Nga.

ATAK-II có trọng lượng cất cánh tối đa 10 tấn. Loại trực thăng này được trang bị pháo 30 mm, có thể mang tên lửa từ phiên bản T129 và có hệ thống điện tử hàng không hiện đại. ATAK-II dự kiến ​​sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2024.

Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn mua động cơ của Ukraine vì họ cần một giải pháp thay thế. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, họ không thể dựa vào các đối tác phương Tây vì có thể bị dừng hợp đồng bất cứ lúc nào do các mục tiêu về địa chính trị.

Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tạm ngừng bán trực thăng T129 ATAK cho Pakistan do thiếu động cơ. Việc dừng hợp đồng này là do Mỹ từ chối cấp giấy phép xuất khẩu động cơ CTS800 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động này nhằm gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Trước đó, Pakistan ký hợp đồng mua 30 máy bay trực thăng ATAK trị giá 1,5 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ.

Loại trực thăng T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đáng gờm. Đầu mũi máy bay được trang bị một ụ pháo nòng xoay 3 nòng cỡ 20mm với 500 viên đạn. Hai bên hông máy bay được bố trí 2 cánh nhỏ cho phép mang tên lửa. Không chỉ vậy, T-129 còn trang bị thêm 4 ống phóng rocket cỡ 70mm, dùng đầu tự dẫn lade bán chủ động với tầm bắn lên đến 1,5-8km.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Kiev ký hợp đồng gọi Ukraine là đất nước huynh đệ - Ảnh 2.

Dòng trực thăng ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá cao.

Trực thăng T129 còn có thể mang theo tên lửa không đối không (có thể là loại AIM-92 Stinger hay MBDA Mistra). T129 không được trang bị hệ thống radar sóng mm như trên Boeing AH-64 Apache và Mi-28NM Night Hunter mà chỉ có tổ hợp ngắm quang – điện dùng để trinh sát, dẫn đường tên lửa đặt ngay trước mũi, trên ụ pháo 20mm.

Trực thăng T129 có chiều dài 12,2m; chiều cao 11,9m; trọng lượng cất cánh tối đa là 5.000kg và tải trọng vũ khí là 1.150kg.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Kiev ký hợp đồng gọi Ukraine là đất nước huynh đệ - Ảnh 3.

Lệnh trừng phạt của Mỹ gây nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cũng phải đối mặt những vấn đề tương tự đối với xe tăng Altay. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ sử dụng động cơ MTU của Đức và hệ thống truyền động RENK cho xe tăng Altay. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán với các nhà cung cấp Đức gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt. Đức là một trong số các chính phủ châu Âu thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 3/2021, nhà sản xuất xe bọc thép BMC của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với 2 công ty Hàn Quốc cung cấp động cơ cho xe tăng Altay. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ cung cấp toàn bộ động cơ cho xe tăng Altay và một số lượng động cơ lớn để dự phòng cho quá trình bảo dưỡng cũng như thay thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại