Tại sao Trung Quốc phải khiếp sợ đơn vị tác chiến mới của Thủy quân lục chiến Mỹ?

Anh Tú |

Thủy quân Lục chiến Mỹ dự kiến sẽ thành lập 3 trung đoàn chiến đấu mới, trong đó hai trung đoàn sẽ đóng tại Nhật Bản và một trong đoàn sẽ đóng ở Guam.

Theo Breaking Defense, lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng một dạng đơn vị chiến đấu bộ binh mới nhằm đối phó với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo nhỏ trên Thái Bình Dương.

Cùng với đó, Hải quân Mỹ cũng đang phát triển các tàu chiến mới với kích cỡ nhỏ hơn để có thể nhanh chóng di chuyển và tiếp ứng cho những đơn vị nêu trên của Thủy quân Lục chiến một khi chúng được triển khai.

“Chúng tôi đang lập kế hoạch phát triển một đơn vị có khả năng khó bị phát hiện, cung cấp cho chúng tôi sức mạnh hỏa lực cần thiết để gây hậu quả to lớn cho đối phương khi đã vượt qua giai đoạn ngăn chặn”, Thiếu tướng Kevin Iiams, sĩ quan chỉ huy thuộc Phòng Phát triển Nghệ thuật Tác chiến, Thủy quân Lục Chiến Mỹ cho biết.

Thủy quân Lục chiến Mỹ dự kiến sẽ thành lập 3 trung đoàn mới, trong đó hai trung đoàn sẽ đóng tại Nhật Bản và một trong đoàn sẽ đóng ở Guam.

Theo khung kế hoạch phát triển, các trung đoàn như vậy phải có khoảng 3 năm tham gia các cuộc tập trận thử nghiệm trước khi đưa vào triển khai thực sự.

Thiếu tướng Iiams cho biết, cũng giống như lực lượng đặc nhiệm không - bộ Thủy quân Lục chiến hiện nay, các trung đoàn chiến đấu mới sẽ có các đơn vị hỗ trợ.

“Vì vậy, chúng tôi sẽ có một đội tác chiến duyên hải, một tiểu đoàn hậu cần ven biển và một tiểu đoàn phòng không”, tướng Iiams nói thêm.

Những đơn vị này nằm trong kế hoạch được Thủy quân Lục chiến Mỹ phát triển nhằm xây dựng một “lực lượng thâm nhập vào bên trong”, có khả năng di chuyển nhanh, khó bị phát hiện, và có thể hoạt động trong phạm vi tấn công của các loại vũ khí của Trung Quốc và Nga nhưng vẫn tung ra được đòn phản công mạnh mẽ.

Tại sao Trung Quốc phải khiếp sợ đơn vị tác chiến mới của Thủy quân lục chiến Mỹ? - Ảnh 1.

Lính thủy đánh bộ Mỹ hoạt động gần tàu đổ bộ USS Germantown lớp Whidbey Island. Ảnh: AP

Mùa Hè vừa qua, Hải quân Mỹ cũng đã làm việc với các nhà máy đóng tàu để thảo luận về kế hoạch phát triển một lớp tàu hậu cần mới có thể hoạt động dưới tầng hỏa lực địch thủ và có khả năng tiếp tế cho lực lượng Thủy quân Lục chiến hoạt động sâu trong tầm bắn của vũ khí chính xác của đối phương.

Tháng 3/2020, chia sẻ trên tờ Wall Street Journal, tướng David Berger - Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết, 10 năm tới đây lực lượng này sẽ chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng cho kịch bản chiến đấu trên từng điểm đảo ở Tây Thái Bình Dương thông qua việc tiến hành một chương trình cải cách sâu rộng nhất trong vòng 20 năm qua để tăng cường nguồn lực đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

“Xét về năng lực quân sự, Trung Quốc đang là một mối đe dọa ngày càng tăng”, tướng Berger cảnh báo. “Nếu chúng ta không làm gì cả, chúng ta sẽ bị vượt mặt”.

Để đối phó với thách thức trên, Thủy quân Lục quân Mỹ đã lên kế hoạch thành lập các đơn vị viễn chinh hải quân, gồm các đội tác chiến quy mô nhỏ, cỡ từ 50 - 100 người. Lực lượng này sẽ tản ra các đảo nhỏ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, sử dụng các tàu đổ bộ cao tốc để chiến đấu.

Tướng Berger cho biết, Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ tấn công các tàu chiến Hải quân Trung Quốc bằng tên lửa chống hạm. Các đơn vị chiến đấu của Mỹ sẽ liên tục di chuyển, cứ mỗi 24 - 72 giờ lại cơ động tới các điểm đảo khác nhau để tránh bị phản công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại