Chàng thủ khoa hai lần hoãn cưới để lên biên giới chống dịch

Thu Hòa/Báo Tiếng nói Việt Nam |

Tốt nghiệp thủ khoa Học viện Biên phòng, chàng trai trẻ Lê Thừa Văn xung phong nhận công tác tại vùng biên giới Quảng Trị. Nay là đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, vì dịch Covid-19, Thượng úy Lê Thừa Văn vẫn dang dở lời hẹn ước với người yêu nơi quê nhà…

Thượng úy Văn hướng dẫn các con nuôi biên phòng tự học.

Thượng úy Văn hướng dẫn các con nuôi biên phòng tự học.

Băng mình trong mưa lũ

Thị trấn Lao Bảo, xã Tân Thành - vùng đất giáp biên của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sau đợt bão lũ đã bắt đầu những ngày nắng ráo. Người dân bắt tay vào khôi phục sản xuất, dần ổn định cuộc sống.

Trong câu chuyện của mình, chị Đào Thị Khuyên (bản Ka Tăng) kể về Thượng úy Văn với tình cảm thân thương, trìu mến…

Chị là mẹ đơn thân, một mình nuôi hai con nên cuộc sống khó khăn. Mong muốn sửa căn nhà đã cũ chưa thành hiện thực thì bão lũ lại dồn dập kéo về. Chị chưa biết phải xoay xở thế nào thì được Thượng úy Văn đến giúp chằng chống nhà cửa.

Có những đêm nước sông dâng cao, bản Ka Túp bị ngập, Thượng úy Văn lại cùng cán bộ, chiến sĩ lái ca nô đến cứu người dân, đưa đến nơi an toàn. Rồi khi người dân chưa về nhà được, anh lại mang mỳ tôm, đồ ăn đến.

Bởi vậy mà đến giờ, chị Khuyên vẫn biết ơn những việc mà người lính biên phòng đã làm cho 3 mẹ con chị và người dân nơi đây.

Nhà bà Trần Thị Xưng (khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo) ở vị trí đất trũng nên lần nào nước lên cũng ngập nửa nhà, lúc cao nhất gần ngập nóc nhà. Nước rút, lượng bùn non đọng lại rất nhiều. Thượng úy Văn lại tới giúp bà dọn dẹp, lau dọn nhà cửa.

Đặc biệt, sau đợt lũ năm vừa rồi, bằng các nguồn kinh phí do Văn và cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Lao Bảo vận động, đã giúp bà Xưng xây dựng một ngôi nhà mới cao ráo, rộng rãi hơn, đủ sức vượt qua các đợt lũ.

Đó chỉ là hai trong số nhiều người dân được Thượng úy Lê Thừa Văn và cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ trong các đợt phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt. Năm 2020, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề khi có tới 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp và 6 đợt lũ lụt.

Có đợt, nước sông Sê Pôn dâng lên hạ xuống đến 6 lần chỉ trong vòng 10 ngày, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn, nước ngập tận mái nhà, người dân thiếu ăn, thiếu chỗ ở.

Thượng úy Lê Thừa Văn và CBCS đã tỏa xuống địa bàn, giúp bà con dọn dẹp đồ đạc. Anh cũng trực tiếp đưa nhiều người dân, các cháu nhỏ, người già di chuyển tới nơi an toàn. Lũ rút, anh cùng cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng giúp dân khắc phục hậu quả.

Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Gio Linh, Lê Thừa Văn hiểu rõ sự cơ cực của người dân đất lửa Quảng Trị. Sau ngày tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nhận nhiệm vụ tại địa bàn Lao Bảo - nơi chủ yếu là đồng bào Bru - Vân Kiều và Pa Cô sinh sống, số hộ nghèo còn ở mức cao, trình độ dân trí thấp, anh luôn tâm niệm làm sao để đời sống bà con bớt khổ.

“Khi đồng bào thấy bộ đội thực sự đem lại cuộc sống ấm no thì họ mới tin, mới nghe theo và cùng chung tay xây dựng, bảo vệ biên giới”. Nghĩ là làm, Văn chủ động “ba bám, bốn cùng” với nhân dân, đến từng hộ gia đình thăm hỏi, nắm bắt tình hình, rồi chủ động đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo, xã Tân Thành tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất rau sạch, chăm sóc đàn dê do dự án GMS hỗ trợ đạt kết quả cao nhất, tổ chức mô hình sản xuất chuối ép chân không, chăn nuôi heo thịt.

Năm 2020, Thượng úy Lê Thừa Văn cùng các ban, ngành vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình “Bò giống cho người nghèo”, “Nuôi dê chuồng”. Nhờ đó, hơn 100 hộ dân đã được hỗ trợ 60 con bò và 150 con dê giống.

Đến nay, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như gia đình anh Hồ Văn Thảo (32 tuổi, ở bản Ka Túp, thị trấn Lao Bảo) có hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, làm mướn.

Từ sự gợi ý của bộ đội Văn, gia đình anh Thảo trở thành hộ đầu tiên nhận 2 con bò trong mô hình “Bò giống cho người nghèo”. Thượng úy Văn còn đến nhà động viên, hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc vật nuôi, làm chuồng trại hợp vệ sinh.

Đến nay, đàn bò của gia đình anh Thảo đã phát triển thành 5 con và hứa hẹn tiếp tục sinh sôi, nảy nở, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình anh thoát nghèo vào cuối năm qua.

Già làng Hồ Thanh Bình, bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo chia sẻ: “Bộ đội Văn tốt lắm! Tháng nào bộ đội Văn và đơn vị cũng đến thăm, tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bộ đội còn chỉ cho mọi người cách trồng trọt, nuôi con gì cho có lợi.

Bà con coi bộ đội Văn như con cháu trong nhà. Nghe bộ đội Văn khuyên bảo, thanh niên người Pa Kô và Vân Kiều không nghe kẻ xấu dụ dỗ đi làm những việc sai trái nữa”.

Hai lần hoãn cưới để chống dịch

Chốt kiểm dịch sông Sê Pôn, chạy từ bên Việt qua hướng Lào, theo luật biên giới quốc gia hoạch định: Dòng chảy chính giữa lòng sông ngăn cách giữa hai nước.

Bên này là bản Ka Tăng - Lao Bảo - Việt Nam, bên đối diện là bản Ka Túp 2, cụm bản Ka Túp Mạ Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Xa-va-na-khẹt, Lào. Nơi đây, người dân thường xuyên qua lại, vừa thu mua nông sản, vừa củng cố tình kết nghĩa bản - bản.

Chiếc lều dã chiến được dựng lên là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của 3 cán bộ, chiến sĩ… Bước chân vào lều bạt, hơi nóng từ ngoài phả vào hầm hập khiến bất cứ ai cũng cảm thấy căng tức ngực, khó thở.

Độ ẩm giảm xuống tối đa, đẩy nhiệt độ lên trên 42 độ. Ban ngày nắng nóng khô hanh mà ban đêm trời trở lạnh còn nhanh hơn nữa, 1 ngày thời tiết xoay chuyển theo 2 mùa. Có những chốt khoảng cách rất xa, không có điện nước sinh hoạt, anh em rất vất vả.

Thượng úy Văn rảo bước nhanh từ điểm chốt xuống khu vực biên giới giữa lòng sông Sê Pôn. Đường mòn nhiều lối ngang ngõ tắt, sông suối mùa này nước cạn, bà con không cần đi bè như mọi ngày, mà đi bộ qua là đến bên kia biên giới.

Chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn. Chưa kể sự nguy hiểm khi nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm với người mang dịch bệnh là khá cao. “Nhiều khi nghĩ không biết mình sẽ bị Covid lúc nào, bởi vì trăm ngàn người qua lại, tổ công tác phải thường xuyên có mặt để tuyên truyền vận động.

Bà con đi sang kia buôn chuối từ 5 - 6h sáng, thấy bộ đội trực thì họ đi sớm hơn nữa, sau tìm khung giờ trái với lúc bộ đội trực để qua lại”, Văn chia sẻ.

Được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý 5 chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở vùng biên giới Việt - Lào, hơn một năm qua, Thượng úy Lê Thừa Văn cùng đồng đội đã đến từng bản, phát trên 2.900 bánh xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn và tặng miễn phí 18.500 khẩu trang y tế; tuyên truyền, phát hơn 10.500 tờ rơi hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch bệnh, tặng hơn 350 đôi giày lao động, nhiều phần quà là bánh kẹo, thức ăn, và hơn 210 bánh xà phòng trị giá hơn 15 triệu đồng.

Trong thời gian cao điểm, anh cũng hăng hái phát cơm, bánh mì, nước suối miễn phí cho công dân nhập cảnh vào Việt Nam thuộc diện cách ly tập trung và kiểm tra sức khoẻ tại CKQT Lao Bảo.

Tham mưu cấp ủy chỉ huy đơn vị phối hợp với địa phương tặng hỗ trợ 5 bản kết nghĩa phía Lào, với 5.000kg gạo, 500 két mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác, trị giá khoảng 150 triệu đồng. Nhờ đó, người dân khu vực biên giới Hướng Hóa luôn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch bệnh; không tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.

365 ngày bám trụ trên chốt biên giới phòng chống Covid 19, Thượng úy Lê Thừa Văn đã tạm gác lại điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời mình, đó là hai lần hoãn cưới vợ.

Lần thứ nhất, Văn có kế hoạch tổ chức đám cưới vào ngày 21/3/2020, thế nhưng khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, thiệp mời cũng đã gửi thì anh quyết định hoãn cưới để làm nhiệm vụ chống dịch.

Tháng 7/2020, khi dịch Covid-19 tái bùng phát, anh lại một lần nữa động viên bạn gái và gia đình hoãn cưới. Mong muốn nhất bây giờ của Văn là đại dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi, để được cùng vợ tổ chức lễ cưới, một mong ước đơn giản và cũng rất đỗi thiêng liêng của người sĩ quan trẻ biên phòng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại