Các sĩ quan xe tăng Việt Nam về nước Nga: Chuyến đi hoài niệm đầy may mắn bất ngờ

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Những học viên quân sự đã từng được đào tạo tại Liên Xô chắc chắn sẽ còn giữ lại nhiều kỷ niệm về những ngày đáng nhớ đó.

Ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng đi được

Đã có hàng vạn sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc đủ các quân binh chủng được đào tạo tại Liên Xô trước đây.

Qua tiếp xúc với họ, có thể thấy rằng trong tâm hồn của mỗi người còn hằn sâu bao kỷ niệm tươi đẹp về những ngày tháng ấy và hầu như ai cũng có khao khát được một lần trở lại nơi mà mình một thời gắn bó.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được ước mơ đó. Có cả ngàn lý do cho việc này.

Các sĩ quan xe tăng Việt Nam về nước Nga: Chuyến đi hoài niệm đầy may mắn bất ngờ - Ảnh 1.

Người không đi được vì không có tiền - một chuyến đi như vậy cho một người phải mất gần trăm triệu, đâu phải ai cũng có. Người thì lại lý do sức khỏe - U70, 80 rồi, tiểu đường huyết áp đều cao, chịu sao thấu chuyến bay cả chục tiếng đồng hồ.

Người lại đắn đo: thời thế đã đổi thay, lòng người ai biết có thay đổi hay không? v.v.. và v.v...

Đối với các sĩ quan xe tăng Việt Nam từng được đào tạo tại Học viện (HV) xe tăng mang tên Nguyên soái Malinovski ((Военная академия бронетанковых войск имени Маршала Советского Союза Р. Я. Малиновского)) và Học viện "Kurxư Vư xtrel" mang tên Nguyên soái Shaposhnikov lại có nỗi băn khoăn riêng: Các mối quan hệ với các thày giáo cũ 30 - 40 năm trước không còn mà nay nghe tin hai học viện này đã giải tán, sang đấy kiếm tìm kỷ niệm liệu thấy gì không?

Các sĩ quan xe tăng Việt Nam về nước Nga: Chuyến đi hoài niệm đầy may mắn bất ngờ - Ảnh 2.

Một hiện vật của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Học viện.

Nhưng rồi nỗi nhớ đã chiến thắng! Trước hết, họ tìm một công ty du lịch chuyên tổ chức tour Nga có uy tín để nhờ kiểm tra thông tin. Với sự nhiệt tình của phía Nga, một công ty du lịch Việt Nam tại Hà Nội đã có những câu trả lời khá chính xác những câu hỏi của họ.

Đúng là sau khi Liên Xô tan rã, quân đội của Liên bang Nga đã có nhiều thay đổi. Trong đó, hoạt động đào tạo đã thu hẹp lại không như thời Liên Xô trước đây, đặc biệt là hoạt động đào tạo quốc tế.

Nếu như trước đây, các học viện nhà trường của Liên Xô ngoài ngoài việc đào tạo sĩ quan cho Hồng quân toàn Liên bang còn đào tạo giúp sĩ quan cho quân đội các nước xã hội chủ nghĩa và các nước dân tộc chủ nghĩa theo xu hướng tiến bộ thì hiện nay chủ yếu đào tạo nội bộ nên quy mô, số lượng giảm đi nhiều.

Bởi vậy, các học viện, trường sĩ quan trong quân đội Nga được sắp xếp lại. Và 3 học viện bao gồm: HV Lục quân mang tên Nguyên soái Phrunze (Военная академия имени М. В. Фрунзе), HV xe tăng mang tên NS Malinovski và HV mang tên NS Shaposhnikov đã sáp nhập lại với nhau thành một học viện mang tên Học viện Binh chủng hợp thành của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, lấy cơ sở đào tạo tại Học viện Phrunze cũ.

Công ty cũng giúp các cựu học viên liên hệ với một số thày giáo cũ nhưng thời gian đã lâu, thời thế lại thay đổi nên không tìm được ai.

Nhưng cũng có tin mừng là HV "Kurxư Vưxtren" mang tên NS Shaposhnikov hiện còn một bảo tàng vẫn đang hoạt động; còn HV Malinovski tuy đã dừng đào tạo song cơ sở vật chất vẫn được giữ gìn nguyên trạng.

Và như vậy cũng đủ để cho nhóm cựu học viên ở hai học viện này quyết tâm lên đường. Họ đặt tên cho chuyến du lịch của mình là chuyến du lịch "Hoài niệm Liên Xô" với chủ đề chính là thăm lại nơi mình đã học ngày xưa.

Các sĩ quan xe tăng Việt Nam về nước Nga: Chuyến đi hoài niệm đầy may mắn bất ngờ - Ảnh 4.

Bảng đồng ghi danh Nguyên soái Losik - Anh hùng Liên Xô, một trong những Giám đốc học viện và rất quen thuộc với các học viên Việt Nam.

"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"

Trung tuần tháng 7 năm 2019, sau hơn 10 giờ bay, chuyến bay của Vietnam Arline chở đoàn du lịch "Hoài niệm Liên Xô" hạ cánh tại sân bay Seremetievo. Đặt chân trên mảnh đất thân thương mà như nửa quen, nửa lạ bởi đã có quá nhiều thay đổi.

Ngay khi về tới thành phố Mascova, theo yêu cầu của họ, hướng dẫn viên đã cho xe thẳng tới HV xe tăng Malinovski ngay. Những gương mặt háo hức pha lẫn vẻ bồn chồn khi xe tiến gần đến nơi chốn cũ. Và thật may, cơ ngơi của HV còn gần như nguyên vẹn - như ngày họ học ở đây hơn 30 năm trước.

Học viện xe tăng Malinovski gồm có 2 khu riêng biệt: Khu giảng đường phục vụ học tập và khu ký túc xá dành cho học viên ăn nghỉ.

Khu giảng đường của HV vốn là một cung điện dành riêng cho các công chúa của Sa hoàng ở và học tập nên nằm ở một đường phố khá yên tĩnh của thủ đô Mascova. Trải qua bao năm tháng, những ngôi nhà cũ vẫn giữ nguyên dáng vẻ trang nghiêm, cổ kính với màu sơn hồng vẫn như tự ngày xưa.

Mặc dù bảng tên của học viện đã được gỡ đi song những phù điêu đắp nổi những huân chương cao quý mà học viện được tặng thưởng vẫn còn để nguyên ngay trước cổng chính.

Trên bức tường phía trước vẫn còn tấm bảng đồng ghi danh Nguyên soái Losik - Anh hùng Liên Xô, một trong những Giám đốc học viện và rất quen thuộc với các học viên Việt Nam.

Còn khu ký túc xá của học viện nằm ở Số 2 phố "Trại lính Đỏ" cũng vẫn còn nguyên như cũ. Đây vốn là một Trường quân sự từ Thế kỷ XIX và đã trở thành một di tích lịch sử được nhà nước bảo vệ. Hiện ngôi nhà vẫn do quân đội quản lý song các chiến sĩ trẻ rất vui lòng cho các cựu học viên Việt Nam vào thăm tận bên trong.

Các sĩ quan xe tăng Việt Nam về nước Nga: Chuyến đi hoài niệm đầy may mắn bất ngờ - Ảnh 5.

Khu nhà giảng đường HV xe tăng

Cảm động, bồi hồi là cảm xúc chung của các cựu học viên. Họ sôi nổi như trẻ lại vài chục tuổi. Họ hồ hởi kể cho người thân nghe những kỷ niệm ấm áp của mấy chục năm trước. Chỉ tiếc rằng cảnh cũ còn đây mà các thày xưa đâu cả. Đành chỉ biết chụp cùng nhau vài kiểu ảnh kỷ niệm mà thôi.

Cũng phải mấy ngày sau đó, đoàn mới đến thăm được HV "Kurxư Vưxtren". Đây là học viện lâu đời nhất trong hệ thống học viện quân sự của nước Nga. Nó được thành lập từ thời Sa hoàng và được đặt tại thị trấn Solnechnogorsk, cách Thủ đô Mascova khoảng 60 km.

Trong thời kỳ Cách mạng tháng 10 Nga, toàn bộ giáo viên, học viên của học viện đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Hội đồng quân sự và đứng về phía cách mạng. Ngay sau đó, Học viện được trưng dụng để đào tạo cán bộ cho Hồng quân Liên Xô. Từ ngày 11.12.1963, HV được mang tên NS Shaposhnikov.

Học viện cũng là cơ sở đào tạo, bổ túc sĩ quan cho quân đội nhiều nước trên thế giới. Vào thời cao điểm, đã có học viên của hơn 30 nước học tập tại đây. Những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều khóa học viên Việt Nam- chủ yếu là sĩ quan xe tăng và Bộ binh cơ giới đã được cử sang đây học tập.

Là học viện lâu đời và có quy mô đào tạo khá lớn nên học viện có cơ ngơi rất hoành tráng với diện tích lên đến 10.318 ha cùng những ngôi nhà rất cổ kính. Riêng toàn nhà chính dành cho học tập có diện tích tới hơn 10.000 m2.

Nhưng tất cả giờ đã trở thành phế tích. Dường như đang có cuộc đua giành lấy "đất vàng" ở đây thì phải. Giống như ở các khu dự án ở Việt Nam, cả khuôn viên học viện giờ là những khu đất được quây tôn kín như muốn thông báo với mọi người là nó đã có chủ.

Các sĩ quan xe tăng Việt Nam về nước Nga: Chuyến đi hoài niệm đầy may mắn bất ngờ - Ảnh 6.

Ảnh kỷ niệm của các cựu học viên quân sự Việt Nam từng học tập dưới mái trường này.

Những ngôi nhà cổ vốn được dùng làm ký túc xá cho học viên giờ đây hoang lạnh, không một bóng người.

Cũng còn may, Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh và Tượng đài chiến thắng trong học viện vẫn còn nguyên và vẫn có hoa tươi. Có lẽ, đấy là chốn thiêng liêng mà bất cứ thế lực nào cũng phải tôn trọng và không dám xâm phạm. Thật là "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo; Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".

Và một may mắn nữa là ở đây còn có "Bảo tàng "Kurxư Vưxtren" . Đây là nơi lưu giữ những di sản trong hơn 100 năm tồn tại của học viện. Ban quản lý bảo tàng bao gồm các cựu sĩ quan, giáo viên đã từng công tác tại đây đứng ra đảm nhiệm mà không nhận thù lao.

Đón tiếp các cựu học viên Việt Nam về thăm trường cũ, các cựu giáo viên của học viện hết sức cảm động.

Họ cho biết, bảo tàng chủ yếu đón khách trong nước và đoàn cựu học viên Việt Nam gần như là đoàn khách quốc tế duy nhất đã đến đây. Họ coi đây như là biểu hiện của tình cảm thủy chung như nhất của người Việt Nam.

Còn các học viên Việt Nam cũng cảm động không kém. Họ cảm động vì sự đón tiếp trọng thị, vì tình cảm chân thành của các cựu giáo viên dành cho họ.

Họ cũng cảm động khi gặp lại hình bóng mình trong những tấm ảnh, những hiện vật đang được lưu giữ ở bảo tàng. Nhưng cũng thật tiếc rằng, những thày giáo đã từng dạy họ hiện nay không còn ai sống ở đây.

Ra về, các cựu học viên ai cũng bâng khuâng. Tuy nhiên, họ biết rằng những ký ức này sẽ sống mãi cùng họ. Dẫu rằng vật đổi sao dời song những tháng năm được sống, học tập tại Liên bang Xô Viết, được sống trong tình cảm chân thành của những người bạn Nga thuần hậu sẽ mãi mãi là một phần cuộc sống của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại