Nga sẽ không để TNK "làm mưa, làm gió" ở chiến sự Armenia-Azerbaijan: Đó là sự phỉ báng!

Anh Tú |

Thật khó hình dung nổi Moscow lại có thể ngồi yên và để cho Azerbaijan đánh bại Armenia về mặt quân sự, trong khi lại nhận được sự cổ vũ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ và tham vọng ở "sân sau" của Nga

Chiến sự bùng nổ gần đây giữa Quân đội Azerbaijan và các lực lượng vũ trang do Armenia hậu thuẫn tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh nhiều khả năng sẽ khơi dậy trở lại cạnh tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Thời gian qua, cạnh tranh giữa Moscow và Ankara, ít nhất là ở khu vực này, đã bị kiềm chế bởi mối quan hệ địa kinh tế giữa hai nước.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đã mơ về một liên minh mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước nói tiếng Thổ từng bị Moscow cai trị từ thời Đế quốc Nga. Những quốc gia mới độc lập này, đặc biệt là Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan được coi là thân tộc của những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ thiếu đi sức mạnh và tầm ảnh hưởng để có thể chống lại sức mạnh thương mại của Nga trong khu vực cũng như các mối liên hệ giữa những tầng lớp tinh hoa ở các nước phụ thuộc trước đây.

Các quốc gia sử dụng ngữ hệ Thổ Nhĩ Kỳ trong không gian hậu Xô Viết thậm chí còn không thống nhất với Ankara về vấn đề công nhận Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ nghĩa liên Thổ (Pan-Turkism) dường như là một thứ khó bán cho giới tinh hoa tư lợi ở Trung Á.

Từ lâu, ở Nga đã đã xuất hiện những lo ngại cho rằng các hoạt động văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng ngoại vi phía nam của họ, về lâu dài, có thể dẫn đến các phong trào Hồi giáo mạnh mẽ hơn trong khu vực, nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại Nga.

Ảnh hưởng của Ankara tại các quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ này chủ yếu đến theo cách gián tiếp: quyền lực mềm. Các vở kịch truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ rất phổ biến ở những nước này và các trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa chào đón hàng nghìn sinh viên nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu những năm 1990.

Các diễn đàn liên quốc gia như Hội đồng Hợp tác các Quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, được thành lập vào năm 2009, cũng đã tạo cơ hội cho Ankara thiết lập mối quan hệ cấp cao với những đối tác của mình.

Kể từ đầu những năm 2000, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi một chính sách khu vực nhằm tránh mâu thuẫn với các lợi ích của Nga ở không gian hậu Xô Viết.

Ở Nam Caucasus, nếu so với Trung Á, và do vị trí địa lý gần nhau, nên quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong mối quan hệ với Nga luôn mang tính bình đẳng hơn.

Nga sẽ không để TNK làm mưa, làm gió ở chiến sự Armenia-Azerbaijan: Đó là sự phỉ báng! - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Kremlin.ru

Nga sẽ không để cho Thổ Nhĩ Kỳ "tác oai, tác quái"!

Cả ba quốc gia trong khu vực, gồm Armenia, Azerbaijan và Gruzia đều hoặc đã trải qua các cuộc chiến tranh đẫm máu hoặc đóng băng xung đột kể từ khi giành độc lập vào năm 1991 và khu vực này từ lâu đã được coi là điểm nóng tiềm tàng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất nhiên, điều này chủ yếu là do tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan liên quan tới khu vực Nagorno-Karabakh, vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Armenia nhưng lại được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan.

Đối với Nga, tranh chấp Nagorno-Karabakh giúp nước này thúc đẩy tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực và với trường hợp của Armenia, Moscow kiểm soát gần như hoàn toàn các mối quan hệ đối ngoại của quốc gia đó.

Cho đến thời điểm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn theo đuổi chính sách tôn trọng lợi ích của Moscow ở Nam Caucasus. Thái độ tôn trọng này cho thấy Ankara coi trọng giá trị của khu vực cũng như mối quan hệ hợp tác kinh tế với Nga.

Liên quan tới cuộc tranh chấp Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được rằng, dù rõ ràng họ có quan hệ gần gũi với Baku, nhưng các lựa chọn của họ sẽ bị hạn chế. Điều này là bởi vì Nga có sự hiện diện quân sự lớn ở Armenia, gồm cả tại Gyumri gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ địa kinh tế chặt chẽ của Moscow với Baku.

Vì vậy, trong hai giai đoạn xung đột trước đây ở Nagorno-Karabakh, vào các năm 2014 và 2016, Nga vẫn giữ vị trí quan trọng chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ. Chính Moscow là bên làm trung gian hòa giải dẫn tới lệnh ngừng bắn năm 2016.

Cuộc đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6/2016 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Thổ, thậm chí còn khăng khít hơn sau khi mối quan hệ này gần như đã sụp đổ do hậu quả từ vụ một máy bay chiến đấu của Nga bị Ankra bắn hạ ở Syria vào tháng 11/2015 trước đó.

Tuy nhiên, nó cũng dẫn tới hệ quả phụ là buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải liên kết với những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ vì sự tồn tại của chính ông.

Nga sẽ không để TNK làm mưa, làm gió ở chiến sự Armenia-Azerbaijan: Đó là sự phỉ báng! - Ảnh 2.

Ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy có ít nhất 2 chiếc F-16 và 1 máy bay vận tải hạng nhẹ CN-235 của Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại Sân bay Quốc tế Ganja

Đối với các phong trào dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ thì việc Azerbaijan nỗ lực giành lại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh là một động cơ chính đáng.

Về mặt dân tộc và văn hóa, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Azerbaijan được coi là rất gần gũi. Hơn nữa, ở Thổ Nhĩ Kỳ từng có một cuộc vận động ủng hộ người Azerbaijan với lập luận rằng hai nhà nước là “một quốc gia bị chia cắt bởi lịch sử” và cũng thường tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ người Azerbaijan.

Rõ ràng, thành công về mặt chiến thuật của các máy bay không người lái vũ trang mà Thổ Nhĩ Kỳ triển khai trong các cuộc xung đột ở Libya và Syria dường như cũng giúp Ankara có được sự tin tưởng nhất định vào sức mạnh công nghệ - quân sự của chính họ, ngay cả so với Nga.

Ankara đã xuất khẩu máy bay không người lái quân sự cho các đồng minh của họ ở Azerbaijan, mặc dù vẫn chưa chắc chắn mức độ ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trên thực địa đến đâu trong cuộc xung đột hiện tại hoặc liệu các máy bay không người lái này có được vận hành bởi quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ cho Azerbaijan về cả chính trị và quân sự, nếu đem đến những thành công về mặt chiến thuật trên thực địa, sẽ đặt Nga vào một vị trí rất khó chịu sau gần ba 30 năm là trọng tài chủ chốt trong tranh chấp Armenia-Azerbaijan.

Moscow có thể buộc phải lựa chọn giữa đồng minh theo hiệp ước của mình ở Yerevan, hiện đang được điều hành bởi một chính phủ mà Nga không hoàn toàn coi là thân thiện với các lợi ích của mình, và đồng minh tự nhiên hơn ở Baku, nơi có lợi ích kinh tế mạnh mẽ, cũng như các mối quan hệ quan trọng giữa các tầng lớp tinh hoa.

Tuy nhiên, thật khó hình dung nổi Moscow có thể ngồi yên và để cho Azerbaijan đánh bại Armenia về mặt quân sự, trong khi lại nhận được cổ vũ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một sự nhạo báng đối với những ý đồ bá chủ của Nga trong không gian thời hậu Xô Viết.

Nhiều khả năng, nếu Azerbaijan thành công và gặt hái được những lợi ích nhất định về mặt chiến thuật trên chiến trường Nagorno-Karabakh, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kêu gọi ngừng bắn và liên minh với Azerbaijan trong vòng đàm phán tiếp theo trước khi bất kỳ đe dọa can thiệp nào của Nga thành hiện thực.

Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đàm phán và trở nên gần như ngang hàng với Nga, qua đó nâng cao vị thế của mình ở Nam Caucasus.

Azerbaijan tung video phát hủy các hệ thống phòng không của Armenia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại