Tiêm kích Su-27 từng gây thảm họa kinh hoàng, nhưng vẫn là "át chủ bài" của Ukraine

Bảo Lam |

Chiếc máy bay đột ngột cất đầu ở độ cao thấp, và chúng tôi đứng lặng người. Khi đó tôi cũng không thể ngờ rằng mình sẽ bay trên tiêm kích Su-27.

Su-27 vẫn tiếp tục là "át chủ bài" của Không quân Ukraine

Đơn vị đầu tiên của Liên Xô tiếp nhận những máy bay nay là Trung đoàn không quân tiêm kích số 831 tại thành phố Mirgorod, nước cộng hòa Ukraine cũ.

Với việc bổ sung thiết bị điện tử của phương Tây và những hệ thống khác, Su-27 vẫn sẽ tiếp tục là cấu thành quan trọng của hệ thống phòng thủ Ukraine trong thời gian rất dài nữa.

Su-27 mạnh mẽ tuần tra bầu trời Ukraine đã được 35 năm: Ban đầu, như một chiếc tiêm kích của Liên Xô chống lại F-15 của Mỹ, còn hiện giờ nó đóng vai trò như một chiếc máy bay đánh chặn của không quân Ukraine bảo vệ không phận trước các Su-27 của Nga và những tiêm kích khác.

Su-27 được NATO định danh là Flanker, từng lần đầu ra mắt ở phương Tây tại triển lãm hàng không Paris năm 1989. Phi công thử nghiệm Victor Pugachev khiến khán giả mãn nhãn bởi động tác thao diễn mang thương hiệu đặc trưng "Rắn hổ mang Cobra" để chứng tỏ khả năng siêu cơ động của nó.

Những yêu cầu của Không quân Liên Xô năm 1969 đặt ra khi nghiên cứu chế tạo chiếc tiêm kích mới nhừm hướng tới một điều: Vượt mặt F-15 Eagle của Mỹ. Những nỗ lực đầu tiên đã không mang lại thành công, và kỹ sư trưởng Mikhail Simonov đã chấp nhận một bước tiến đột phá.

Ông đã dừng hoạt động nghiên cứu vào năm 1977 và khởi động lại từ đầu - gần như từ con số 0. Như ông Simonov nói: "Chúng tôi chỉ giữ lại bộ lốp và ghế của phi công".

Tiêm kích Su-27 từng gây thảm họa kinh hoàng, nhưng vẫn là át chủ bài của Ukraine - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine

Chiếc tiêm kích đầu tiênchỉ được biên chế cho các trung đoàn không quân chiến thuật vào năm 1985, còn số hiệu Su-27 chỉ được gắn vào năm 1990, sau khi hoàn thành giai đoạn khai thác thử nghiệm.

Đơn vị đầu tiên của Liên Xô tiếp nhận những máy bay nay là trung đoàn không quân (ngày nay là lữ đoàn) tiêm kích số 831 tại thành phố Mirgorod, nước cộng hòa Ukraine cũ. Trung đoàn 831 từng được coi là một trong những đơn vị tiêm kích tốt nhất của Liên Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã, 72 chiếc tiêm kích Su-27 đã ở lại Ukraine. Nhiều chiếc trong số đó từng được sản xuất bằng các chi tiết đời đầu, kém chất lượng.

Vào ngày 27/07/2002, trong một ban bay biểu diễn ở gần Lvov, một chiếc tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine đã gây thảm họa kinh hoàng khi đâm xuống đám đông công chúng, khiến 83 người chết và 199 người bị thương.

Cả 2 phi công kịp nhảy dù, sống sót nhưng sau đó phi công Volodimir Toponar bị kết án 14 năm từ, còn phi công Yuri Yegorov bay cùng bị kết án 8 năm tù.

Vào năm 2009, trong bối cảnh mối quan hệ với Nga xấu đi, không quân Ukraine bắt đầu gặp phải những khó khăn liên quan tới phụ tùng của Su, và công tác bảo dưỡng đã trở nên phức tạp.

Mặc dù tổng số các máy bay bị giảm đi không đáng kể - 5 chiếc Su-27 bị mất do sai lầm của các phi công, và thêm 9 chiếc được bán ra nước ngoài - nhiều chiếc trong số đó đã biến thành nguồn cung phụ tùng phục vụ đội máy bay hiện có.

Vào năm 2014, khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga và tình hình ở miền Đông Ukraine trở nên nóng bỏng, chỉ có 19 chiếc Su-27 còn khả năng hoạt động bình thường. Trong số các Su-27 của Ukraine tham chiến, từng có cả Su-27 của Trung đoàn tiêm kích 831.

Trong 10 năm trước đó, ngành công nghiệp chế tạo hàng không Ukraine, với phòng thiết kế nổi danh Antonov, đã bắt tay vào nâng cấp các máy bay tiêm kích của mình.

Su-27M1, cách mà Ukraine đặt số hiệu cho phiên bản nâng cấp mới của mình, có những hệ radar tầm xa mới, cho phép chúng khả năng sử dụng tốt hơn vũ khí không đối đất.

Mặc dù Ukraine cũng sử dụng cả MiG-29 (theo định danh của NATO là Fulcrum), nhưng Su-27 so với MiG có tầm chiến đấu xa hơn, vũ trang tốt hơn và radar tầm xa hơn. Như vậy, điểm tựa tấn công và phòng thủ chủ yếu của Ukraine là Su-27, còn MiG tầm gần để bảo đảm sự bảo vệ điểm.

Hiện nay, Ukraine hợp tác chặt chẽ với các nước NATO, trong đó có cả với Mỹ, để huấn luyện cả với Su, lẫn chống lại chúng.

Tiêm kích Su-27 từng gây thảm họa kinh hoàng, nhưng vẫn là át chủ bài của Ukraine - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-27 và MiG-29 của Không quân Ukraine

Vào năm 2011 và 2018, các máy bay F-16 và F-15 của Vệ binh quốc gia Mỹ đã tới Ukraine để tham gia vào các cuộc tập trận đa quốc gia của không quân "Bầu trời an toàn" và "Bầu trời trong xanh".

Mặc dù Su-27 của Ukraine thua kém những tiêm kích Su-27SM2, Su-30 và Su-35 tối tân của Nga, nhưng nó vẫn là cỗ máy ổn định với dự trữ giờ bay của khung thân còn khá lớn.

Với việc bổ sung thiết bị điện tử của phương Tây và những hệ thống khác, nó vẫn sẽ là cấu thành quan trọng của hệ thống phòng thủ Ukraine trong thời gian khá lâu nữa.

Các phi công Không quân Ukraine nghĩ gì về tiêm kích Su-27?

Dưới đây là cách các phi công mô tả những mặt mạnh và cả các đặc điểm của nó.

Thiếu tướng về hưu Vladimir Alexeev, cựu Cục trưởng Cục Quân huấn:

Tôi đã được huấn luyện lý thuyết về Su-27 vào mùa xuân năm 1990 và mùa hè năm đó tôi bắt đầu bay trên những cỗ máy này ở Mirgorod.

Điều khiến tôi thực sự ấn tượng đó là tỷ lệ lực đẩy so với trọng lượng tuyệt hảo của nó. Tôi còn ấn tượng với tầm nhìn khác lạ từ buồng lái. Khi tôi lần đầu tiên cất cánh trên Su-27, có cảm giác như tôi sắp sửa rơi ra ngoài!

Thêm một điều ngạc nhiên nữa là sự nhẹ nhàng của chuyến bay. Với khả điều khiển từ xa mới, có cảm giác dường như bạn chỉ cần nghĩ về điều gì đó, còn chiếc máy bay đã tự biết thực hiện điều bạn muốn.

Vận tốc và khả năng tăng tốc của Su-27 khá tốt, nhưng có một hiệu ứng phụ. Ngay khi bạn đạt tới vận tốc 850-900km/h trên chiếc Su-27 hai chỗ ngồi hoặc 900km/h trên chiếc một chỗ ngồi, thì càng tăng tốc tiếng ồn trong buồng lái càng lớn.

Đó là do thiết kế kiểu hình giọt nước. Tiếng ồn do luồng không khí. Ở vận tốc trên 1.100km/h tiếng ồn lớn tới mức bạn không thể nghe thấy cả tiếng điện đàm.

Vào tháng 3/1997, tôi đã giới thiệu Su-27 khi bay cho tướng không quân Mỹ Mike Ryan, - ông ấy khi đó là tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu, còn sau này trở thành tham mưu trưởng Không quân Mỹ. Sau khi cất cánh, tôi nhường quyền điều khiển cho ông ấy, và ông ta ngay lập tức đẩy quá tải lên 7G!

Ông ấy muốn xem Su-27 lấy độ cao nhanh tới mức nào. F-15 khi cất cánh hơi "tù" và chậm hơn. Tướng Mỹ muốn so sánh và kéo mạnh cần lái về phía mình như thói quen bay trên F-15. Su-27 lập tức vươn lên, gần như theo chiều thẳng đứng.

Mike Ryan không ngờ rằng sẽ có mức quá tải như vậy - ông ấy điều khiển, như đã quen trên F-15 ổn định, bằng những động tác nhanh gọn và khoáng đạt. Nhưng ông ấy nhanh chóng nhận ra và trả cần lái về phía trước.

Khi chúng tôi gặp nhau một năm sau đó ở Mỹ, ông ấy nói với tôi rằng ông ấy ngạc nhiên bởi chiếc Su-27 to xác và mạnh mẽ lại cơ động tốt đến thế.

Tiêm kích Su-27 từng gây thảm họa kinh hoàng, nhưng vẫn là át chủ bài của Ukraine - Ảnh 4.

Tiêm kích Su-27 Nga huấn luyện cùng F-15 Mỹ.

Đại tá Yury Bulavka, phó chỉ huy công tác đào tạo các phi công của Lữ đoàn không quân tác chiến 831:

Ngay trong năm trung học thứ hai, tôi đã quyết định rằng sẽ làm phi công lái máy bay tiêm kích. Tôi đã xem những đoạn ghi hình các phi công thử nghiệm Su-27 nổi tiếng Liên Xô - Anatoly Kvochur và Victor Pugachev, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng chính mình sẽ ngồi sau cần lái Su-27.

Lần đầu tiên tôi bay trên chiếc máy bay diễn tập-huấn luyện hai chỗ ngồi Su-27UB hồi mùa thu năm 2004. Tuy nhiên, thời điểm đó lực lượng không quân thiếu nhiên liệu, và tôi lần đầu tiên ngồi lên chiếc Su-27 một chỗ ngồi vào ngày 22/4/2007.

Nó tăng tốc nhanh hơn chiếc hai chỗ ngồi và nói chung là mạnh hơn. Phần phức tạp nhất của chuyến bay này là hạ cánh - không ai giúp tôi từ buồng lái phía sau, và tôi hơi lo lắng.

Khi huấn luyện, chúng tôi thường bay để chống lại MiG-29. Đúng là rất thú vị khi được theo dõi các tiêm kích thuộc hai đời khác nhau hoạt động ra sao: MiG-29 bé và nhẹ, còn Su-27 của chúng tôi to hơn. MiG-29 rất ổn khi di chuyển theo chiều dọc, nhanh chóng lấy độ cao.

Su-27 có động cơ mạnh hơn, nhưng nó lại nặng hơn. Lợi thế của Su-27 - đó là nó có thể thực hiện các cú bay lượn chiều ngang và hơi dốc, với các góc tấn công lớn ở vận tốc mà những phi công của MiG-29 không chịu được lâu.

Lấy ví dụ, cũng cùng một cú bay lượn tạo ra độ quá tải lên Su-27 là 5G, còn lên MiG - đã là 7G.

Thêm một yếu tố quan trọng - độ cao. Su-27 cơ động hơn khi ở độ cao ngang với mực nước biển và trung bình, hơn là ở độ cao vượt qua 8.000m, còn MiG-29 - ngược lại - ổn hơn ở độ cao lớn.

Đương nhiên, sự bay lượn cơ động của Su-27 rất tuyệt vời. Trong bài tập bay lượn trong trận không chiến tại cuộc tập trận "Bầu trời trong xanh " vào năm 2018, chúng tôi đã thắng 3 trong số 4 trận với F-15 thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích số 144 của Vệ binh quốc gia California (Mỹ).

Đương nhiên, bạn cần phải giữ được đủ lâu trong giới hạn quan sát, bởi vì thiết bị điện tử và vũ khí của F-15 tốt hơn nhiều. Tại Ukraine có những nhà máy sản xuất các tên lửa "không đối không", nhưng chúng tôi tụt hậu trước những công nghệ hiện đại.

Chúng tôi cần các tên lửa loại "bắn và quên", bởi vì mục tiêu sẽ được radar chiếu rọi - đó là giai đoạn đã qua rồi. Người Nga có tên lửa R-77 với đầu tự dẫn hướng chủ động, còn R-27 của chúng tôi vẫn còn bán chủ động.

Ưu thế đáng kể của Su-27 - đó là tầm hoạt động lớn. Cứ như bạn có các bình nhiên liệu thừa, chỉ là ở bên trong, chứ không phải nằm dưới cánh. Điều này giúp mang thêm được nhiều vũ khí trên những giá treo.

Đại tá Alexandr Oksanchenko (đã về hưu), cựu phó chỉ huy về huấn luyện các phi công của Lữ đoàn không quân chiến thuật 831:

Tôi tốt nghiệp Trường bay Kharkov vào năm 1989 và đến năm 1995 làm hướng dẫn bay trên L-39 ở đó. Một lần, chiếc Su-27UB hai chỗ ngồi đã bay ngang qua sân bay của chúng tôi để thăm dò thời tiết.

Chiếc máy bay đột ngột cất đầu ở độ cao thấp, và chúng tôi đứng lặng người. Khi đó tôi cũng không thể ngờ rằng mình sẽ bay trên Su-27. Sau này, vào tháng 10/1996, tôi được cử đến trung đoàn 831, và từ năm 1997 tôi bắt đầu bay trên Su-27.

Chuyến bay một mình đầu tiên của tôi trên Su-27 diễn ra ngày 15/5/1998. Đối với lực lượng không quân, đó là thời gian khó khăn, và chúng tôi bay rất ít. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi có được ấn tượng rõ nét đầu tiên.

Đó là chiếc máy bay mạnh mẽ và tăng tốc tốt, đặc biệt khi cất cánh. Su-27 rất nhạy - chỉ cần bẻ cần lái sang bên là nó đã muốn lượn vòng. Khi bạn lấy độ cao, Su-27 bốc thẳng lên vì lực đẩy lớn.

Khi ngân sách của lực lượng không quân bố trí cho hoạt động đào tạo tăng, chúng tôi bắt đầu tập tấn công những mục tiêu thực sự trên mặt đất và phóng các tên lửa chiến đấu. Tôi đã ngạc nhiên khi lần đầu bắn súng cao xạ. Nó giật rất mạnh.

Trong hướng dẫn kỹ thuật có viết rằng mức độ giật tương đương 7 tấn. Nó làm tung các cửa sổ nhìn ra phía sau trong buồng lái, còn những chiếc kẹp nhựa để giữ các tờ thông tin đã bay khắp buồng lái. Điều này rất khó chịu. Đôi khi hệ thống liên lạc không hoạt động khi bắn súng cao xạ.

Không phải tất cả các chuyến bay đều diễn ra êm thấm. Một lần trong lúc đánh tập với Su-27 khác, máy phát điện trên chiếc máy bay của tôi đã bị hư hỏng.

Tôi đã phải chuyển sang máy phát thứ hai, nhưng nó cũng bị ngắt vì tải trọng lớn - toàn bộ hệ thống, bao gồm điều khiển từ xa, điều khiển vũ khí và ngắm bắn đã được bật. Khi điều này xảy ra, máy bay chỉ có thể bay được khoảng 10 phút vì nó lấy điện từ hệ thống cấp điện cho các thiết bị điện tử.

Tôi nhanh chóng quay trở về căn cứ - cách xa khoảng 40km - và hạ cánh thành công. Khi đó một kỹ sư nói với tôi: "Cậu đã gặp may là các ắc quy còn mới đấy!". Đó có lẽ là tình huống nguy hiểm nhất trong cuộc đời tôi.

Đại tá Dmitry Fisher (đã về hưu), cựu chỉ huy phi đội Lữ đoàn không quân chiến thuật 831:

Tôi từng muốn trở thành phi công Su-27 khi còn học trong Trường bay Chernigovsky. May mắn thay, vào năm 1990 trường đào tạo bay lại trên các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, và chúng tôi bắt đầu học lái MiG-29.

Nhưng tôi muốn bay trên Su-27 và thậm chí còn đi tới căn cứ Su-27 tại Mirgorod trước khi được phân công, để đề nghị họ gửi công văn xin tôi về. Cuối cùng, người ta đã phân tôi về đơn vị này ngay khi tôi vừa tốt nghiệp trường bay vào năm 1994.

Su-27 có hệ thống điều khiển rất nhạy. Không như trên L-39. Trong chuyến bay đầu tiên có cảm giác như bạn đang ngồi trên mũi kim! Thêm một ấn tượng nữa - tầm quan sát tuyệt vời! Phần mũi của Su-27 so với các máy bay thế hệ thứ 3 hơi dốc xuống dưới.

Đôi khi điều này đã tác động lên các phi công trẻ tới mức họ cố gắng nhấc mũi và "lấy cân bằng" cho chiếc máy bay.

Trong thời gian chiến tranh với Nga, tôi đã chặn đầu một chiếc IL-20 trinh sát điện tử của Nga trong khu vực nằm chếch phía nam Donetz (Ukraine). Mắt thường tôi đã không nhìn thấy, nhưng theo các hệ thống điện tử chứng tỏ nó đã vi phạm không phận của chúng tôi.

Tôi khoá mục tiêu và đã có thể phóng tên lửa, nhưng nhận được lệnh cấm khai hoả. Nó không đáng. Người Nga có thể tận dụng sự việc này như lý do để mở một cuộc chiến tranh quy mô toàn diện.

Và đó không phải là trường hợp thù địch duy nhất. Vài lần chúng tôi đã phát hiện bằng radar các máy bay tiêm kích Nga ở phía bên giới của họ. Lấy ví dụ, khi các máy bay An-26 của chúng tôi thả đồ tiếp tế cho lính biên phòng bị các đơn vị của Nga bao vây tại Krasnodon, mỗi lần người Nga đều cử các tiêm kích cất cánh.

Tiêm kích Su-27 từng gây thảm họa kinh hoàng, nhưng vẫn là át chủ bài của Ukraine - Ảnh 6.

Kỹ thuật viên kiểm tra chiếc MiG-29 trong nhà chứa máy bay tại căn cứ Vasylkiv ngày 14-2-2019. Ảnh: Kyiv Post.

Có căn cứ để nghi ngờ rằng một trong những chiếc An của chúng tôi bị bắn hạ bằng tên lửa "không đối không" từ lãnh thổ Nga. Sự hiện diện của chúng tôi khiến họ hoang mang đôi chút.

Chúng tôi gặp nhiều vụ tai nạn, bởi vì những chiếc máy bay sản xuất hàng loạt đầu tiên mà Trung đoàn 831 tiếp nhận có nhiều lỗi sản xuất. Cá nhân tôi từng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng nhất, đó là với hệ thống thuỷ lực và hệ thống dầu của động cơ. Thỉnh thoảng phải hạ cánh bằng một động cơ.

Có lần hệ thống thuỷ lực bị hỏng hoàn toàn. Dầu thuỷ lực chui vào hệ thống nhiên liệu, và tôi chỉ có khoảng gần 3 phút để kéo cần và phóng ghế thoát hiểm. Sau đó người ta nói với tôi rằng khi tháo nhiên liệu ra thì thấy nó có màu đỏ.

Tôi từng tham gia vào cuộc tập trận "Bầu trời an toàn" năm 2011 - để hộ tống, cũng như để huấn luyện không chiến chống lại F-16. Những trận không chiến với F-16 phần lớn diễn ra dưới dạng 2 đấu 2.

Su-27 mạnh hơn trong không chiến với mục tiêu quan sát được bằng mắt, nhưng không nên quên rằng Su-27 và F-16 thuộc các dòng tiêm kích khác nhau - Su-27 mạnh mẽ hơn. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó.

Tôi đã từng bay trên F-16 và hiểu được rằng hệ thống của chúng ta đã lỗi thời từ lâu. Tại sao F-16 trong trận không chiến không quan sát mục tiêu được bằng mắt lại mạnh hơn. Bên trong Su-27, tôi không có thông tin về tình hình chiến thuật, nó được thiết kế để tiếp nhận những thông tin chiến thuật từ các trạm điều khiển mặt đất.

Nếu có thể truy cập, toàn bộ thông tin sẽ phải xuất hiện trên màn hình hiển trong buồng lái. Nhưng chúng không còn tồn tại nữa, và phương án duy nhất để tiếp nhận cập nhật chiến thuật - đó là liên lạc bằng giọng nói từ người điều phối trên mặt đất. Mọi thứ của F-16 theo kiểu khác.

Chúng có bảng hiển thị thông tin chiến thuật, và chúng "nhìn thấy" nhau, thậm chí không có bức xạ điện tử dạng như bật hệ thống radar.

Đại tá Sergei Zuravlev (về hưu), cựu phi công Cục Quân huấn:

Tôi tốt nghiệp Học viện không quân Chernigovsky vào năm 1985. Tôi được cử tới điều khiển MiG-23 tại Trung đoàn không quân tiêm kích số 168 ở Staroconstantinova. Ngay khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã được tới thăm Trung đoàn 831 ở Mirgorod.

Chúng tôi mong muốn được xem chiếc máy bay cất cánh, họ đồng ý nhưng cảnh báo: "Không được đến gần nhé. Chiếc máy bay bí mật đấy!" Chúng tôi quan sát nó từ khu vực hút thuốc - đâu đó cách xa vào khoảng 100m. Trước đó chúng tôi chỉ nhìn thấy ảnh của Su-27, còn ở đây thì tận mắt nhìn nó bay!

Sau đó một thời gian, tôi may mắn được tham gia vào một cuộc thử nghiệm: Tôi và 3 thiếu uý khác, tất cả đều thuộc phi công hạng ba, được lựa chọn và cử tới Lipetzk để học lái Su-27.

Chúng tôi tới Lipetzk, trung tâm huấn luyện chiến đấu của Không quân Liên Xô, vào cuối năm 1986. Khi vừa có mặt, người ta nói: "Hôm nay chúng tôi sẽ cho các anh xem MiG-29 và Su-27 để các anh hiểu mình sẽ lái thứ gì".

Các phi công đến từ các trung đoàn đứng xếp hàng dọc theo đường băng cất-hạ cánh. Sắp có một màn trình diễn mà họ sẽ không thể quên được. MiG-29 cất cánh và ngay lập tức lộn nhào khi vừa thoát khỏi mặt đất.

Nó rơi ngay gần đường băng cất-hạ cánh với bình nhiên liệu đầy. Nhiên liệu bốc cháy lan khắp nơi, nhiều người hi sinh, nhiều người bị bỏng nặng. 4 người chúng tôi may mắn không hề hấn gì mặc dù đứng gần.

Có lần tôi được bay trên F-15E - sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của Su-27 từ Mirgorod tới căn cứ không quân "Seymour Johnson" ở Bắc Caroline (Mỹ) vào năm 1998. Tôi vẫn nhớ rõ cuộc kiểm tra trước chuyến bay kéo dài bao lâu.

Ở trong nước: Bạn nhảy vào buồng lái, khởi động động cơ, và sau 5 phút bạn đã cất cánh. Đối với F-15 chúng tôi phải mất 20 phút chỉ để kiểm tra các hệ thống.

Chúng tôi cứ ngồi dài mặt đợi, sau đó đã phát hiện ra thứ gì đó không ổn, chúng tôi phải chuyển sang chiếc tiêm kích khác, và cũng mất bằng ngần đó thời gian để kiểm tra.

Ngay trên không trung, viên phi công Mỹ đã bỏ tay khỏi cần lái - mày muốn làm gì tuỳ thích! Trước tiên, anh ấy trình diễn cho tôi xem các cú bay lượn, sau đó tôi tự điều khiển chiếc máy bay và lặp lại những gì đã chứng kiến.

Chúng tôi chỉ nói chuyện bằng cách ra hiệu: Rào cản ngôn ngữ. Nói chung F-15 "nhẹ nhàng hơn". Kéo cần lái, và cỗ máy nhẹ nhành di chuyển theo hướng đó. Trên Su-27 có thể đạt được vận tốc chiều dọc lớn và các góc tấn công. Và thêm nữa, Su-27 còn bay lượn cơ động hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại