Nga đã "cảnh cáo": Israel lần cuối "được phép" tấn công Iran ở Syria?

Vũ Mạnh Kiên |

Moscow từ chối cho phép Israel và Iran sử dụng Syria làm vũ đài đối đầu giữa hai bên. Có vấn đề gì, Nga sẽ là bên giải quyết.

Nga đã cảnh cáo: Israel lần cuối được phép tấn công Iran ở Syria? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Syria không phải vũ đài của Israel và Iran

Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow từ chối cho phép Israel và Iran sử dụng Syria làm vũ đài đối đầu giữa hai bên, khi căng thẳng tiếp tục leo thang với các cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran.

Phát biểu trong cuộc họp báo hồi đầu tuần, ông Sergey Lavrov đảm bảo với Israel rằng Nga sẽ không cho phép các mối đe dọa và các cuộc tấn công nhằm vào nước này từ Syria.

"Các đồng nghiệp Israel thân mến, nếu bạn thật sự thấy đất nước mình đang đối mặt với các mối đe dọa từ lãnh thổ Syria, hãy báo cáo sự việc khẩn cấp và chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để vô hiệu hóa mối đe dọa", Ông Lavrov nói.

Những lời cam kết của Ngoại trưởng Lavrov đến sau một loạt cuộc không kích lớn của người Israel vào các địa điểm quân sự của Iran bên trong lãnh thổ Syria. Israel đã thường xuyên nhắm vào những mục tiêu này trong vài năm qua trong nỗ lực ngăn chặn sự tăng cường hiện diện của Iran tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Giới quan sát đánh giá, tuyên bố của ông Sergey Lavrov có thể làm sáng tỏ hơn về động lực của mối quan hệ Nga-Iran ở Syria và những vấn đề xung quanh. Có thể thấy rằng, Iran đang bị dồn vào bước đường cùng, khi ngay cả Nga cũng có những động thái muốn đẩy nước này ra khỏi Syria.

Theo Middle East Monitor, cái thời mà Moscow cần sự hiện diện của quân đội và đồng minh Iran ở Syria đã qua lâu. Điện Kremlin trước đó thông báo rằng thời gian diễn ra các trận đánh lớn ở Syria đã kết thúc và vận mệnh của ba miền Bắc, Đông và Tây Syria sẽ được quyết định trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường.

Cũng không có gì bí mật khi sự hiện diện của Israel trên bầu trời Syria sẽ không tiếp diễn trong suốt thời gian qua và sẽ không đạt hiệu quả đến mức làm tổn thương nhân lực, cơ sở của Iran nếu không có Nga làm ngơ trước điều này.

Hơn nữa, quan điểm của đặc phái viên Syria của Mỹ James Jeffrey tóm tắt chiến lược của Washington ở Syria đã được Điện Kremlin hoan nghênh, trong đó xác nhận việc Washington chấp nhận để Syria rơi vào tay Nga và ủng hộ ý tưởng rút các lực lượng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khỏi Syria trong khuôn khổ cuối cùng.

Ông Jeffrey cũng lưu ý, Washington vẫn áp dụng quan điểm không kêu gọi Tổng thống Bashar Al-Assad phải rời bỏ quyền lực, mà thay vào đó kêu gọi ông thay đổi các động thái của mình bằng cách nới lỏng quan hệ với Iran và các đồng minh. Với tất cả những điều này, thật hợp lý khi cho rằng Moscow có thể đã nghĩ đến ý tưởng mở các kênh liên lạc giữa Damascus và Israel.

Trở ngại của Damascus

Nga đã cảnh cáo: Israel lần cuối được phép tấn công Iran ở Syria? - Ảnh 2.

Tổng thống Assad sẽ càng khó khăn hơn khi vẫn giữ ảnh hưởng của Iran trong nước.

Moscow luôn bác bỏ ý tưởng biến miền Nam Syria thành một miền Nam Lebanon thứ hai và không chấp nhận lý thuyết “phản kháng và đối đầu” hay trục thống nhất của Iran.

Nga ủng hộ việc lồng ghép Syria vào hành động chính trị nhằm đạt được một thỏa thuận Ả Rập-Israel, đồng thời không muốn Damascus tụt hậu so với những cân nhắc trong cách tiếp cận của chính quyền Joe Biden trong khu vực. Thật hợp lý khi cho rằng Moscow đang tin tưởng Damascus là cửa ngõ để tham gia với tư cách là một đối tác trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này bị chặn bởi một số trở ngại lớn, vì Damascus không thể tiến hành hòa bình với Israel mà không giành lại Cao nguyên Golan, như Tổng thống Assad từng nhấn mạnh.

Cùng với đó, chính quyền Assad cũng được yêu cầu phải phá vỡ liên minh chặt chẽ với Iran và các đồng minh như một bước dạo đầu để bình thường hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Assad cũng sẽ được Liên minh châu Âu và chính quyền Biden có thêm các yêu cầu mới, thực hiện nhiều bước đột phá hơn trong nội bộ. Ông sẽ phải đối mặt với những thách thức có thể bị đánh giá thấp về mặt lý thuyết, nhưng rất khó khăn trong thực tế - tuy nhiên, không phải là không thể trong tương lai gần.

Nga lo ngại "vũng lầy kinh tế" ở Syria và sự trở lại của những người tị nạn. Cần biết rằng cộng đồng quốc tế sẽ không cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Damascus nếu không thay đổi lập trường và liên minh.

Hơn nữa, chính quyền Assad nhận thức được rằng chính sách "bóp nghẹt kinh tế" không kém phần nguy hiểm so với mối đe dọa quân sự mà ông phải đối mặt trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng.

Có thể thấy rằng, với những cuộc tấn công của Israel, sức ép từ phương Tây, một phần làm ngơ của Nga, chính quyền Damascus đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan với sự tồn tại của Iran trong lãnh thổ. Vấn đề là tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu, khi rõ ràng yếu thế đang dồn về Damascus và Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại