Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Việt Nam hôm nay qua lăng kính Á-Âu” diễn ra hôm 28/8 (giờ địa phương) tại Thủ đô Moscow (Nga), đánh giá về vai trò của Việt Nam trong tiến trình hội nhập Á-Âu, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu “Ý tưởng Á-Âu” Grigory Trofimchuk khẳng định, Việt Nam đã đi tiên phong, là quốc gia đầu tiên thiết lập khu vực thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Nhờ có FTA này mà EAEU đã mở rộng đôi cánh của mình đến khu vực Đông Nam Á.
Hội thảo trên, do Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga (Rossotrudnichestvo) trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga tổ chức, diễn ra nhân dịp ra mắt cuốn sách “Việt Nam cất cánh” của tác giả người Nga Grigory Trofimchuk, theo cả hình thức trực tiếp tại trụ sở của Rossotrudnichestvo và trực tuyến qua các đầu cầu ở các nước thành viên EAEU.
Tham dự hội thảo có Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, ông Yevgeny Primakov, ông Grigory Trofimchuk cùng khoảng 40 nhà báo, nhà nghiên cứu, giới chuyên gia, học giả đến từ các trung tâm nghiên cứu, các học viện và trường đại học, các tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông của Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Yevgeny Primakov nhấn mạnh, Nga quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước: “Hiện nay du khách Nga đang đến Việt Nam, các công ty Nga cũng đang hoạt động ở đó. Đối với chúng tôi, mọi điều ở Việt Nam đều rất đáng quan tâm. Tôi cho rằng, chính bằng những dự án như buổi hội thảo và giới thiệu sách hôm nay, chúng ta sẽ củng cố những nhịp cầu của tình hữu nghị giữa hai nước”.
Theo người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, các cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan này tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ thúc đẩy các mối liên hệ hợp tác kinh doanh giữa các công ty Nga và EAEU với các đối tác Việt Nam. Trong khi đó, đánh giá về vai trò của Việt Nam trong tiến trình hội nhập Á-Âu, ông Grigory Trofimchuk khẳng định, Việt Nam là nước đi tiên phong, là quốc gia đầu tiên thiết lập khu vực FTA với EAEU. Nhờ có FTA này mà EAEU đã mở rộng đôi cánh của mình đến khu vực Đông Nam Á.
Ông cũng chia sẻ: “Thông qua sự kiện có quy mô này do Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga hỗ trợ tổ chức, đại diện nhiều nước cộng hòa thuộc EAEU đã bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam trên tất cả các hướng, các lĩnh vực. Chúng ta cần thúc đẩy hệ quan Việt-Nga trong khuôn khổ EAEU, cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông-logistic để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa địa phương hai nước chúng ta”.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu “Ý tưởng Á-Âu” cho rằng, tình hình tại khu vực này vẫn còn nhiều căng thẳng, đòi hỏi các bên phải có cách tiếp cận mang tính xây dựng; bày tỏ hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ là chủ nhà của các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông để các bên cùng tìm kiếm giải pháp khả thi cho các tranh chấp.
Chuyên gia Grigory Trofimchuk nói: “Chừng nào những mâu thuẫn phức tạp tại đây vẫn chưa được giải quyết, thì các hòn đảo trong vùng biển này chưa thể trở thành các địa điểm du lịch thực sự. Tôi hy vọng có thể tổ chức một hội thảo về Biển Đông ngay tại Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nga, Việt Nam và các nước khu vực để cùng tìm kiếm một kết quả tích cực cần thiết”.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi rất mong các nước trong khu vực cùng chung sống hòa bình, phát triển hợp tác, chúng tôi phản đối các hành động gây leo thang căng thẳng. Kinh nghiệm hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga có thể phát huy hiệu quả trong bối cảnh này, khi cả hai nước đều theo đuổi các giải pháp hòa bình và tránh sử dụng vũ lực”.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những cách tiếp cận mới để mở rộng quan hệ nhân văn giữa các nước thành viên EAEU và Việt Nam: triển vọng hợp tác khoa học và kỹ thuật, sự phối hợp trong lĩnh vực giáo dục, phát triển các mối quan hệ kinh doanh và đảm bảo an ninh thông tin. Giám đốc
Viện EAEU, Tiến sĩ Vladimir Lepekhin đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của buổi hội thảo đối với quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga nói riêng và Việt Nam-EAEU nói chung; cho rằng, việc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga kết nối trực tuyến với các đầu cầu ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia giúp cho việc trao đổi thông tin lẫn nhau được tốt hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên EAEU cũng như cho Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Vladimir Lepekhin, thời gian gần đây, sự quan tâm đến Việt Nam có xu hướng tăng lên, Việt Nam trở thành một nhân tố tích cực trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do với EAEU, đồng thời thị trường Việt Nam cũng giành được sự quan tâm của các nước trong khu vực này.
Trước đó, tại buổi Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EAEU trong bối cảnh mới” diễn ra hồi tháng 5 năm nay, ông Erlan Baizhanov - Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, ông Aleksander Cardo-Sysoev - Phó Tham tán thương mại LB Nga tại Việt Nam, ông Denis Nicolaev - Tham tán kinh tế - thương mại Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam đều nhận định, Việt Nam được coi là một đối tác quan trọng của các nước thành viên Liên minh ở khu vực này cả về khía cạnh chính trị lẫn kinh tế.
Do đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thuộc EAEU thâm nhập vào thị trường khu vực ASEAN rộng lớn.
Hiệp định FTA Việt Nam – EAEU được ký kết ngày 29/5/2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-10-2016. Nếu như tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình hàng năm giữa EAEU và Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2015 khi chưa có Hiệp định trên chỉ đạt khoảng 5%, thì khi Hiệp định có hiệu lực, con số này hiện đã đạt gần 30%.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, chiều kim ngạch xuất khẩu từ các nước Liên minh vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững và giảm nhẹ, ở chiều ngược lại kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước Liên minh lại có dấu hiệu tăng nhẹ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EAEU đạt 4,9 tỉ USD, tăng 26,2% so với năm 2017; trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,7 tỉ USD và nhập khẩu là 2,2 tỉ USD. 9 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,7 tỉ USD (cả năm 2019 ước đạt gần 5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EAEU đạt hơn 3 tỉ USD, nhập khẩu gần 2 tỉ USD).
Trong đó, Liên bang Nga chiếm tỉ trọng lớn nhất với 92%, tiếp đến là Cộng hòa Kazakhstan chiếm 5,5% và thứ 3 là Cộng hòa Belarus với 2%. Thị trường EAEU vẫn đang có nhu cầu rất lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, điện thoại, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thủy sản.
Về phía EAEU, những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam là các mặt hàng xăng dầu, máy móc, hóa chất, sắt thép, hàng tiêu dùng. Cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp.