Nhìn lại 75 năm độc lập, phát triển kinh tế của Việt Nam, báo UAE khen ngợi: "Phép màu"

Hồng Anh |

"Trong những năm gần đây, danh tiếng, uy tín và sự hiện diện của Việt Nam [trên trường quốc tế] ngày càng lớn", báo Khaleej Times (UAE) bình luận.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020), báo Khaleej Times của các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm 1/9 vừa qua đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Vietnam - An economic miracle in Asia" (Việt Nam - Một phép màu kinh tế ở châu Á), trong đó đề cập tới nhiều thành tựu của Việt Nam trong hơn 7 thập kỷ qua.

Mở đầu bài viết, Khaleej Times bình luận:

"Sau 75 năm độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một quốc gia chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á với nền văn hóa, xã hội không ngừng phát triển; đời sống thương mại, tinh thần được cải thiện và nền chính trị ổn định. Trong những năm gần đây, danh tiếng, uy tín và sự hiện diện của Việt Nam [trên trường quốc tế] ngày càng lớn".

75 năm trước, vào ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong suốt hơn 7 thập kỷ sau đó, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đóng vai trò là người bạn, đối tác tin cậy, đồng thời là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, theo Khaleej Times.

Năm 2019, Việt Nam đã đạt được một cột mốc mới khi giành được ghế ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), với số phiếu ủng hộ là 192 trên tổng số 193 phiếu. Đây được coi là một trong những kết quả ấn tượng nhất trong lịch sử của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng là Chủ tịch ASEAN năm 2020 - đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam giữ 2 chức vụ quan trọng cùng lúc.

Khaleej Times bình luận rằng đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng các mối quan hệ song phương với các quốc gia khác và tạo ra động lực mới để nâng cao vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam có môi trường kinh doanh ổn định và đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong những thập kỷ qua. Báo cáo Kinh doanh năm 2020 của WB đã xếp Việt Nam ở vị trí 70/190 nền kinh tế thế giới (tăng 20 bậc so với năm 2010). Nền kinh tế của Việt Nam cũng được đánh giá là sẽ tiếp tục có những bước phát triển tích cực trong những năm tới.

Trong khi đó, Khaleej Times cho hay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 67/141 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (tăng 10 bậc so với năm 2018). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam xếp thứ 42/129, đứng đầu trong số 26 quốc gia có thu nhập trung bình và đứng thứ 3 tại khu vực ASEAN. Chỉ số xếp hạng an toàn thông tin Internet của Việt Nam xếp thứ 50/175 trên thế giới (tăng 50 bậc so với năm 2018).

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại