2.000 lính Nga nhận nhiệm vụ chưa từng thấy ở Karabakh: Cần 1 thứ giỏi ngang năng lực quân sự

Vy Lam |

Theo FT, gần 2.000 lính Nga được triển khai tới vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh ở Caucasus trong tháng này đang thấy mình bị đẩy vào một vai trò không hề quen thuộc.

Vai trò không quen thuộc

Tờ Financial Times cho hay, binh lính Nga không còn lạ lẫm gì với nhiệm vụ tuần tra tiền tuyến trong khu vực xung đột bị đóng băng ở vùng lân cận. Tuy nhiên, gần 2.000 lính Nga được triển khai tới vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh ở Caucasus trong tháng này thấy mình bị đẩy vào một vai trò không quen thuộc: đó là những người gìn giữ hòa bình "không thiên vị".

Khác với sự hiện diện quân sự của Nga ở đông Ukraine, Nam Ossetia, Abkhazia, Transnistria, binh lính Nga lần này sẽ không bảo vệ vùng lãnh thổ mà lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn nắm giữ.

Thay vào đó, theo khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 tuần giữa Armenia và Azerbaijan, binh lính Nga sẽ phải giữ bình ổn một khu vực chiến trường đã "30 năm tuổi" và đang bị chia cắt, buộc các bên liên quan tôn trọng những gì Azerbaijan vừa giành được, trong khi bảo vệ một vùng đất của Armenia vừa bị bao vây và tàn phá.

"Bất cứ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nào được triển khai tại khu vực chiến sự vừa qua đều ẩn chứa nhiều rủi ro… Lực lượng gìn giữ hòa bình phải có khả năng xử lý ngoại giao ngang với khả năng hành động quân sự" – Ông Maxim Suchkov, thành viên cấp cao tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow cho hay.

"Nga giữ vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột này, đồng nghĩa họ sẽ có những trách nhiệm lớn lao hơn. Thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa ổn định, bởi nó hầu như là ý tưởng của Moscow" – Ông Suchkov nêu quan điểm.

Vùng Nagorno-Karabakh có địa hình đồi núi, nó nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng dân cư ở đây chủ yếu là người Armenia. Những người này đã giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và nhiều khu vực rộng lớn của vùng lãnh thổ quanh đó trong cuộc chiến tranh đầu những năm 1990, khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng.

Các nỗ lực ngoại giao mờ nhạt và những cuộc đụng độ rải rác đã trải dài 2 thập kỷ rưỡi tiếp theo, trước khi Azerbaijan – với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng loạt vũ khí tối tân – tuyên bố sẽ tái chiếm vùng lãnh thổ tranh chấp vào cuối tháng 9. Baku sau đó đã đạt được những bước tiến lớn về lãnh thổ trước khi tiến tới thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian ngày 10/11.

Nga có hiệp ước phòng thủ chung với Armenia nhưng giữ chủ trương duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả hai phía liên quan trong cuộc xung đột. Sự chuyển đổi từ vai trò trung gian quanh bàn đàm phán ngoại giao sang thiết lập các trạm quan sát ở tiền tuyến sẽ tăng thêm gánh nặng cho vai trò lãnh đạo khu vực của Moscow khi nước này đang tìm cách cân bằng lợi ích của cả hai nước thuộc Liên Xô cũ.

"Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Nga giờ đây sẽ trở thành một hạng mục quan trọng trong chương trình nghị sự song phương với cả Armenia và Azerbaijan. Việc gia hạn hoặc không gia hạn thêm nhiệm vụ này sẽ trở thành một cơ sở để đàm phán và tác động đến các vấn đề rộng lớn hơn" - Laurence Broers, giám đốc chương trình Caucasus tại tổ chức xây dựng hòa bình Conciliation Resources nhận định.

"Tuy nhiên, việc kiểm soát nhân tố gây ảnh hưởng đó theo những cách thức để tránh nó trông giống như một đế chế trong lịch sử sẽ là thách thức lớn" – Ông Broers cho hay.

Những thách thức

Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Nga cho biết binh lính Nga, cùng với 90 xe bọc thép chở quân và hàng trăm xe quân sự khác, đã được triển khai đầy đủ dọc đường giới tuyến ở Nagorno-Karabakh. Cùng với đó, 7 trạm quan sát đã được thiết lập dọc hành lang Lachin – một con đèo nối liền Nagorno-Karabakh đến Armenia, lối di chuyển này vẫn được mở cửa theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn.

Do dấu hiệu ban đầu đã cho thấy những thách thức trong công tác thực thi thỏa thuận ngừng bắn nên thời hạn cuối cùng để chuyển quyền kiểm soát vùng Kalbajar từ Armenia sang Azerbaijan [vốn vào ngày 22/11] đã phải trì hoãn lại 10 ngày. Số phận của tu viện nghìn năm tuổi Dadivank trong vùng cũng đang là một thắc mắc lớn.

2.000 lính Nga nhận nhiệm vụ chưa từng thấy ở Karabakh: Cần 1 thứ giỏi ngang năng lực quân sự - Ảnh 1.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ đối mặt với nhiều thách thức tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Getty

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev vào thứ Bảy tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi nước bạn "đảm bảo việc bảo tồn và hoạt động của những thánh địa đó sau khi bàn giao".

Tuy nhiên, 2 ngày sau, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã triển khai binh lính tới các địa điểm quan trọng của Cơ đốc giáo theo "đề nghị của các cư dân địa phương người Armenia". Bên cạnh đó, Moscow cũng đang cân nhắc một phương thức để cho phép người dân đến thăm tu viện, bất chấp quyền kiểm soát được chuyển cho Azerbaijan.

"Có một số thách thức hậu cần đối với công tác sơ tán dân thường – chỉ có một con đường chính từ Kalbajar tới Armenia là cho phép di tản nhóm lớn người dân" – Nhà phân tích Alp Coker tại tổ chức tư vấn rủi ro chính trị GPW cho hay.

"Các bên cần thêm thời gian vì những lý do thực tế này, song đây cũng là cơ hội để xác định một số chi tiết của thỏa thuận (vốn khá mơ hồ) trong khi tiếp tục các cuộc đàm phán hậu trường về những vấn đề khác, như sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào tiến trình hòa bình khu vực" – Ông Coker nói thêm.

Nga cũng phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ - phía đã khuyến khích, hậu thuẫn Baku trên chiến trường và đóng vai trò rất quan trọng trong thành công quân sự của họ. Cuộc xung đột vừa qua đã đưa Ankara trở thành một người chơi quan trọng trong khu vực mà Moscow coi là sân sau của mình.

Azerbaijan đã nhiều lần kêu gọi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng giữ vai trò gìn giữ hòa bình nhưng Điện Kremlin không đồng ý, xét theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù vậy, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba đã cho phép Tổng thống Tayyip Erdogan điều quân tới Azerbaijan để phối hợp với các quan chức quân sự Nga tại trung tâm giám sát ngừng bắn.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đợt triển khai này "sẽ có lợi cho hòa bình và phúc lợi của người dân trong khu vực, đồng thời đây là điều rất cần thiết khi xét trên quan điểm lợi ích quốc gia của chúng tôi".

Theo ông Coker, "Azerbaijan có thể sẽ không tin tưởng Nga và sự công bằng của họ. Tổng thống Aliyev luôn thúc đẩy mối quan hệ giữa Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ và theo thỏa thuận hiện tại, có lẽ Baku sẽ muốn có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như để đối trọng với Nga ".

Thế nhưng, trong trường hợp không lên kế hoạch tìm kiếm giải pháp dài hạn cho cuộc tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài nhiều thế hệ, Nga có khả năng sẽ rơi vào tình thế không thể tránh khỏi khi buộc phải tìm ra các giải pháp thỏa hiệp mà không làm hài lòng bên nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại