Siết chặt các khoản vay làm châu Phi lao đao với dự án dở dang: TQ từ bỏ Vành đai Con đường?

Thu Ngọc |

Hơn 6 năm trước, Kenya, Uganda, Nam Sudan và Rwanda đã ấp ủ một kế hoạch lớn để xây dựng một tuyến đường sắt tiêu chuẩn đầy tham vọng.

Chuyến tàu chở hàng đầu tiên đến Naivasha từ Nairobi vào năm 2019. Giai đoạn tiếp theo của dự án vẫn đang chờ đợi các khoản trợ cấp từ Trung Quốc.

Chuyến tàu chở hàng đầu tiên đến Naivasha từ Nairobi vào năm 2019. Giai đoạn tiếp theo của dự án vẫn đang chờ đợi các khoản trợ cấp từ Trung Quốc.

Tuyến đường sắt này sẽ nối các quốc gia từ bờ biển Kenya và kéo dài đến Cộng hòa Dân chủ Congo giàu khoáng sản.

Trung Quốc thu hẹp các khoản cho vay

Tuyến đường sắt liên quốc gia dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2018 nhưng cho đến nay mới chỉ hoàn thành giai đoạn đầu từ thành phố cảng Mombasa đến thủ đô Nairobi của Kenya và sau đó đến thị trấn Naivasha ở Thung lũng trung tâm Rift. Giai đoạn đầu của dự án đã được hoàn thành với 4.7 tỷ USD vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc(Exim).

Kenya vẫn chưa đảm bảo nguồn vốn cho giai đoạn kết nối tuyến đường sắt với Kisumu và tới biên giới Malaba với Uganda. Exim - một trong những nhà cho vay hàng đầu của Trung Quốc cho các dự án ở nước ngoài, đã yêu cầu Kenya đệ trình lại nghiên cứu khả thi cho phần mở rộng Malaba để chứng minh khả năng thương mại của dự án trước khi giải ngân. Uganda cũng chưa đảm bảo nguồn vốn từ cùng ngân hàng này, các quan chức ở Kampala cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.

Các nhà phân tích cho rằng tuyến đường sắt này - một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - đang đối mặt với những thách thức giống như các tuyến đường khác trên thế giới, khi Bắc Kinh thay đổi dần mô hình vay vốn trong các ngân hàng chính sách từ tuân theo chỉ đạo của chính phủ sang việc thẩm định dự án kĩ lưỡng hơn.

Các nguồn tin ở Bắc Kinh cho biết tài chính eo hẹp cho các dự án vành đai và đường bộ một phần là do tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp tại Trung Quốc - quốc gia vốn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và rủi ro nợ ngày càng tăng.

Trung Quốc gần đây cho biết họ đã ngừng tiếp nhận thanh toán các khoản nợ trị giá 2.1 tỷ USD của 23 quốc gia do đại dịch Covid đang tàn phá các nền kinh tế châu Phi.

Theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, các khoản cho vay của Exim và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 75 tỷ USD vào năm 2016 xuống còn 3.9 tỷ USD vào năm ngoái.

Các quốc gia châu Phi đối mặt tình trạng chi phí vận hành cao hơn nhiều so với doanh thu

Tim Zajontz, thành viên nghiên cứu trong dự án Quản trị và Không gian châu Phi tại Đại học Edinburgh, cho biết đã có sự sụt giảm nguồn hỗ trợ tài chính, đặc biệt là từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, hệ quả từ việc siết chặt quá trình đánh giá rủi ro.

Từ tháng 5/2017- tháng 5/2020, dự án đường sắt tiêu chuẩn mới của Kenya đã lỗ 200 triệu USD. Đồng thời, chính phủ Kenya có nghĩa vụ phải chi trả 1 khoản phí vận hành hàng quý trị giá gần 30 triệu USD cho Afristar - doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Tình hình tương tự diễn ra ở Ethiopia, nơi tuyến đường sắt tiêu chuẩn điện khí hóa mới (SGR) ghi nhận doanh thu 40 triệu USD trong năm 2019, trong khi chi phí vận hành là 70 triệu USD.

Bắc Kinh từ bỏ Vành đai Con đường?

Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại không có nghĩa là Trung Quốc đang từ bỏ Sáng kiến vành đai và Con đường. Bắc Kinh vẫn đang ký kết thêm nhiều thỏa thuận. Ví dụ, vào tuần trước, Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia của Trung Quốc đã công bố thỏa thuận hợp tác vành đai và con đường đầu tiên được ký với một tổ chức quốc tế khu vực - Liên minh châu Phi.

Bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết sự sụt giảm tài chính không có nghĩa là Bắc Kinh cũng không có nghĩa là nguồn vốn từ Trung Quốc sẽ không tăng lên trong tương lai. Nhưng trong 2-3 năm trở lại đây, việc cung cấp tài chính của Trung Quốc đã trở nên thận trọng và kĩ lưỡng hơn.

Bà Linda Calabrese, nhà nghiên cứu và nhà kinh tế học phát triển tại Viện Phát triển Hải ngoại ở London, nhận định sự sụt giảm tài chính là hệ quả từ hai yếu tố: các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đang học hỏi kinh nghiệm từ các hoạt động tài chính ở quy mô quốc tế và hình ảnh quốc tế của quốc gia đông dân nhất thế giới cũng chẳng được hưởng lợi gì từ việc vỡ nợ của các nước vay vốn.

Bà Calabrese dự đoán rằng việc tài trợ cho các dự án Vành đai và đường bộ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.

"Hoạt động cấp vốn có thể được thu hẹp lại hoặc trở nên thận trọng hơn, nhưng vì sự tồn tại của Sáng kiến nên ít khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong thời gian tới" bà Calabrese nói.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại