Nhìn lại 20 năm sau thảm họa tàu ngầm Kursk

Hà Anh |

Ngày 12/8/2020, đánh dấu 20 năm sau vụ chìm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân The Kursk của Nga. Đây là thảm họa nặng nề nhất về số người thiệt mạng trong lịch sử hậu chiến đối với hạm đội tàu ngầm của Nga.

Kursk là một tàu ngầm mang tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc dự án 949A Antei, do Cục Thiết kế Trung ương về Kỹ thuật Hàng hải Rubin ở Leningrad (hiện là St. Petersburg) phát triển vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980.

Chiếc tàu ngầm dài 154 m và rộng 18,2 m, có lượng choán nước toàn bộ là 24.000 tấn và được trang bị một lò phản ứng hạt nhân 98.000 mã lực. Kursk mang theo 12 bệ phóng tên lửa đôi P-700 Granit (24 tên lửa) và sáu ống phóng ngư lôi 650 mm và 533 mm (28 ngư lôi).

Từ năm 1982 đến 1996, có tổng cộng có 11 tàu ngầm Antei đã được chế tạo. Theo các nguồn tin mở, hiện nay, năm chiếc vẫn đang hoạt động và hai chiếc đang được đại tu và nâng cấp.

Lễ hạ thủy cho The Kursk diễn ra tại Xí nghiệp Chế tạo Máy Phương Bắc (hiện là Công ty Cổ phần PO Sevmash ở Severodvinsk, Vùng Arkhangelsk) vào ngày 22/3/1990.

Ngày 6/4/1993, nó được đặt tên là The Kursk để vinh danh màu Đỏ Chiến thắng của quân đội trong trận Kursk. Chiếc tàu ngầm này được hạ thủy vào tháng 5/1994 và đi vào hoạt động vào ngày 30/12/1994.

Ngày 1/3/1995, Kursk được đưa vào danh sách các tàu chiến của Hạm đội phương Bắc của Nga và trở thành một phần của Sư đoàn 7, Hạm đội tàu ngầm số 1 (đóng tại Vidyayevo , Vùng Murmansk).

Nhìn lại 20 năm sau thảm họa tàu ngầm Kursk - Ảnh 1.

(Ảnh: Tass).

Tình trạng khẩn cấp ở biển Barents

Ngày 12/8/2000, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân K-141 Kursk đang tham gia cuộc tập trận hải quân hỗn hợp của Hạm đội Phương Bắc ở Biển Barents dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng lớp 1 Gennady Lyachin.

Tàu ngầm chở một thủy thủ đoàn tiêu chuẩn, một nhóm sĩ quan từ trụ sở chính của sư đoàn và các chuyên gia dân sự từ nhà máy công nghiệp Dagdizel (có trụ sở tại Kaspiysk, Dagestan), tổng cộng là 118 người.

Lúc 11h28 và 11/30 theo giờ Moscow, hai vụ nổ dưới nước đã được xác định. Không liên lạc được với tàu ngầm trong vài giờ. Một hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đã được khởi động.

Hoạt động cứu hộ, thu hồi xác tàu, kết quả điều tra

Ngày 13/8/2000, các thiết bị thủy âm của tàu tuần dương Pyotr Velikiy đã phát hiện ra tàu ngầm Kursk ở độ sâu 108 mét dưới đáy biển. Một chiến dịch cứu hộ đã bắt đầu, nhưng mọi nỗ lực tiếp cận của các phương tiện cứu hộ với chiếc tàu ngầm bị chìm đều thất bại.

Thời tiết mưa bão, dòng chảy mạnh và tầm nhìn kém đã cản trở nỗ lực của lực lượng cứu hộ.

Ngày 19/8, hoạt động này đã được mở rộng quy mô quốc tế, khi hai tàu của Na Uy, The Seaway Eagle và The Normand Pioneer chở một tàu cứu hộ của Anh đã tham gia cứu hộ.

Ngày 21/8, các thợ lặn Na Uy đã mở được cửa dưới khoang thứ 9 của tàu ngầm Kursk, tất cả mọi người trên tàu đều đã chết.

Ngày 23/8/2000 được tuyên bố là ngày quốc tang của Nga.

Ngày 26/8/2000, Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga cho Chỉ huy tàu ngầm, Gennady Lyachin. 117 thủy thủ đoàn và chuyên gia đã được truy tặng Huân chương Dũng cảm.

Tháng 10 đến tháng 11/2000, 12 thi thể đã được đưa lên mặt nước từ xác tàu. 103 thi thể khác đã được trục vớt sau đó. Hài cốt của ba người không được tìm thấy.

Hoạt động trục vớt tàu ngầm bắt đầu vào ngày 15/7/2001. Khoang đầu tiên được tách ra và để lại dưới đáy biển một thời gian (các mảnh vỡ của nó được tìm lại một năm sau đó).

Ngày 8/10/2001, chiếc tàu ngầm được nâng lên mặt nước và vào tháng 4/2002, nó được đưa đến nhà máy đóng tàu Nerpa để xử lý.

Sau đó, phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa ra nhiều suy đoán, bao gồm cả những nghi ngờ kỳ lạ nhất về những gì đã xảy ra.

Ngày 26/7/2002, Tổng Công tố viên Vladimir Ustinov tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, cuộc điều tra về thảm họa Kursk đã kết thúc.

Thông tin thêm, các nhà điều tra phát hiện ra rằng, xuất phát điểm của thảm họa bắt đầu từ một vụ nổ ở ống phóng ngư lôi số 4 do rò rỉ hydro peroxit qua một vết xước siêu nhỏ ở thân tàu ngư lôi huấn luyện. Điều này đã dẫn đến sự phát nổ của các ngư lôi khác trong kho. 23 thành viên phi hành đoàn sống sót đã rút vào khoang thứ 9, nơi họ trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm sau.

Thảm họa Kursk dẫn đến việc Chỉ huy trưởng Hạm đội Phương Bắc, Đô đốc Vyacheslav Popov; Tham mưu trưởng Hạm đội Phương Bắc, Phó Đô đốc Mikhail Motsak và Chỉ huy đội tàu ngầm, Phó Đô đốc Oleg Burtsev bị cách chức. Tổng cộng 14 sĩ quan hải quân cấp cao đã bị cách chức và giáng chức.

Nhìn lại 20 năm sau thảm họa tàu ngầm Kursk - Ảnh 3.

(Ảnh: Tass).

Tưởng niệm

Ngày 15/6/2009, phần phía trước của cabin trên boong tàu ngầm đã được đặt gần Nhà thờ Đấng cứu thế trên biển Murmansk. Đây là một phần của đài tưởng niệm tôn vinh các Thủy thủ đã chết trong thời bình.

Các đài tưởng niệm và bảng tưởng niệm vinh danh các thủy thủ của The Kursk kể từ đó đã được công bố tại Severodvinsk, St. Petersburg, Moscow, Kursk, Kotlas, Yekaterinburg, Veliky Novgorod, Nizhny Novgorod, Sevastopol, Zaozyorsk, Severomorsk, Kopeisk (Vùng Chelyabinsk) và Marganets Vùng Dnepropetrovsk của Ukraine).

Bên cạnh đó, tên của các thủy thủ tàu ngầm Kursk đã được đặt cho các trường học ở St.Petersburg, Volgograd, Belgorod, Lipetsk, Kirovsk (Vùng Leningrad) và làng Bagayevskaya (Vùng Rostov).

Thảm họa tàu ngầm Kursk đã trở thành chủ đề của các bộ phim tài liệu, chương trình truyền hình, sách, nhạc của Nga và nước ngoài cũng như bộ phim truyện mang tên Kursk (một bộ phim truyền hình Bỉ-Luxembourgian của Thomas Vinterberg).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại