Cuộc gặp Alaska: “Bàn đạp” để Mỹ-Trung định vị sức mạnh trong cuộc chơi nước lớn

Kiều Anh |

Cuộc gặp Mỹ - Trung ở Alaska không phải một cuộc gặp thành công nhưng là một cuộc gặp quan trọng để Mỹ - Trung định vị sức mạnh của mình trong cuộc chơi của các nước lớn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan (phải) đang phát biểu trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chăm chú lắng nghe tại buổi khai mạc cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska ngày 18/3. Ảnh: AFP

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan (phải) đang phát biểu trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chăm chú lắng nghe tại buổi khai mạc cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska ngày 18/3. Ảnh: AFP

Cuộc chơi của các nước lớn

Các nhà quan sát đều nhận định quan hệ Mỹ - Trung là một mối quan hệ phức tạp bởi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đối với cuộc gặp cấp cao đầu tiên ở Alaska, câu hỏi đặt ra là Washington và Bắc Kinh muốn tìm kiếm điều gì từ sự kiện này? Liệu đó sẽ là một tiến trình thúc đẩy các vấn đề cụ thể về chính sách đối ngoại của hai bên hay chỉ đơn thuần là một cuộc gặp để hai bên "làm quen" với nhau nhiều hơn.

David E. Sanger, một quan chức Nhà Trắng và phụ trách các vấn đề về an ninh quốc gia nhận định với New York Times rằng đây không phải một cuộc gặp "làm quen" bởi hai nước "không lạ gì nhau", nhưng cũng sẽ không có bất kỳ tiến triển lớn nào về những vấn đề cụ thể. Cuộc gặp cấp cao nói riêng và quan hệ Mỹ - Trung sẽ không đạt được bước đột phá nào khi mà Trung Quốc kiên quyết không nhượng bộ những vấn đề mà nước này cho là lợi ích cốt lõi như Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương, cũng như chính quyền Tổng thống Biden sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh hạn chế lên các công ty Trung Quốc hoặc dừng các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông.

Thay vào đó, đây là một cuộc gặp để hai bên đánh giá về những ưu tiên của nhau, cũng như quay trở về "thế giới thực" trong cuộc chơi của các nước lớn, khi mà sự trỗi dậy và tham vọng quyền lực chi phối vị thế hiện tại của mỗi bên.

Thực tế thì chính quyền ông Biden không "trải thảm đỏ" cho cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung. Thậm chí, ngay trước khi cuộc gặp diễn ra, Mỹ đã không ngại thẳng tay trừng phạt hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc đại lục và Hong Kong, cũng như yêu cầu một số công ty hàng đầu nước này ra hầu tòa liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.

Theo ông David E. Sanger, điều đó cho thấy, đến nay, chính quyền ông Biden đã cứng rắn với Trung Quốc hơn nhiều so với dự đoán. Mặc dù trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, đảng Cộng hòa cho rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ khiến Trung Quốc được lợi, nhưng những gì Tổng thống Mỹ và các quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của ông như Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn Sullivan thực hiện đã cho thấy họ có một hướng tiếp cận rất khác. Chính quyền Mỹ mới tập trung vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, các mối đe dọa an ninh mạng và những hình thức mới của cạnh tranh quân sự.

Năm ngoái, ông Sullivan đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang xây dựng khả năng của hải quân và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này, cũng như đẩy Mỹ ngày càng xa khỏi Thái Bình Dương. Trung Quốc đã thực hiện chiến lược triển khai mạng lưới 5G trên khắp thế giới cũng như khiến các nước khác phụ thuộc vào sự hỗ trợ, các dự án cơ sở hạ tầng và vaccine của nước này để từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng. Ông David E. Sanger cho rằng, hiện Mỹ đang đối mặt với một đối thủ cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ cho tới quân sự.

Quan chức Mỹ này cũng khẳng định chắc chắn chính quyền ông Biden sẽ không từ bỏ các công cụ quyền lực đối phó với Trung Quốc từng được thực hiện dưới thời Tổng thống Trump.

"Tôi nghĩ họ nhận ra rằng ông Trump đã xác định chính xác tầm quan trọng của việc đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc nhưng cựu Tổng thống đã thực hiện sai cách".

Ông David E. Sanger nhận định, chính quyền ông Trump nghĩ rằng ông có thể cấm các công ty công nghệ Trung Quốc và áp lệnh trừng phạt lên quốc gia này cho tới khi Bắc Kinh phải chấp nhận mặc cả và ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, Trung Quốc quá lớn nên sẽ không bị đánh gục bởi các lệnh trừng phạt. Do đó, giải pháp cuối cùng là Mỹ sẽ phải đầu tư và sản xuất ra các sản phẩm cạnh tranh. Với chính quyền ông Biden, điều đó tức là Mỹ phải tạo ra mạng lưới 5G, cũng như đạt được các bước tiến về chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thậm chí cả khi điều đó yêu cầu một số chính sách công nghiệp với sự ủng hộ từ chính phủ.

Định vị sức mạnh

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy cả 2 nước đều đang cố gắng định vị sức mạnh của mình với phần còn lại của thế giới. Hai bên cũng hiểu, việc cứng rắn với đối phương khiến họ gặp thuận lợi hơn ở trong nước.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đầu tháng này cho thấy những quan điểm tích cực của người Mỹ về Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục khi chỉ ở mức 20%.

Tâm lý chống Trung Quốc ở Mỹ là lý do tại sao ông Donald Trump từng biến cáo buộc ông Biden mềm yếu với Trung Quốc là trung tâm chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

Ngoài ra, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng qua việc thúc đẩy các đạo luật trừng phạt Bắc Kinh để bảo vệ các công ty của Mỹ. Một số quan chức và nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ cho biết họ muốn chính quyền ông Biden tập trung nhiều hơn vào các động thái đối phó với Trung Quốc thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố hùng hồn.

"Chính quyền mới đang trong quá trình đưa ra những chỉ dẫn ban đầu đánh giá về Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi hy vọng, chúng ta sẽ không dành quá nhiều thời gian vào việc tiếp tục phán đoán vấn đề mà nên bắt đầu hành động bằng những giải pháp thực tế", một quan chức tình báo cấp cao, đồng thời là chuyên gia đánh giá về khả năng quân sự của Trung Quốc nhận định với NBC News.

Cuộc gặp ở Alaska có thể chưa phải là lúc để ông Biden hành động nhưng là dịp để chính quyền Mỹ mới truyền đi một tín hiệu rõ ràng với Trung Quốc rằng Washington sẽ cứng rắn với Bắc Kinh và ủng hộ các đồng minh của mình ở châu Á.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng với NBC News những ngày gần đây, 2 quan chức tình báo cấp cao cho biết họ tin rằng chính phủ Mỹ cần tái định hướng đáng kể các ưu tiên để đối phó với điều mà họ gọi là mối đe dọa chiến lược chưa từng có từ phía Trung Quốc, trong đó có việc dịch chuyển nguồn lực tình báo và quân sự từ Trung Đông về Thái Bình Dương. Các quan chức này đều nói rằng họ đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden đã chuẩn bị cho điều này.

Một trong 2 người nhận định, chính quyền Tổng thống Obama từng nỗ lực "xoay trục" về châu Á nhưng lại "chưa bao giờ hành động, bởi họ vẫn đang lún sâu vào những cuộc khủng hoảng ở Afghanistan và Iraq".

"Bây giờ tôi nghĩ tình hình đã trở nên cấp bách hơn và nghiêm trọng hơn nhiều. Chúng ta thực sự cần rút khỏi Trung Đông và suy nghĩ về cuộc đối đầu với Trung Quốc bởi nước này là quốc gia duy nhất có thể thách thức Mỹ một cách toàn diện", quan chức này cho hay.

Những diễn biến không nằm trong kịch bản

Trở lại cuộc gặp ở Alaska, khi Ngoại trưởng Trung Quốc hoàn thành bài phát biểu kéo dài hơn 15 phút thay vì 2 phút như đã thỏa thuận trước, ông mỉm cười và nói bằng tiếng Anh: "Đây là một bài kiểm tra cho phiên dịch viên". Ngoại trưởng Mỹ sau đó đã đáp lại rằng người phiên dịch nên nhận được sự khen ngợi. Mặc dù nói bằng một tông giọng hòa hoãn hơn song Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn nhắc đến "những cáo buộc không có căn cứ từ phía Mỹ" và nói rằng : "Đây không phải là cách mà người ta thường đón khách".

Theo những người tham dự cuộc trao đổi Mỹ - Trung, những gì xảy ra sau đó là một loạt những diễn biến không nằm trong kịch bản khi báo giới được yêu cầu rời đi rồi lại được gọi lại để nghe tiếp.

Cuộc đấu khẩu Mỹ - Trung trong cuộc gặp ở Alaska diễn ra giữa bối cảnh hai bên đều công khai tuyên bố về những quan điểm và tầm nhìn khác nhau nhằm truyền tải thông điệp với công chúng trong nước và các quốc gia đang theo dõi sự kiện này.

"Tôi nhận thấy chính quyền ông Biden không cho rằng sự hợp tác là thiết yếu và Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đối đầu ở mức độ cao", Elizabeth Economy, học giả tại Viện Hoover thuộc Đại học Standford cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại