Điều chưa biết về ‘thiên tình sử’ vũ khí hạt nhân 3 bên Thổ - Mỹ - Israel

Đức Trí |

Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã có thể tận dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ để đối phó với Israel, nhưng vì một số lý do mà đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “kẻ thất bại”.

Vũ khí hạt nhân Mỹ đang dần bị rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Sina.

Vũ khí hạt nhân Mỹ đang dần bị rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Sina.

Gần đây, có thông tin cho rằng số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ bố trí tại một số quốc gia đồng minh trong NATO từ năm 2010 đã giảm từ 150 xuống còn 100 quả. Theo kết quả phân tích của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, 50 quả bom hạt nhân bị giảm là số bom bố trí tại Căn cứ Không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ và Căn cứ Không quân Aviano ở Italy.

Trước đây, Mỹ bố trí 50 quả bom hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng do các yếu tố như cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ và căng thẳng Mỹ - Thổ, số lượng này đã giảm xuống còn 20 quả và trong thời gian tới có thể sẽ trở về con số 0.

Kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng “bén duyên” với loại vũ khí hủy diệt này. Sau khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Căn cứ Không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ là căn cứ duy nhất có thể hỗ trợ Mỹ cất hạ cánh máy bay ném bom hạt nhân B-29 để tấn công Moscow.

Việc Mỹ triển khai sớm vũ khí hạt nhân ở NATO không được công khai, vì vậy không biết chính xác khi nào Mỹ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên , sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chính sách chia sẻ hạt nhân của Mỹ vào năm 1959, việc vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện diện ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được công khai.

Cái gọi là chính sách chia sẻ hạt nhân là một chính sách do Mỹ đề xuất nhằm hạn chế sự phát triển vũ khí hạt nhân của các đồng minh NATO. Nghĩa là, miễn là các đồng minh NATO của Mỹ đồng ý cho quân đội Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ, thì các đồng minh này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi Mỹ cho là cần thiết.

Bằng cách này, các đồng minh Mỹ có thể có được khả năng răn đe hạt nhân ở một mức độ nhất định mà không cần tốn công sức và kinh phí nghiên cứu chế tạo, điều này cũng làm cho các nước NATO không có lý do gì để độc lập phát triển vũ khí hạt nhân.

Với tư cách là một quốc gia láng giềng của Liên Xô, và là một quốc gia có thù hận với Nga hàng trăm năm, Thổ Nhĩ Kỳ được định sẵn là một sự tồn tại cực kỳ đặc biệt. Năm 1959, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận chuẩn bị triển khai tên lửa hạt nhân PGM-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ, tên lửa đầu tiên chính thức bắt đầu được triển khai vào năm 1961.

Vào giữa những năm 1970, số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ triển khai tại các nước NATO đạt mức cao nhất là khoảng 7.000 quả. 500 quả trong số đó được triển khai tại 3 căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các vũ khí hạt nhân này là đạn pháo hạt nhân W33 và W48, tên lửa phòng không hạt nhân MIM-14, tên lửa hạt nhân MGR-1 và bom hạt nhân B61. Trong số đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng bom hạt nhân B61 thông qua chính sách chia sẻ hạt nhân với Mỹ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã rút các loại vũ khí hạt nhân khác được triển khai tại các đồng minh NATO thông qua chính sách chia sẻ hạt nhân, chỉ để lại bom hạt nhân B61. Những quả bom này có thể được gắn trên máy bay chiến đấu F-4 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và sau này là máy bay chiến đấu F-16 .

Đối với Mỹ, mục đích lớn nhất của việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ là để đối phó với Liên Xô. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không “cam lòng” trở thành “lính đánh thuê” cho Mỹ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô là một sự tồn tại mà “nếu không khiêu khích thì họ cũng không khiêu khích lại”, trong khi quốc gia láng giềng phía nam Israel thì khác.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Hồi giáo Israel, nhưng khi tham vọng bành trướng của Israel dần bộc lộ, quan hệ giữa hai nước bắt đầu xấu đi vào cuối những năm 1950. Trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ, Israel - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đã trở thành nước láng giềng nguy hiểm nhất ngoài Liên Xô.

Điều chưa biết về ‘thiên tình sử’ vũ khí hạt nhân 3 bên Thổ - Mỹ - Israel - Ảnh 1.

Căn cứ không quân Incirlik. Nguồn: Sina.

Từ trước những năm 1950, Israel đã bắt đầu với sự hợp tác với Pháp trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, những năm 1960 Pháp cắt đứt quan hệ với Israel, Tel Aviv đã tìm đến Nam Phi để hợp tác. Vào một thời điểm nào đó trong năm 1972, Israel đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân, và ngay sau đó đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân chung với Nam Phi trên một hòn đảo nhỏ ở Nam Ấn Độ Dương.

Hai vụ thử hạt nhân đầu tiên được tiến hành trong thời tiết khắc nghiệt để đánh lừa các vệ tinh do thám của Mỹ và Liên Xô. Vụ thử hạt nhân thứ ba bị vệ tinh Mỹ phát hiện vì lỗi dự báo thời tiết.

Việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân đã là một bí mật mở, điều này cũng khiến Israel trở thành mục tiêu mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến. Trước mắt, nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nổ ra chiến tranh hạt nhân (dù xác suất gần như bằng 0) thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể sử dụng bom hạt nhân do Mỹ giấu ở Incirlik.

Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra trên lý thuyết. Để ngăn chặn vũ khí hạt nhân bị lạm dụng, Mỹ đã phát triển “bảo hiểm” vũ khí hạt nhân có tên là " cho phép hành động liên kêt (PAL)" vào những năm 1960. Loại “bảo hiểm” này đơn giản là một thiết bị yêu cầu kết nối vật lý với vũ khí hạt nhân và nhập đúng khóa để kích hoạt chức năng bình thường của vũ khí hạt nhân.

Để ngăn chặn các quốc gia khác lạm dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng đã liên tiếp chia sẻ công nghệ PAL của riêng mình với Anh, Pháp và Liên Xô. Cả ba đều phát triển PAL của riêng mình trên cơ sở công nghệ của Mỹ.

Đối với máy bay ném bom hạt nhân, ngoài PAL của chính bom hạt nhân, cần lắp thêm bộ điều khiển có tên Aircraft Monitor and Control (AMAC) để theo dõi trạng thái của vũ khí hạt nhân, đồng thời mở khóa và điều khiển.

Giống như hệ thống PAL, hệ thống AMAC phải được kiểm tra và bảo trì hàng năm để duy trì “khả năng kép” (nghĩa là cả khả năng hạt nhân và khả năng thường trực).

Cho dù đó là cập nhật PAL hay bảo trì AMAC, thì cũng đều yêu cầu kinh phí hỗ trợ rất cao. Thổ Nhĩ Kỳ đã tự mình gắn bom hạt nhân B61 lên máy bay chiến đấu F-4 và F-16 để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sau khi F-35 ra đời, nhằm tiết kiệm chi phí, Mỹ đã dừng việc tích hợp khả năng tấn công hạt nhân cho F-4 và F-16.

Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ không còn khả năng thả bom hạt nhân B61 của Mỹ. Chừng nào Mỹ tiếp tục “ghìm cương” Thổ Nhĩ Kỳ về dự án F-35, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ không thể sử dụng những quả bom hạt nhân này.

Ngay cả khi ông Erdogan có "cưỡng đoạt" những quả bom hạt nhân của Mỹ tại Incirlik như lời đe dọa, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ có thể dùng những quả bom hạt nhân này như những "cục bê tông". Cùng với đó, nỗi lo vũ khí hạt nhân Israel vẫn sẽ là cơn ác mộng đối với người Thổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại