Xung đột Nagorno-Karabakh: Lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, Nga bắt đầu hành động

Phương Anh |

Chiến sự tại điểm nóng tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan dường như chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khiến Nga không thể tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn”.

Thủ phủ Stepanakert của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh hôm 15/10 bị pháo kích dữ dội, chấm dứt giai đoạn tạm lắng các vụ bắn phá nhờ lệnh ngừng bắn đạt được hôm 10/10 vừa qua.

Chiến sự tại điểm nóng tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan dường như chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khiến Nga không thể tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn”, mà thay vào đó bắt đầu có những hành động can thiệp đầu tiên nhằm ngăn giao tranh tái diễn giữa các bên xung đột.

Hôm qua, nhiều tiếng nổ lớn cùng khói bụi bốc lên gần các tòa nhà dân cư ở ngoại ô thành phố Stepanakert trong cuộc tấn công đầu tiên vào thành phố này kể từ khi Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng bắn cách đây chưa đầy một tuần.

Hiện cả hai bên đều bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán hướng tới giải quyết xung đột trong khung thời gian sớm nhất. Song việc lệnh ngừng bắn bị phá vỡ khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại.

Thế giới vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại điểm nóng chiến sự Nagorno-Karabakh một phần vì khu vực này rất gần với đường ống dẫn khí đốt quan trọng của Azerbaijan sang châu Âu và phần vì lo ngại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể “nhảy vào” cuộc chiến.

Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ trong căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan vốn đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Mặc dù Azerbaijan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ nên có trong các cuộc trao đổi liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh và rằng cuộc xung đột này sẽ không thể giải quyết nếu không có sự can thiệp của Ankara, song Armenia cho rằng có bên thứ 3 can dự là Thổ Nhĩ Kỳ càng làm cho chiến sự thêm phần căng thẳng.

Armenia cảnh báo, sự can dự và tham vọng bành trướng sang Nam Kavkaz của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến Nagorno-Karabakh và toàn bộ Kavkaz thành vùng chiến sự như Syria.

Nếu sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại lợi thế cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia, thì ở thế đối đầu, Nga cũng có thể nhảy vào hỗ trợ Armenia mà không cần đưa quân tham chiến. Thực tế, Nga hiện cũng không đồng tình với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong cách giải quyết xung đột tại Nagorno-Karabakh.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây khẳng định: “Chúng tôi không nhất trí với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng không có gì là bí mật khi chúng tôi cũng không thể đồng ý với tuyên bố cho rằng một giải pháp quân sự để giải quyết xung đột là được phép".

Hiện Nga đang làm mọi cách để tránh những diễn biến thảm khốc trên thực địa giữa Armenia và Azerbaijan. Theo giới quan sát, trong bối cảnh xung đột có dấu hiệu tăng nhiệt, điện Kremlin sẽ phải can thiệp và bắt đầu hoạt động tích cực để thuyết phục các bên sớm ngồi vào bàn đàm phán giải quyết mâu thuẫn.

Dường như Nga khó có thể tiếp tục giữ im lặng và có vẻ như đã bắt đầu hành động, khi bất ngờ đồng ý thực hiện các biện pháp để giảm leo thang xung đột bằng cách triển khai quân đến điểm nóng tranh chấp.

Theo quan điểm của Nga, lực lượng gìn giữ hòa bình nên được triển khai ở Nagorno-Karabakh để đảm bảo các bên xung đột không nối lại các hành động thù địch. Đại diện chính quyền Moscow khẳng định cần thiết phải triển khai các quan sát viên của Nga dọc đường ranh giới kiểm soát Karabakh để đảm bảo hai bên giao tranh tuân thủ lệnh ngừng bắn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại