Nga sẽ "nghiền nát" đối thủ nếu Thổ Nhĩ Kỳ chỉ biết dùng "nắm đấm"?

Trương Mạnh Kiên |

Trong xung đột Armenia và Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư vào "quyền lực cứng" quá nhiều nhưng thiếu đi sự mềm mỏng.

Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đảm nhận vai trò "người thay đổi cuộc chơi" - lần này là trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Cũng như các trường hợp trước đây ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải, câu hỏi lớn đặt ra là liệu Ankara có thể gặt hái lợi ích ngoại giao từ thứ "quyền lực cứng" mà nước này đang đầu tư hay không.

Thay đổi cuộc chơi

Kể từ khi căng thẳng mới nhất nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh vào ngày 27/9, các giao dịch quân sự trong quá khứ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Azerbaijan - đặc biệt là máy bay không người lái – đã bất ngờ được soi xét trở lại.

Theo tờ Al-Monitor, các báo cáo thực địa chỉ ra rằng, không giống như các cuộc giao tranh bất phân thắng bại trong quá khứ, Azerbaijan dường như đang giành được lợi thế hơn Armenia nhờ sự hỗ trợ từ Ankara.

Trong gần 30 năm, nhóm Minsk - do Pháp, Nga và Mỹ đồng chủ trì - đã chưa thể đưa ra được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Giờ đây, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan dường như đang mở được nút thắt.

photo-1

Xung đột Nagorno-Karabakh đã thay đổi sau nhiều năm.

Tất nhiên, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nagorno-Karabakh và các điểm nóng khác đang khiến các bên tham gia cảm thấy lo ngại. Đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa các chiến binh từ Syria sang Azerbaijan, nhưng điều này đã bị Ankara bác bỏ.

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang mở rộng quá mức về mặt địa chính trị và quân sự - giống như cách ông đã làm ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục bỏ ngoài tai và tiến lên phía trước. Nhà phân tích chính trị Yoruk Isik ở Istanbul cho rằng các báo cáo nói về "sự tăng cường quá mức" của Thổ Nhĩ Kỳ là phóng đại.

Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là "quá mức" mà cần biết đâu là điểm dừng, để đạt được "cái kết" về mặt ngoại giao. Như cây bút Fehim Tastekin của Al-Monitor từng mô tả, Thổ Nhĩ Kỳ thường phàn nàn về chiến thắng trên thực địa, nhưng lại không ngồi vào bàn đàm phán.

Từ Syria, Libya cho đến các hoạt động đối đầu người Kurd ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ không biến những lợi ích quân sự này thành ảnh hưởng ngoại giao.

"Lợi ích ngoại giao" đối với Ankara sẽ như thế nào ở Nagorno-Karabakh và các nơi khác? Ý tưởng hợp lý nhất là Thổ Nhĩ Kỳ là gia nhập hàng ngũ của Pháp, Nga và Mỹ với tư cách là đồng chủ tịch của nhóm Minsk.

Tuy nhiên, nhà phân tích Nga Kerim Has nói với Al-Monitor rằng quan hệ đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan và sự đối đầu với Armenia đã làm phức tạp thêm viễn cảnh đó.

"Không có gì bí mật khi Mỹ, Nga và Pháp đều có quan hệ chặt chẽ với Armenia . Nhưng không ai trong số họ có thái độ thù địch với Azerbaijan", Has nói.

"Tôi không nghĩ rằng Nga sẽ muốn mở ra không gian cho Ankara ở Nam Caucasus hoặc trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh khi nước này coi nhà lãnh đạo Erdogan là người rất khó đoán và là nguồn gây bất ổn dựa trên kinh nghiệm xảy ra ở Syria và Libya".

Biến "sức mạnh cứng" thành "sức mạnh mềm"

Nga sẽ nghiền nát đối thủ nếu Thổ Nhĩ Kỳ chỉ biết dùng nắm đấm? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ đang là quốc gia ủng hộ công khai cho Azerbaijan.

Tất nhiên, Moscow có nhiều lý do để lo lắng về ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực lân cận - thậm chí còn hơn cả các đối tác phương Tây của Ankara, những quốc gia vốn lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ "mất" vào tay Nga.

Như cây bút Metin Gurcan của Al-Monitor gần đây chỉ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang nhanh chóng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine, khiến Nga phải dè chừng. Theo phóng viên Steve Rosenberg của BBC tại Moscow, báo chí Nga coi những động thái gần đây của Ankara là "một bước đột phá chưa từng có vào không gian chính trị của Moscow".

Đối với Hakan Gunes, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Istanbul, có nhiều kịch bản hợp lý ở Nam Caucasus mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm.

"Sẽ rất ngạc nhiên nhưng không phải là không thể hình dung về một kịch bản mà Nga đồng ý cùng triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ giữa Armenia và Azerbaijan.

Điều đó sẽ phục vụ cho mục tiêu của Nga là làm cho Thổ Nhĩ Kỳ xa rời NATO hơn nữa. Nó khó xảy ra, nhưng không phải là không thể.

Chúng tôi đã thấy một tiến triển đáng ngạc nhiên như vậy ở Syria với tiến trình Astana mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga vào tháng 11/2015", ông nói.

Làm việc với nhiều đối tác khác nhau và hòa giải xung đột là một ý tưởng hay - điều mà chính quyền Erdogan đã thực hiện ở nhiều khu vực xung đột.

Nhưng nhà phân tích Isik cho biết việc biến sức mạnh ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ thành vai trò của người kiến ​​tạo hòa bình - ở Nagorno-Karabakh và nhiều nơi khác - sẽ đòi hỏi phải đầu tư vào các đoàn ngoại giao giống như cách nước này đã đầu tư vào quân đội.

Công thức đơn giản cho sự thành công về mặt ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là tiếp tục đầu tư vào khả năng quân sự của mình nhưng sẽ có "nhẹ nhàng" hơn sau hậu trường ngoại giao, để không kìm kẹp nắm đấm của đối thủ nhưng cũng không vươn nắm đấm của mình về phía đối thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại