Ông Joe Biden là "bản lai" giữa Trump-Obama: Châu Á "vui hay buồn"?

Trương Mạnh Kiên |

Chính sách của ông Biden được đánh giá là "phiên bản lai" giữa ông Trump và ông Obama, sẽ khiến Trung Quốc và châu Á cảm thấy khó lường.

Theo các học giả quốc tế, chính quyền Joe Biden đặc biệt coi trọng chính sách châu Á trong nhiệm kỳ tới.

Ông được cho là sẽ bắt đầu vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ mới, tiến hành nâng cấp chiến lược "xoay trục châu Á" của chính quyền Barack Obama, và tiếp tục các quan điểm cứng rắn về tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới

Ông Joe Biden từng nhiều lần khẳng định rằng, một khi bước vào Phòng Bầu dục, ông sẽ không ngay lập tức hủy bỏ thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một mà Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc đạt được gần một năm trước, cũng như sẽ không xóa bỏ mức thuế trừng phạt 25% đối với một nửa hàng xuất khẩu Trung Quốc được đưa ra bởi người tiền nhiệm của mình.

"Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức và điều tương tự cũng áp dụng đối với thuế quan. Tôi sẽ không làm phương hại đến các lựa chọn của mình", ông Biden nói với The New York Times vào ngày 1/12.

Nhận xét của ông Biden được đưa ra giữa lúc các học giả và nhà báo Trung Quốc dự đoán chính quyền mới của Mỹ sẽ kết thúc cuộc chiến thuế quan và loại bỏ học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

"Tôi không nghĩ chính quyền Biden sẽ xoay chuyển hoàn toàn các chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, vì chính sách của Mỹ với Trung Quốc là vấn đề mang tính lưỡng đảng và là cốt lõi trong chính sách đối ngoại.

Nó có xu hướng phản ánh sự đồng thuận trong Quốc hội và nhánh hàng pháp", Jay Batongbacal, giám đốc viện Hàng hải và Luật Biển của đại học Philippines cho biết.

Theo học giả, lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc phản ánh những lo ngại sâu sắc của Washington về sự cần thiết phải duy trì vị thế dẫn đầu đối với lĩnh vực công nghệ và ảnh hưởng kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy.

Ông Joe Biden là bản lai giữa Trump-Obama: Châu Á vui hay buồn? - Ảnh 2.

Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động tự do hàng hải.


Ông nhấn mạnh rằng một "xoay trục châu Á mới" có lẽ là một cách hiểu sai, vì chính sách của Mỹ về châu Á không thực sự thay đổi dưới thời Trump.

Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng chính quyền Biden có thể cố gắng "sửa đổi các chính sách thương mại của chính quyền Trump liên quan đến Trung Quốc", Tiến sĩ Zhang Baohui, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương tại đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông, cho biết.

Ông trích dẫn thực tế rằng Bộ trưởng Tài chính mới được chỉ định Janet Yellen là người chỉ trích cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc.

"Có khả năng Biden có thể tìm kiếm một vòng đàm phán thương mại mới với Bắc Kinh", Baohui gợi ý.

"Sa hoàng châu Á"

Vào ngày 1/12, Financial Times đưa tin, ông Biden đang xem xét bổ nhiệm một "Sa hoàng châu Á" – một vị trí chuyên trách về châu Á - vào Hội đồng An ninh Quốc gia.

Theo Jaewoo Choo, giáo sư về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại khoa Nghiên cứu Trung Quốc tại đại học Kyung Hee, có một số ứng cử viên rõ ràng cho vai trò "Sa hoàng châu Á", như cựu trợ lý của Hillary Clinton, Jake Sullivan, và Jeffrey Prescott, giám đốc điều hành của National Security Action.

Giáo sư Choo nghiêng về lựa chọn thứ hai, bởi nhân vật này"có nhiều kinh nghiệm trong Nhà Trắng và rất thân thiết với ông Biden".

"Việc ông Biden tạo ra vị trí mới này trong Hội đồng An ninh Quốc gia cho thấy tầm quan trọng của châu Á đối với chính quyền mới", Zhang Baohui thừa nhận.

"Tuy nhiên, đây không phải là điều gì mới mẻ. Khi còn là phó tổng thống dưới thời Obama, ông Biden cũng đã thực hiện sáng kiến ​​tái cân bằng chiến lược hay còn gọi là "xoay trục châu Á".

Ông Obama đã triển khai chiến lược "xoay trục châu Á" vào năm 2011-2012, gửi thông điệp: "Mỹ sẽ đóng vai trò lãnh đạo ở châu Á trong nhiều thập kỷ tới", như Viện Brookings khái quát vào năm 2011.

Học thuyết này dự kiến nâng cao sự hợp tác kinh tế và quân sự của Washington với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như gia tăng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nhằm đẩy lùi yêu sách trên biển bất hợp pháp của Trung Quốc.

"Sự xoay trục thời Obama bắt đầu từ khía cạnh quân sự; việc tái triển khai các lực lượng dọc theo Vành đai Thái Bình Dương tiếp tục dưới thời Trump", Batongbacal giải thích.

"Khía cạnh bị đình trệ ở đây là kinh tế, điều mà với châu Á có thể chuyển trực tiếp thành ảnh hưởng về chính trị

Chính quyền Biden có thể sẽ cố gắng bắt kịp thành phần này, nhưng đó được cho là không dễ dàng bởi vì trọng tâm của Obama là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã bị ông Trump đánh chìm trong tháng đầu tiên nắm quyền".

Ba đặc điểm trong chiến lược Biden

Giáo sư Jaewoo Choo tin rằng, "xoay trục châu Á" mới sẽ khác với những gì chính quyền Obama từng theo đuổi vì nó có khả năng kế thừa các chiến lược và tư duy cốt lõi đằng sau chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Trump

Do vậy, sẽ có ba đặc điểm tiềm năng trong kế hoạch châu Á của ông Biden. Đầu tiên là nhấn mạnh vào các giá trị và hệ tư tưởng trong nền tảng chính sách châu Á.

Thứ hai, mục tiêu sẽ là xây dựng một mạng lưới liên minh nội bộ và tăng cường hợp tác giữa các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là trong Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad), một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Thứ ba, tranh cãi trên biển sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự của Washington.

Các nhà quan sát đồng ý rằng về vấn đề tranh cãi trên biển, các động lực hiện tại sẽ tiếp tục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại