Hải cảnh Trung Quốc thách thức liên minh quân sự Mỹ - Nhật

Minh Thu |

Hoạt động gia tăng của hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành phép thử đối với mối quan hệ liên minh quân sự Mỹ - Nhật.

Tàu hải cảnh Trung - Nhật xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. (Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản)

Tàu hải cảnh Trung - Nhật xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. (Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản)

Tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông có dấu hiệu gia tăng, do Nhật Bản đang cân nhắc điều động các lực lượng vũ trang đối phó trước sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của quân đội Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Hải cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ ngày 1/2, sau khi Bắc Kinh thông qua bộ luật mới cho phép lực lượng hải cảnh nước này “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” bao gồm vũ khí để chống lại các tổ chức và cá nhân nước ngoài vi phạm cái mà Trung Quốc gọi là chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia.

Trong năm 2020, các tàu của hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư khoảng 2 lần/tháng. Nhưng sau khi Trung Quốc thông qua bộ luật mới vào tháng Hai năm nay, tần suất tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt gần Senkaku/Điếu Ngư đã tăng lên thành 2 lần/tuần, theo số liệu được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản công bố.

Lâu nay, Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối trước sự hiện diện của các tàu hải cảnh Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nhưng mối quan ngại ngày càng gia tăng nhất là sau khi Bắc Kinh thông qua Luật Hải cảnh mới.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), căng thẳng Trung – Nhật có nguy cơ bùng phát thành xung đột và đây có thể là bài kiểm tra đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden trước những cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản, một trong những đồng minh thân thiết nhất trong khu vực.

Một quan chức Nhật Bản nhấn mạnh, Tokyo quan ngại trước các hoạt động của Trung Quốc và đang cân nhắc đưa ra phản ứng.

“Theo luật nội địa, Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng vũ khí trong trường hợp đại diện cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển làm nhiệm vụ chống lại những hành động phi pháp, nếu như hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà không được phép”, quan chức Nhật Bản giấu tên nói.

Vị quan chức cũng cho biết, Nhật Bản không có ý định gia tăng căng thẳng, nhưng Tokyo sẽ cố gắng gia tăng sức ép với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao như tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia khác gồm Anh và Canada.

Trong cuộc họp “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Anh – Nhật hồi tháng Hai, Tokyo cũng đã bày tỏ sự quan ngại về Luật Hải cảnh mới được Trung Quốc thông qua.

Phản ứng trước những lời cáo buộc từ phía Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/3 cho hay, hải cảnh Trung Quốc tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hợp lý và phù hợp với tuyên bố chủ quyền của quốc gia ở khu vực này. Bắc Kinh đồng thời hối thúc Tokyo tránh “làm phức tạp thêm tình hình”.

“Có những kênh liên lạc hiêu quả giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản có thể phối hợp với chúng tôi để xử lý thích hợp những vấn đề tính nhạy cảm như này”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Hồi cuối tháng Hai, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc liên tiếp tiến vào vùng biển của Nhật Bản và tiếp cận 1 tàu đánh cá Nhật Bản hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản đã điều động một tàu tuần tra đi hộ tống tàu cá nước này, đồng thời phát cảnh báo đối với các tàu Trung Quốc. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản còn cho biết đã quan sát thấy một trong hai tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo súng tự động trong lúc xuất hiện ngoài vùng biển của Nhật Bản.

Sau vụ việc trên, các quan chức chính phủ Nhật Bản tuyên bố Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản được phép nhắm bắn trực tiếp vào các tàu nước ngoài “nếu như có hành động vi phạm trong vùng lãnh thổ của Nhật Bản”.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi còn cho biết, Nhật Bản có thể triển khai Các Lực lượng Phòng vệ nếu như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển không thể đối phó với tình hình và “các tiêu chuẩn áp dụng với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển” có thể được áp dụng với Các Lực lượng Phòng vệ liên quan tới việc bắn các tàu nước ngoài.

Theo đài phát thanh - truyền hình NHK, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã tiến hành tập trận chung ở vùng biển phía tây nam vào ngày 3/3.

Cuộc tập trận mô phỏng khả năng tấn công vào các tàu nước ngoài với sự tham gia của 1 tàu khu trục, 1 tàu trang bị tên lửa và 2 trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cùng 2 tàu tuần tra bờ biển. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản điều động một tàu khu trục tham gia cuộc tập trận thường niên.

Phép thử với Mỹ

Ông Narushige Michishita, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản nhận định, Tokyo sẽ không tăng cường Các Lực lượng Phòng vệ tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng sẽ mở rộng sự hiện diện của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và các hoạt động liên quan tới Các Lực lượng Phòng vệ.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh và Tokyo đã cố gắng cải thiện quan hệ giữa hai nước, sau hàng thập niên bất đồng về vấn đề chủ quyền và lịch sử. Nhưng theo các nhà quan sát, căng thẳng Trung – Nhật có thể tiếp tục leo thang, nếu như hai bên không có hướng giải quyết phù hợp.

Ông Sheila Smith, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Các mối quan hệ nước ngoài, cảnh báo mối nguy hiểm nếu như Tokyo hoặc Bắc Kinh hiểu lầm ý định của nhau.

“Cho tới nay, các tàu Trung – Nhật vẫn hành động thận trọng để tránh xung đột. Nhưng nay khi Trung Quốc mở rộng bành trướng, các tướng chỉ huy Nhật Bản trên biển cần nhạy cảm hơn nữa trước ý đồ của các tàu hải cảnh Trung Quốc.

Những toan tính của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ - Nhật cân nhắc sử dụng những cam kết trong mối quan hệ liên minh quân sự, nhưng hiện vẫn chưa rõ họ sẽ làm gì. Việc hiểu nhầm ý định của nhau có thể là rất nguy hiểm”, ông Smith nói.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Yoshihide Suga hồi tháng Một, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định những cam kết của Mỹ với Nhật Bản. Cụ thể, ông Biden nhấn mạnh, “Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 trong hiệp ước an ninh bao gồm khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.

Hồi tuần trước, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã mô tả Nhật Bản là đối tác chiến lược lớn nhất của Mỹ và Washington sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ.

“Ông Biden biết rằng chính quyền mới đang bị Trung Quốc thử thách. Mỹ nhận định, đây là bài kiểm tra về sự tín nhiệm của Mỹ với các nước đồng minh.

Tân Tổng thống Mỹ cũng hiểu rằng, việc lấy lại lòng tin của các đồng minh ở châu Á vốn bị hao tổn dưới thời chính quyền tiền nhiệm sẽ không chỉ cần lời nói, mà còn phải có hành động để chứng minh”, ông Kotaro Tamura, cựu nghị sĩ Nhật Bản kiêm cố vấn cho cựu Thủ tướng Shinzo Abe kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại