Phát hiện chấn động của NASA về Mặt Trăng: Nước nhiều hơn chúng ta tưởng

Nguyễn Hải |

Không chỉ xuất hiện ở những vùng tối của Mặt Trăng như các hiểu biết trước đây, NASA đã phát hiện ra nước còn xuất hiện ở cả những bề mặt của Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng.

NASA vừa công bố một phát hiện chấn động – xác nhận sự hiện diện của nước trên bề mặt Mặt Trăng – ngay cả ở khu vực được ánh sáng mặt trời chiếu vào. Trước đây, chúng ta đã biết rằng nước tồn tại dưới dạng băng đá trong phần tối của mặt trăng, và đó là một phần lý do cho việc nhiệm vụ tiếp theo sẽ nằm ở cực nam Mặt Trăng, nơi được tin rằng băng đá có thể xuất hiện trong các miệng núi lửa – những nơi không có ánh sáng mặt trời chiếu vào.

Tuy vậy, phát hiện này cũng không quá bất ngờ, bởi vì trước đây các nhà khoa học NASA và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số dấu hiệu cho thấy nước có thể nằm ở phía có ánh sáng mặt trời. Nhưng giờ đây các dấu hiệu này mới được xác nhận dựa theo dữ liệu quan sát từ Đài Thiên văn Hồng ngoại của NASA (SOFIA) đã phát hiện ra các phân tử nước trong miệng núi lửa Clavius ở bán cầu nam của Mặt Trăng.

Phát hiện chấn động của NASA về Mặt Trăng: Nước nhiều hơn chúng ta tưởng - Ảnh 1.

Nước trên Mặt Trăng có thể đang tồn tại trong những miếng núi lửa này.

Việc phải mất một thời gian dài đến như vậy mới có thể xác nhận được sự hiện diện của nước trên Mặt Trăng cho thấy trữ lượng không quá dồi dào của nó. NASA cho biết, họ phát hiện được khoảng từ 100 đến 412 phần triệu trong mỗi mét khối đất đá có chứa nước – tương đương với một chai nước 330ml trong cả núi lửa này. NASA cho biết, "sa mạc Sahara còn có nhiều nước gấp 100 lần" so với những gì SOFIA có thể phát hiện ra.

Ngay cả như vậy, việc nước có thể tồn tại dưới điều kiện tương đối khắc nghiệt của bề mặt Mặt Trăng khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời là một kỳ tích thú vị và rất đáng để nghiên cứu sâu hơn nữa. Các nhà khoa học muốn tìm hiểu làm thế nào nước có mặt ở đó và nó có thể tích tụ như thế nào dưới điều kiện như vậy.

Các nghiên cứu này có thể phục vụ cho các nhà thám hiểm trong tương lai để họ có thể thiết lập sự hiện diện lâu dài hơn trên bề mặt Mặt Trăng trong tương lai, thông qua các nhiệm vụ SOFIA khi đang tìm kiếm mỏ nước khác nằm trong núi lửa và ở các khu vực có ánh sáng mặt trời.

Đây chắc chắn là một phát hiện bước ngoặt cho tương lai khám phá không gian vũ trụ của loài người. Một phần của những mục tiêu dài hạn bao gồm việc thiết lập một trạm nghiên cứu khoa học trên mặt Trăng để các nhà khoa học có thể thực hiện nghiên cứu và cuối cùng vươn tới các mục tiêu xa hơn ví dụ như Sao Hỏa.

Để thiết lập được các cơ sở như vậy, việc phát hiện và sử dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ, bao gồm cả nước, có thể sẽ khiến mọi việc diễn ra nhanh hơn mà không cần đến các giải pháp phức tạp. Nước không chỉ cần thiết cho sự tồn tại của con người mà còn là nguồn tài nguyên thiết yếu cho nhiên liệu tên lửa để có thể phóng tàu vũ trụ từ Mặt Trăng.

Tham khảo TechCrunch

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại