Những bước ngoặt nguy hiểm có thể thổi bùng chiến tranh toàn diện Iran - Israel

Kiều Anh |

Iran và Israel là “kẻ thù không đội trời chung” với nhau nhưng cả hai đều muốn tránh rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện mặc dù quan hệ 2 nước luôn tiềm ẩn những bước ngoặt nguy hiểm.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Iran đã đổ lỗi cho Israel về sự cố mất điện diện rộng cuối tuần trước tại cơ sở làm giàu uranium của nước này ở Natanz. Israel không công khai khẳng định đứng sau điều mà Iran gọi là "hành động phá hoại" nhưng truyền thông Mỹ và Israel dẫn lời các quan chức cho biết, vụ việc trên do cơ quan tình báo của Israel là Mossad tiến hành. Tehran sau đó tuyên bố sẽ trả thù vào thời điểm mà nước này lựa chọn.

Đây không phải sự việc đầu tiên thổi bùng căng thẳng giữa 2 nước Trung Đông vốn là "kẻ thù không đội trời chung" này. Căng thẳng hai bên leo thang sau hàng loạt hành động thù địch và đáp trả lẫn nhau, song dường như cả Iran và Israel đều hết sức cẩn trọng để tránh rơi vào một cuộc xung đột toàn diện có thể gây ra sự phá hủy to lớn cho cả hai. Vậy, những rủi ro nào có thể thổi bùng căng thẳng giữa Iran và Israel hiện nay? Làm thế nào để những điều này chấm dứt?

Chương trình hạt nhân Iran

Israel không tin vào những nhận định của Iran, rằng chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn là chương trình dân sự vì mục đích hòa bình. Thay vào đó, Tel Aviv cho rằng Tehran đang bí mật phát triển đầu đạn hạt nhân và các phương tiện để phóng tên lửa đạn đạo.

Mặc dù Israel không xác nhận cũng không phủ nhận vai trò trong bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran nhưng phát biểu ngày 12/4 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhắc lại lời cảnh báo cứng rắn rằng, Tel Aviv không ngần ngại loại trừ các mối đe dọa từ Iran.

"Tôi sẽ không bao giờ cho phép Iran đạt được khả năng hạt nhân để tiến hành mục tiêu xóa sổ Israel. Chúng tôi sẽ tiếp tục tự vệ chống lại các hành động hung hăng của Iran”.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh: "Tại Trung Đông, không có mối đe dọa nào nghiêm trọng, nguy hiểm và cấp bách hơn mối đe dọa do Iran gây ra".

Cũng vào 12/4, Đại sứ Israel tại London là Tzipi Hotovely đã nhận định với BBC rằng: "Iran chưa bao giờ dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa có khả năng mang chúng. Nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran khiến nước này trở thành mối đe dọa với toàn thế giới".

Với lập trường đó, từ lâu Israel được cho là đã tiến hành các hoạt động đơn phương và bí mật nhằm phá hủy hoặc gây trở ngại cho các chương trình hạt nhân của Iran.

Israel bị cáo buộc đã cài virus Stuxnet vào hệ thống máy tính làm tê liệt các máy ly tâm của Iran. Một số nhà khoa học hạt nhân Iran cũng qua đời một cách bí ẩn. Đáng chú ý, tháng 11/2020, nhà khoa học hạt nhân cấp cao Iran Mohsen Fakhrizadeh đã bị ám sát. Nhà khoa học này không phải chuyên gia hạt nhân hàng đầu Iran nhưng ông giữ vị trí cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Israel tin rằng người này đứng đằng sau các chương trình hạt nhân quân sự bí mật của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Chương trình hạt nhân Iran hiện được cho là trong giai đoạn tiềm ẩn nguy hiểm. Năm 2015, Iran đã ký một thỏa thuận hạt nhân đa phương gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này cũng như tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Iran đã đáp trả bằng việc tăng cường làm giàu uranium vượt ngoài ngưỡng cho phép.

Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân nhưng chỉ khi Iran tuân thủ hoàn toàn các điều khoản của thỏa thuận. Tuy nhiên, Tehran đã khẳng định rằng: "Không, chúng tôi không tin tưởng các ông. Các ông phải làm điều đó trước. Chúng tôi sẽ tuân thủ hoàn toàn khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ".

Nhằm phá vỡ thế bế tắc này, các nhà đàm phán từ các nước tham gia thỏa thuận đã gặp nhau ở Vienna, Áo tuần qua. Dù vậy, Israel tin rằng thỏa thuận hạt nhân không đáng được nối lại dưới hình thức hiện tại.

Tiến sĩ Michael Stephens, một chuyên gia về Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI) nhận định, các hành động gần đây của Israel là nỗ lực có chủ đích nhằm phá hủy quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Việc Israel đơn phương cố gắng hủy hoại chương trình hạt nhân Iran là một trò chơi rủi ro. Đầu tiên, những nỗ lực này của Israel có thể phá hủy vị thế đàm phán của Mỹ khi nước này đang tìm cách nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thứ hai, Iran có thể sẽ phản ứng, thông qua các cuộc tấn công bất đối xứng nhằm chống lại các lợi ích của Israel trên thế giới. Israel muốn chứng tỏ rằng họ có thể làm gián đoạn chương trình hạt nhân Iran nhưng đâu là cái giá phải trả?"

Vận chuyển biển

Một số sự cố trên biển liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Đầu năm nay, một tàu chở hàng của Israel là MV Helios đã bị phá hủy nghiêm trọng khi đi qua Vịnh Oman. Israel ngay sau đó đã đổ lỗi cho IRGC của Iran mặc dù nước này phủ nhận liên quan.

Tháng 4, tàu chở hàng Saviz của Iran neo đậu ở phía nam Biển Đỏ cũng bị phá hủy phần thân tàu. Israel và Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ở khu vực Yemen gần đó tin rằng tàu Saviz có vai trò như một "tàu mẹ" cung cấp hậu cần cho lực lượng Houthi ở Yemen. Các thuyền máy, súng máy và các phương tiện trên không tinh vi đã được phát hiện trên tàu nhưng phía Iran nói rằng những phương tiện và vật dụng này hợp pháp và sử dụng cho mục đích hòa bình, đồng thời cáo buộc Israel về vụ tấn công.

Truyền thông Mỹ cho biết trong 18 tháng qua, các lực lượng của Israel đã tấn công ít nhất 12 tàu thuyền đi về hướng Syria, cũng như chở dầu cho Iran và các thiết bị quân sự.

Syria và Lebanon

Israel cáo buộc Iran cung cấp tên lửa dẫn đường chính xác cho các lực lượng ủy nhiệm ở Syria và Lebanon trong khoảng cách đáng quan tâm đối với các thành phố của Israel. Tel Aviv đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các căn cứ tên lửa và kho hậu cần ở Syria song cho tới nay chưa có nhiều động thái đáp trả từ phía Iran.

Những rủi ro trên đều là những vấn đề có nguy cơ đẩy căng thẳng giữa Iran và Israel đến bờ vực chiến tranh. Không nước nào trong 2 nước này muốn bản thân bị coi là yếu đuối mặc dù cả hai đều thận trọng khi tránh để những hành động của mình leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.

Ali Vaez, giám đốc dự án nghiên cứu về Iran tại Nhóm Phân tích Khủng hoảng quốc tế nhận định, các cuộc tấn công của Israel dường như nhằm khiêu khích Iran trả đũa Israel hoặc các bên trong khu vực, vốn sẽ hủy hoại con đường ngoại giao, nhưng Tehran không rơi vào bẫy này.

"Rủi ro xuất hiện khi Iran quyết định đáp trả. Nước này sẽ đối mặt với bài toán cân bằng khó khăn khi quyết định tấn công, bởi Iran phải đáp trả theo một cách nào đó vừa ngăn cản Israel tiến hành các chiến dịch tương tự trên đất Iran, đồng thời không khiêu khích Tel Aviv thực hiện thêm các động thái phá hủy các lợi ích của Tehran", chuyên gia này đánh giá./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại