Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc, giáo sư Dương Chiêm Thu của Viện nghiên cứu virus thuộc Đại học Vũ Hán khẳng định, virus G4 có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu đặc biệt là vào mùa Đông Xuân, thời điểm các loại virus hoành hành.
Ông cho biết, sau khi phát hiện virus cúm A/H1N1 ở Mỹ năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đó đã nâng mức cảnh báo dịch toàn cầu lên cấp 6. Nếu virus G4 phát hiện lần này gần giống với virus cúm năm 2009, cũng có các đoạn gien cúm ở người, thì có thể gây lây lan từ người sang người.
Theo chuyên gia này, với virus G4 cần đề cao cảnh giác, không thể lơ là xem nhẹ. Nhưng ông cũng cho rằng, hiện chưa phải là mùa của virus cúm, do vậy không nên quá lo lắng. Ông nói thêm, tỷ lệ tử vong của cúm A/H1N1 chỉ khoảng 1%, thấp hơn Covid-19. Hơn nữa, khả năng lây lan của virus cúm A/H1N1 cũng hạn chế hơn SARS-CoV-2, chủ yếu tập trung ở 2 quốc gia là Mỹ và Mexico khi bùng phát vào năm 2009, do vậy không gây khủng hoảng lớn tại các quốc gia khác.
Trước đó, theo một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc vừa công bố hôm 29/6 trên tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, G4 có nguồn gốc từ chủng H1N1 gây ra đại dịch cúm năm 2009.
Các tác giả cho biết, chủng cúm mới này sở hữu "mọi dấu hiệu chính cho phép nó thích nghi cao để lây nhiễm sang con người."
Theo các xét nghiệm mẫu máu, có tới 10,4% người làm việc liên quan đến lợn đã nhiễm G4. Xét nghiệm này cũng cho thấy, có tới 4,4% dân chúng dường như đã nhiễm virus này. Như vậy, virus đã có thể truyền từ động vật sang người, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, việc lây nhiễm virus G4 ở người sẽ giúp chúng tăng khả năng thích nghi và tăng nguy cơ xảy ra đại dịch với loài người./.