Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở: Phép thử tân chủ nhân Nhà Trắng?

Mộc Thạch |

Ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow bắt đầu các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở nhằm đáp trả tương xứng quyết định đơn phương của Mỹ hồi tháng 11-2020. Hành động của Nga diễn ra ngay trước ngày Nhà Trắng chuẩn bị bước sang trang mới như một “phép thử” phản ứng của chính quyền Washington sắp tới.

Một chuyên cơ của Nga sử dụng trong hoạt động Hiệp ước Bầu trời Mở.

Một chuyên cơ của Nga sử dụng trong hoạt động Hiệp ước Bầu trời Mở.

Giải thích về quyết định trên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Vì không có tiến bộ trong quá trình đàm phán về việc tiếp tục Hiệp ước Bầu trời mở trong tình hình mới, nên chúng tôi thông báo sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp ước này”.

Quyết định này của Nga khởi động quá trình 6 tháng để chấm dứt một thỏa thuận quốc tế quan trọng vốn được xây dựng nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự.

Trong thông báo, cơ quan ngoại giao Nga nói thêm rằng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước, lợi ích của các quốc gia thành viên bị xáo trộn đáng kể, nhiều thành viên trong hiệp ước không ủng hộ các đề xuất của Nga để duy trì cơ chế này trong điều kiện mới. Cụ thể, các thành viên còn lại không cam kết ngừng chia sẻ thông tin với Mỹ.

Trưởng phái đoàn Nga tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov từng vạch trần âm mưu của Mỹ, ông cho rằng Washington rút khỏi Hiệp ước nhưng yêu cầu các đồng minh châu Âu vẫn tham gia để có thể nhận thêm dữ liệu trinh sát từ các chuyến bay trên bầu trời Nga.

Phát biểu tại phiên họp của Câu lạc bộ quốc tế Valdai hồi cuối tháng 10-2020, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: “Tất cả các bạn đều là thành viên NATO, có nghĩa là bạn sẽ bay, chuyển tất cả thông tin này cho người Mỹ nhưng chúng tôi sẽ không thể làm điều này, bởi vì chúng tôi sẽ vẫn ở trong Hiệp ước này. Do đó, chúng ta hãy nói chuyện trung thực với nhau!”.

Hiệp ước Bầu trời mở cho phép máy bay do thám tự do bay qua các nước tham gia nhưng phải được thông báo trước và trong hạn ngạch đã được thiết lập. Cũng theo các thỏa thuận, dữ liệu thu được từ các chuyến bay trong Bầu trời mở nên được cung cấp cho tất cả các bên khác của thỏa thuận này, tức là chúng không nên được cung cấp cho các bên không tham gia.

Trong khi đó, trong một phát biểu hồi cuối tháng 11-2020, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chỉ rõ:

“Chúng ta biết rằng người Mỹ hiện đang tích cực “nuôi dưỡng” các thành viên NATO, tất cả các đối tác của họ vẫn ở lại Hiệp ước. Washington yêu cầu họ ký các giấy tờ nêu rõ rằng, khi họ không có Mỹ, họ sẽ vẫn ở trong thỏa thuận này và dữ liệu mà người phương Tây nhận được từ các chuyến bay qua Liên bang Nga phải được chuyển đến Mỹ. Vậy có đúng đắn không? Hoàn toàn không! Mỹ không muốn thể hiện bất cứ điều gì với bất kỳ ai nhưng chính họ sẽ “bòn rút” thông tin của đồng minh một cách bất hợp pháp”.

Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky coi việc nước này khởi động thủ tục rút khỏi Hiệp ước là “một phản ứng thỏa đáng” đối với Mỹ. Nghị sĩ này cho rằng, sau bước đi của Washington và không có sự bảo đảm từ châu Âu, việc tiếp tục các chuyến bay mang lại rủi ro cho an ninh quốc gia của Nga.

Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Chính trị và quân sự thuộc Khoa Chính trị Thế giới, Đại học Tổng hợp Moscow lưu ý rằng, đối với châu Âu, việc Nga rút khỏi Bầu trời mở là “một đòn khác về mặt phá hủy cơ sở hiệp ước, các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh ở châu Âu”.

Một ngày sau khi Nga tuyên bố khởi động thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, người phát ngôn của NATO, Piers Kazalet cho rằng, việc Mỹ và Nga cùng rời khỏi sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Hiệp ước trong khu vực.

Song, ông Kazalet cũng khẳng định sau quyết định của Nga, các đồng minh NATO vẫn cam kết đối thoại với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí. Đức cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và có những tác động rất cụ thể đối với an ninh và lòng tin ở Bắc Bán cầu.

Việc cả 2 cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ cùng rút khỏi cơ chế kiểm soát an ninh có thể khiến thỏa thuận đứng trước khả năng sụp đổ, từ đó làm gia tăng nguy cơ xung đột và chạy đua vũ trang với những hậu quả khó có thể kiểm soát được.

Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Joe Biden từng gọi việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận là thiển cận. Ông Biden tuyên bố sẽ tìm cách tái gia nhập hiệp ước.

Tuy nhiên, việc này có thể sẽ gặp khó khăn, vì Mỹ có thể sẽ phải đồng ý với bất cứ điều khoản sửa đổi nào mà các thành viên còn lại đưa ra. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ cho ngừng hoạt động hoặc bán các máy bay giám sát từng được nước này sử dụng cho Hiệp ước Bầu trời mở.

Trước đó, đánh giá triển vọng của Hiệp ước Bầu trời mở thời gian tới, Vladimir Ermakov, Cục trưởng Cục Không phổ biến và Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Để nói bất cứ điều gì về lập trường của chính quyền mới của Mỹ, ít nhất chúng ta phải đợi đến lễ nhậm chức của tân tổng thống. Còn quá sớm để đưa ra dự báo”.

Ngày 16-1, Chánh Văn phòng tương lai của Tổng thống Mỹ, Ron Klain, cho biết ông Joe Biden sẽ ký một loạt sắc lệnh ngay ngày đầu tiên nhậm chức nhằm “phục hồi vị trí của nước Mỹ trên thế giới”. Nhưng, liệu ông có ký lệnh đưa nước Mỹ trở lại Hiệp ước Bầu trời mở sau “cú chiếu tướng” của Nga hay không thì vẫn còn phải chờ xem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại