Nhằm duy trì lợi thế chiến lược và kinh tế so với Liên Xô thông qua kiểm soát trữ lượng dầu ở Trung Đông và ngăn chặn Liên Xô và các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc Arab tiếp cận chúng với bất cứ giá nào, Mỹ và Anh từng có kế hoạch đối phó rất nham hiểm, bao gồm cả việc hủy hoại tài nguyên này và hạ tầng cơ sở bằng sức mạnh hạt nhân.
Các mỏ dầu cháy trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc (1991); Nguồn: militarywatchmagazine.com
Đầu thế kỷ 20, do dầu mỏ bắt đầu thay thế than đá như một nguồn năng lượng quan trọng cho các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, xuất hiện thách thức chiến lược đối với thế giới phát triển khi các cường quốc công nghiệp tìm cách tiếp cận nguồn dự trữ “vàng đen”.
Không giống như than đá, có thể được khai thác trên khắp thế giới từ Anh, Đức đến Hàn Quốc và Trung Quốc, trữ lượng dầu tập trung nhiều hơn ở một số khu vực cụ thể, hầu hết đều thuộc thế giới thứ ba và cách xa các nền kinh tế phát triển.
Duy trì khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên này đã trở thành chủ trương chiến lược đối với các cường quốc, và với Trung Đông vào thời điểm đó là khu vực xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, việc kiểm soát các mỏ dầu của Arab và Iran xung quanh Vịnh Ba Tư đã trở thành một vấn đề có tầm quan trọng lớn.
Khu vực trước đây có ít giá trị chiến lược này đã sớm trở thành ưu tiên hàng đầu của Đế quốc Anh để duy trì ảnh hưởng đối với Trung Đông và kiểm soát nguồn cung dầu của nước này.
Sau Thế chiến I, Anh đã đầu tư rất nhiều vào việc khai thác dầu ở Trung Đông và bắt đầu thu được những lợi ích kinh tế lớn và chiến lược từ hoạt động sản xuất ở khu vực. Iran, Iraq, Kuwait và Saudi Arabia đều cậy nhờ lực lượng quân đội Anh để bảo vệ những tài sản Trời ban đó.
Các công ty của Anh đã thành công trong việc tìm kiếm và khai thác dầu ở Trung Đông, trong khi quân đội của họ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ các nguồn dự trữ chiến lược này khỏi tay Đức Quốc xã và các đồng minh phát xít trong Thế chiến II.
Hậu chiến tranh, khi sức mạnh trên toàn cầu của Anh suy giảm, Mỹ đã tận dụng vai trò của một cường quốc Phương Tây để thống trị Trung Đông. Các lợi ích chiến lược của Anh phần lớn vẫn được đáp ứng và các mục tiêu của Mỹ đối với khu vực và đảm bảo nguồn cung dầu của nước này phục vụ các lợi ích của Phương Tây đa phần vẫn giống các mục tiêu của thê lực tiền nhiệm.
Chiến tranh Lạnh bùng nổ đã chứng kiến các nỗ lực mới của cả Anh và Mỹ, và ở một mức độ nào đó của Khối Phương Tây, nhằm giữ cho dầu ở Trung Đông nằm dưới sự kiểm soát của mình, không rơi vào tay Liên Xô.