Thịt lợn từ Đức bị Trung-Nhật-Hàn "quay lưng": Không tránh được vỏ dưa, gặp cả vỏ dừa

Tất Đạt |

Việc phát hiện tả lợn châu Phi xuất hiện trên lợn hoang dã Đức là đòn đánh mạnh vào ngành công nghiệp thịt lợn vốn đã gặp hàng loạt khó khăn từ ảnh hưởng của virus corona.

Vừa qua, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã cùng lúc tuyên bố cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức sau khi nước này xác nhận trường hợp một con lợn hoang dã ở bang Brandenburg, gần biên giới Đức-Ba Lan chết vì tả lợn châu Phi.

Tả lợn châu Phi là loại bệnh lây nhiễm cực nhanh và có tỉ lệ tử vong cao đối với lợn hoang dã cũng như lợn trong môi trường chăn nuôi, tuy nhiên bệnh này vô hại với con người.

Thông tin về trường hợp lợn nhiễm tả lợn châu Phi là "mối quan ngại sâu sắc" đối với Hiệp hội Nông dân Đức (DBV) giữa lúc hàng loạt cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi vốn phát triển rất mạnh của nước này.

Nhà máy sản xuất thịt lợn lớn nhất nước Đức đã đóng cửa tạm thời vào tháng 6 vừa qua sau khi hơn 1.000 người lao động dương tính với virus corona. Điều này đã phản ánh phần nào rủi ro mà người lao động Đức phải đối diện khi có nhiều lao động là người nhập cư.

Một loạt các lò mổ khác của Đức cũng đã phải đối mặt với các đợt bùng phát COVID-19. Không chỉ có vậy, một khó khăn khác mà ngành chăn nuôi Đức gặp phải là sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng và ngày càng nhiều người bắt đầu chế độ ăn chay theo ngày hoặc ăn chay toàn bộ.

Đức là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất châu Âu. Trong năm qua, Đức giết mổ hơn 55 triệu con lợn, giảm 3,0% so với năm 2018 - theo cơ quan thống kê liên bang Destatis.

Việc xác nhận có lợn nhiễm tả lợn châu Phi đồng nghĩa với việc thịt lợn của Đức không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu tới các quốc gia ngoài EU - mặc dù vẫn có thể bán cho các nước khác trong khối này.

Ngành thịt lợn Đức chịu thiệt hại như thế nào?

Thị trường châu Á chiếm tới 1/4 số lượng thịt lợn xuất khẩu của Đức.

Người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian qua đã tăng tiêu thụ thịt lợn Đức sau khi dịch tả lợn châu Phi khiến Trung Quốc phải thiêu hủy hàng trăm triệu con lợn. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 17% lượng thịt lợn xuất khẩu của Đức ở ngoài EU, trong khi Hàn Quốc chiếm 4%, Nhật Bản chiếm 3%.

Trong số 5 triệu tấn thịt lợn Đức sản xuất trong năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu hơn 600.000 tấn.

Theo DBV, hiện tại chưa thể thống kê hết các thiệt hại, nhưng số lượng này có thể lên tới hàng tỉ EUR nếu lệnh cấm tiếp tục duy trì.

DBV hiện đang đề nghị chính phủ Đức đàm phán với các khách hàng để hạn chế sự sụp đổ của ngành chăn nuôi, bao gồm kêu gọi để các vùng không bị dịch bệnh ảnh hưởng tiếp tục được xuất khẩu thịt lợn.

"Chúng tôi đang đối thoại với các quốc gia khách hàng," nữ phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Đức cho biết. "Tuy nhiên, Trung Quốc rất cứng rắn về việc này".

Chủ đề này được tiếp tục đàm phán trong cuộc đối thoại giữa Chủ tịch nước Tập Cận Bình và lãnh đạo EU, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Từ lâu nay, Đức đã lo ngại dịch bệnh nguy hiểm trên lợn sẽ xuất hiện ở nước này.

Từ cuối năm 2019, nhiều trường hợp lợn nhiễm tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Ba Lan. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc dịch bệnh vượt biên giới các nước chỉ là vấn đề thời gian.

Bỉ đã thông báo ghi nhận một số ca nhiễm từ năm 2018.

Trong những tháng vừa qua, nhiều biện pháp đã được thực hiện để ngăn chặn bệnh dịch lan tới Đức, ví dụ như dùng drone và chó nghiệp vụ để tìm xác lợn hoang dã chết.

Bang Brandenburg thậm chí còn dựng hàng rào điện dài 120km để chặn lợn hoang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại