ICG: Bất chấp đe dọa của Thổ, QĐ Syria tính đòi cả gốc lẫn lãi 9 năm "nợ máu" ở Idlib?

DK |

Các nhà phân tích của ICG cho rằng Idlib là "món nợ cuối cùng" mà chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần phải thu hồi từ tay phiến quân trong cuộc chiến 9 năm vừa qua.

Mới đây, tổ chức International Crisis Group (ICG) đăng tải bài phân tích nhan đề "Silencing the Guns in Syria’s Idlib" (tạm dịch: Khi tiếng súng ở Idlib, Syria trở nên câm lặng).

Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn tương đối khách quan về khả năng và diễn biến cuộc đối đầu quân sự mới liên quan tới Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại tây bắc Syria vào những tháng cuối năm 2020, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Idlib, "món nợ cuối cùng" phiến quân Syria phải trả?

Tương lai tỉnh Idlib, "món nợ cuối cùng" mà chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần phải thu hồi từ tay phiến quân sau 9 năm nội chiến - đang trở thành câu hỏi hóc búa đối với các nhà phân tích chính trị và quân sự.

Những năm vừa qua, với sự hỗ trợ của Không quân Vũ trụ Nga (VKS), Quân đội Arab Syria (SAA) đã tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự nhằm tái chiếm khu vực tây bắc nước này từ tay các nhóm phiến quân và khủng bố.

Từ tháng 4/2019 cho tới 3/2020, điều mà người Nga thường mô tả - một hoạt động quân sự "hạn chế" của SAA đã khiến phân nửa cái gọi là "Idlib lớn" do các nhóm phiến quân và khủng bố kiểm soát đã được Damascus giải phóng.

Hướng tấn công nhằm đẩy lùi các nhóm khủng bố ở khu vực phía bắc Hama và nam Idlib trước lệnh ngừng bắn ngày 6/3 cho thấy rằng các mục tiêu tiếp theo của Damascus có thể là Ariha và Jisr al-Shughour, các đô thị quan trọng nằm trên cao tốc chiến lược M4 nối Aleppo và Latakia.

Nếu "nước cờ" này thành công, "Idlib lớn" sẽ chỉ còn là một dải đất nhỏ hẹp gọi là "Dải Gaza mới" nằm gần biên giới giữa tỉnh Idlib với tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ.

ICG: Bất chấp đe dọa của Thổ, QĐ Syria tính đòi cả gốc lẫn lãi 9 năm nợ máu ở Idlib? - Ảnh 1.

Tiến trình giảm lãnh thổ ở "Idlib lớn" từ năm 2017 tới nay với khu vực "Dải Gaza mới" nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Viện chính sách Cận Đông / WINEP)

Những tháng gần đây, cùng với tăng cường không kích và "tích tụ" binh lực của SAA gần chiến tuyến Idlib dẫn tới đấu pháo với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF), lệnh ngừng bắn "mong manh" đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Như trước đây, quyết định của Nga về việc yểm trợ đường không và các viện trợ quân sự khác cho SAA sẽ quyết định đợt tấn công mới của Damascus có diễn ra hay không. Tuy nhiên, cái giá phải trả về chính trị và quân sự cho cả Moscow và Damascus có thể rất cao.

Kể từ sau lệnh ngừng bắn, TAF đã liên tục đưa xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và binh lính tới củng cố năng lực quân sự ở Idlib.

Ankara vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại thông điệp rằng họ sẵn sàng leo thang như những gì đã diễn ra vào đầu năm 2020 để đối phó cái mà họ gọi là "mối đe dọa an ninh quốc gia" đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều quan trọng nhất đối với Moscow, là khi chiến sự Idlib bùng nổ nó có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với Ankara.

Nó gần như chắc chắn sẽ chấm dứt cái gọi là "tiến trình Astana", các cuộc đàm phán ba bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bắt đầu vào năm 2017 với vai trò của Ankara được đánh giá là rất quan trọng trong việc đạt được giải pháp chấm dứt chiến tranh.

Theo quan điểm của Moscow, điều ưu tiên lúc này ở tây bắc Syria là việc tạo một "vùng đệm" xung quanh cao tốc M4 sẽ giúp đẩy các nhóm phiến quân ra xa là ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào Căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia.

Đối với Moscow, việc phải duy trì sự "cân bằng" giữa các mục tiêu đồng nghĩa với việc làm chậm lại "nhịp độ" chiến sự Idlib.

Một mặt, họ quy trách nhiệm cho Ankara trong việc giải quyết các nhóm khủng bố và mặt khác, họ "bật đèn xanh" cho Damascus "gặm nhấm" dần từng mảnh vụn của Idlib.

Cách "tiếp cận kép" này cũng có thể phản ánh quan điểm đối lập ngay trong chính Moscow.

Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ bình luận rằng: "dường như có sự không thống nhất giữa các chính trị gia Nga - những người quan tâm đến mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội, những người đặt mục tiêu giành chiến thắng ở Syria ”.

ICG: Bất chấp đe dọa của Thổ, QĐ Syria tính đòi cả gốc lẫn lãi 9 năm nợ máu ở Idlib? - Ảnh 2.

Lực lượng Nga ở Syria đang tỏ ra tập trung vào cuộc đối đầu với các đoàn xe cơ giới Mỹ ở đông bắc nước này hơn là tình hình ở Idlib.

Đánh Idlib đồng nghĩa với một cuộc "tử chiến"?

Kể từ khi cuộc can thiệp quân sự của Nga vào nội chiến Syria bắt đầu năm 2015, các cuộc không kích của máy bay Nga đã bù đắp cho sự yếu kém trên mặt đất của SAA.

Việc người Nga bàn giao các tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 cùng với việc Không quân Arab Syria (SyAAF) đã trở thành chủ lực trong các cuộc "không kích phẫu thuật" ở Idlib có thể là tín hiệu cho thấy Moscow muốn trút "gánh nặng" không yểm cho Damascus.

Lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang chiến đấu với một loạt các nhóm phiến quân vô cùng ngoan cố nằm trong một khu vực dân cư có quan điểm "đối kháng sâu sắc" với Damascus.

Idlib từ lâu đã là điểm đến cuối cùng của các chuyến "xe bus xanh" đưa các tay súng nổi dậy và gia quyến khỏi những nơi mà Damascus đã giải phóng sau các đợt bao vây như Daraa, đông Ghouta và vùng nông thôn phía bắc Homs.

Có thể tạm kết luận rằng những tay súng ở Idlib đã chống lại chính sách "hòa giải" trong các trận chiến trước đó và không giống như ở các khu vực khác ở Syria, những kẻ này không còn "đường lùi" và Damascus cũng không có hi vọng "hòa giải" với họ.

Sự phức tạp do "biến động dân số cơ học" này cùng với viễn cảnh "tử chiến" với những kẻ "không chốn dung thân" có thể khiến Damascus và các đồng minh rơi vào tình thế "khó xử" điều một nguồn tin thân cận với chính phủ Syria từng bình luận:

"Idlib giờ đã trở thành vấn đề do chính chúng tôi tạo ra".

Tuy nhiên, Damascus không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ từ bỏ mục tiêu đã tuyên bố là giành lại "từng tấc đất Syria". Chính phủ Syria nhận thức được rằng họ có thể đạt được mục tiêu lớn hơn bằng quân sự, chính vì vậy họ không ngừng tăng cường binh lực ở Idlib.

ICG: Bất chấp đe dọa của Thổ, QĐ Syria tính đòi cả gốc lẫn lãi 9 năm nợ máu ở Idlib? - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 được Nga bàn giao cho SyAAF cuối tháng 5/2020 được cho là chủ lực của các cuộc không kích ở Idlib thời gian gần đây.

Điểm then chốt giúp Nga - Syria "bất chiến tự nhiên thành" ở Idlib?

Ngay cả khi cuộc tấn công của SAA ở Idlib đạt được những mục tiêu đáng kể về việc tái kiểm soát lãnh thổ, Damascus vẫn có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt đối với lực lượng vốn đã mỏng và yếu sau nhiều năm chiến đấu liên tục.

Tuy nhiên vẫn còn một kịch bản khả dĩ giúp họ "bất chiến tự nhiên thành" ở Idlib.

Mặc dù điều này có thể không đưa Idlib trở lại "vòng tay" của Damascus trong ngắn và trung hạn, nhưng nó sẽ giúp Moscow giải quyết được các vấn đề như bảo đảm an toàn cho các căn cứ quân sự và duy trì mối quan hệ chiến lược với Ankara.

Kịch bản này yêu cầu Moscow và Ankara thiết lập một lệnh ngừng bắn "bền vững" hơn trên cơ sở giải quyết vai trò của Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm vũ trang kiểm soát Idlib và là yếu tố "then chốt" đối với liên quan tới các thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Syria.

Các thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây liên tục vấp phải vấn đề liên quan tới HTS, do mối quan hệ với al-Qaeda đã khiến nhóm bị cộng đồng quốc tế liệt kê là khủng bố và không nằm trong các lệnh ngừng bắn.

Moscow hy vọng rằng Ankara sẽ kiềm chế, giám sát và cuối cùng loại bỏ HTS, nhưng có vẻ người Thổ đã kết luận rằng HTS quá mạnh và việc tiêu diệt chúng mà không gây ra thiệt hại nhân mạng cho TAF và một "làn sóng" người tị nạn mới đến biên giới là điều không thể.

Áp lực quân sự của SAA ở tây bắc Syria cũng là điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc việc làm suy yếu nhóm vũ trang mạnh nhất ở Idlib, tạo điều kiện cho một cuộc tấn công của Damascus.

Kể từ năm 2016, đã có những dấu hiệu cho thấy HTS đang trong quá trình "biến hình" từ một "chi nhánh" của tổ chức khủng bố quốc tế trở thành một lực lượng chống chính phủ do các tay súng Syria kiểm soát - mặc dù vẫn tiếp tục theo xu hướng Hồi giáo cứng rắn.

Nói cách khác, HTS đã từ bỏ các mục tiêu xuyên quốc gia của al-Qaeda để tập trung xây dựng một "thực thể" ở địa phương.

Mặc dù khả năng HTS tự biến mình thành một "tác nhân chính trị" - một phần của trật tự sau xung đột ở Idlib của Syria hay không vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, những dấu hiệu của "chủ nghĩa thực dụng" trong nhóm vẫn đáng để Moscow và Ankara "thử nghiệm".

Các hành động của HTS trên cao tốc M4 trong thời gian gần đây (gián tiếp bảo vệ đoàn xe tuần tra của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy rằng nhóm này có thể sẽ tham gia các thỏa thuận ngừng bắn dưới áp lực của Moscow và Ankara.

ICG: Bất chấp đe dọa của Thổ, QĐ Syria tính đòi cả gốc lẫn lãi 9 năm nợ máu ở Idlib? - Ảnh 5.

Một thành viên của HTS trước sự quan sát của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đánh đuổi "phóng viên đối lập Syria" nhằm bảo đảm an ninh cho đoàn xe tuần tra Nga - Thổ trên cao tốc M4 ở Idlib vào tháng 6/2020 (Nguồn: Twitter).

Iran có còn là "ẩn số"?

Iran là một đồng minh quan trọng khác của Damascus. Tehran đã hỗ trợ SAA bằng với các cố vấn quân sự và các tay súng dân quân Shia đến từ Lebanon, Iraq, Afghanistan và các nơi khác kể từ năm 2012.

Tuy vậy, với việc duy trì "cân bằng địa chiến lược", Iran đang cố gắng tránh công khai đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, một khu vực được cho là ít quan trọng hơn đối với họ so với những nơi khác ở Syria như Aleppo, Deir Ezzor, Homs và miền nam.

Iran đã và đang dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác để giảm thiểu những biện pháp "gây sức ép tối đa" của Mỹ.

Trong thời gian gần 1 năm diễn ra chiến sự ác liệt ở Idlib, ban đầu Tehran gần như không tham chiến trực tiếp mà chỉ cung cấp hỗ trợ về hậu cần và cố vấn quân sự cho SAA.

Các nhóm dân quân Shia được chỉ huy bởi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở rất xa tiền tuyến cho tới những tháng đầu năm 2020 khi giao tranh di chuyển vào vùng nông thôn tỉnh Aleppo, khu vực mà Iran coi là chiến lược - điều khiến Tehran quyết định tham chiến hạn chế.

Có thể khẳng định rằng tuyên bố ủng hộ Damascus giành lại Idlib của Tehran khó có thể vượt qua mục tiêu duy trì và vun đắp mối quan hệ với Ankara.

Tuy nhiên, những tính toán này có ngăn được Iran mở rộng quy mô can thiệp quân sự vào Idlib trong trường hợp giao tranh tái diễn hay không được cho là vẫn chưa rõ ràng - dù ở mức khá thấp.

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1995 nhằm thực hiện các nghiên cứu thực địa về xung đột, bạo lực trên thế giới.

ICG ủng hộ việc tư vấn các chính sách với các chính phủ, các tổ chức đa phương và các nhân tố chính trị cũng như truyền thông nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hay giải quyết xung đột.

Tay súng thành viên Hezbollah Lebanon ẩn nấp trước hỏa lực của QĐ Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc Syria tháng 2/2020. Cuộc tấn công này là nguyên nhân khiến nhóm vũ trang thân Iran tham gia tích cực trong giao tranh tại Saraqeb 1 ngày sau đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại