"Cánh đồng tên lửa": Mỹ từ bỏ, Iran lại đâm đầu vào - Hé lộ cái giá rất đắt chờ đợi Tehran

Vy Lam |

Ý tưởng "cánh đồng tên lửa" từng được Mỹ nghiên cứu từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng cuối cùng đã từ bỏ vì nhiều lý do.

Tên lửa Iran "độn thổ" diệt mục tiêu

Mô hình tàu sân bay của Iran – thứ có vẻ như đã chìm và có thể gây ra mối nguy hiểm lớn cho tàu thuyền (xem chi tiết tại đây) – chắc chắn đã thu hút mối quan tâm lớn nhất từ bên ngoài đối với cuộc tập trận quy mô lớn gần đây của họ tại eo biển Hormuz và khu vực lân cận.

Tuy nhiên, theo trang mạng The Drive, cuộc tập trận này của Iran còn cho thấy một thứ khác, có vẻ như là các bệ phóng được chôn dưới đất dành cho tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Một quan chức cấp cao của Iran gọi đó là "cánh đồng tên lửa".

Nhìn chung, mô hình này có thể giúp giảm mức độ rủi ro cho tên lửa trước các cuộc tấn công phủ đầu của đối phương, đồng thời cho phép bố trí chúng ở một vị trí cố định để sẵn sàng nhận lệnh phóng.

Đây là điều mà quân đội Mỹ thực chất đã nghiên cứu từ thời Chiến tranh Lạnh như một phương thức để bảo vệ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tiên tiến LGM-118A Peacekeeper, nhưng cuối cùng đã từ bỏ ý định này vì nhiều lý do.

Các đoạn video từ cuộc tập trận mang tên Great Prophet 14 (Tiên tri vĩ đại 14) diễn ra vào cuối tháng 7/2020 đã cho thấy vụ phóng của ít nhất 2 tên lửa từ bệ phóng được chôn dưới mặt đất.

Các chuyên gia và giới quan sát cho biết, một trong hai tên lửa này có vẻ là Fateh-110, một trong những dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn có nhiều biến thể nhất của Iran, trong đó có phiên bản chống tàu và các phiên bản trnag bị đầu dò chống bức xạ. Theo giới chức Iran, các biến thể mới nhất trong dòng tên lửa Fateh-110 có tầm bắn tối đa gần 300km.

Loại tên lửa còn lại có thể là một loại chưa từng được biết đến trước đó với kích cỡ tổng thể tương tự Fateh-110, nhưng chất lượng đoạn video khá thấp nên The Drive vẫn đặt ra khả năng đó là một biến thể khác của dòng tên lửa này.

Tên lửa đạn đạo Iran được bắn từ bệ phóng chôn dưới lòng đất

Một đoạn video khác cũng được công bố, ghi lại hình ảnh vụ phóng tên lửa từ bệ phóng trên mặt đất, có vẻ là tên lửa đạn đạo Dezful hoặc Zulfiqar của Iran. Zulfiqar được cho là có thể tấn công mục tiêu cách xa gần 700km, trong khi Dezful có tầm bắn lên tới gần 1.000km.

Cần lưu ý rằng, thuật ngữ "cánh đồng tên lửa" từng được giới quan sát bên ngoài sử dụng khi đề cập tới các cơ sở dưới lòng đất được Iran xây dựng để chế tạo, bảo dưỡng và triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung cỡ lớn.

Còn được gọi là "thành phố tên lửa", những cơ sở này được xây dựng bên trong các ngọn núi và được bố trí các lỗ hổng để kíp vận hành có thể bắn tên lửa từ bên trong một cách an toàn.

Về nguyên tắc, việc chôn các bệ phóng tên lửa ở vùng địa hình bằng phẳng hơn sẽ mang lại ý nghĩa trên nhiều phương diện. Ví dụ, nó giúp bảo vệ tên lửa bố trí tại những khu vực không có nhiều chỗ che giấu/ẩn náu trên mặt đất.

Bên cạnh đó, với phương thức này, các loại vũ khí tầm ngắn có thể được bố trí sẵn để chờ lệnh tấn công, hạn chế nguy cơ bị đối phương phát hiện như khi phải di chuyển, hoặc ít nhất là khiến đối phương có rất ít thời gian để chuẩn bị ứng phó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Cuộc tập trận Great Prophet 14 còn cho thấy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn được triển khai từ những bệ phóng gắn trên xe tải. Những bệ phóng này sẽ có nguy cơ bị đối phương phát hiện và tấn công cao hơn trong trường hợp nổ ra xung đột thực sự.

Một điểm đáng chú ý nữa là, chỉ cần tương đối ít nhân lực đảm nhận nhiệm vụ giám sát các phân khu của "cánh đồng tên lửa", boong-ke chỉ huy được đặt cách trận địa phóng một khoảng.

Đồng thời, "cánh đồng tên lửa" còn khiến đối phương phải định vị và tấn công nhiều mục tiêu hơn mới vô hiệu hóa được mối đe dọa. Ý tưởng này sẽ cung cấp một giải pháp với chi phí thấp hơn nhiều so với các silo tên lửa kiên cố truyền thống, trong khi vẫn giúp đạt được mục tiêu nêu trên.

Vì sao Mỹ từ bỏ ý tưởng "cánh đồng tên lửa"?

Quân đội Mỹ đã tích cực cân nhắc và thử nghiệm ý tưởng "cánh đồng tên lửa" trong quá trình phát triển ICBM MX trong những năm 1970 và 1980 (sau này trở thành tên lửa LGM-118A Peacekeeper).

Nhiều loại tên lửa đã được chôn xuống các hầm hào, có cả những ý tưởng mà trong đó các phương tiện phóng có (không có) người vận hành sẽ di chuyển qua lại thường xuyên trong các hầm hào này, khiến đối phương khó lòng xác định được tên lửa để tấn công.

Một khi mệnh lệnh tấn công được phát đi, các bệ phóng này sẽ xuyên thủng phần mái che của hầm hào để bắn tên lửa. Có thể quan sát qua đoạn video dưới đây (cuộc thử nghiệm trong đó sử dụng bệ phóng tĩnh để thu thập dữ liệu).

Một vụ thử nghiệm bắn ICBM từ bệ phóng đặt dưới hầm hào của Mỹ

Quân đội Mỹ đã cân nhắc một số lựa chọn mới lạ cho chương trình MX nhưng đến cuối cùng, Không quân Mỹ đã triển khai các tên lửa LGM-118A bằng silo truyền thống, bắt đầu từ năm 1986.

Rất nhiều nhân tố tiêu cực đã khiến quân đội Mỹ quyết định từ bỏ lựa chọn bố trí bệ phóng tên lửa trong hầm hào, cũng như một số ý tưởng khác về các loại silo thay thế.

Ví dụ, việc chôn bệ phóng dưới đất có thể gây khó khăn cho công tác kiểm tra và bảo dưỡng tên lửa, làm tăng nguy cơ chúng không hoạt động tốt khi cần thiết. Ngoài ra, các bệ phóng này vẫn cần được bố trí ở khoảng cách đủ gần với mặt đất để có thể triển khai tên lửa hiệu quả. Điều đó sẽ hạn chế mức độ bảo vệ thực tế mà phương án này mang lại.

Đây là một trong những lý do khiến Mỹ đề xuất bố trí các bệ phóng di động vào hệ thống hầm liên thông kéo dài để làm cho đối phương khó đoán biết được chắc chắn vị trí của tên lửa. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể dễ dẫn tới mức chi phí đắt đỏ vượt quá khả năng cho phép.

Cánh đồng tên lửa: Mỹ từ bỏ, Iran lại đâm đầu vào - Hé lộ cái giá rất đắt chờ đợi Tehran - Ảnh 3.
Cánh đồng tên lửa: Mỹ từ bỏ, Iran lại đâm đầu vào - Hé lộ cái giá rất đắt chờ đợi Tehran - Ảnh 4.

Hai ý tưởng đặt bệ phóng tên lửa trong hầm hào của Mỹ. Ảnh: The Drive

Ngoài ra, ngay từ những năm 1980, đã có những lo ngại rằng công nghệ cảm biến, hay đầu dò tên lửa của đối phương sẽ được cải tiến tới mức vẫn có thể gây ra nguy hiểm cho những tên lửa được chôn dưới đất.

Chưa hết, các vệ tinh hình ảnh thương mại đặt trong không gian được biết tới là có khả năng phát hiện những vật thể lớn được chôn dưới đất, trong khi năng lực của Mỹ ở lĩnh vực này đã tiên tiến hơn nhiều so với trước đây.

Cũng thật khó có thể tưởng tượng bằng cách nào Iran có thể chôn một lượng lớn các bệ phóng tên lửa mà không để lộ bất cứ hoạt động xây dựng nào qua mắt được các vệ tinh do thám của Mỹ.

Xét tới những vị trí mà Iran có thể bố trí các "cánh đồng tên lửa" thì chúng còn có thể bị các máy bay không người lái/có người lái do thám phát hiện.

Theo The Drive, "cánh đồng tên lửa" vẫn có thể tạo ra một tình huống phức tạp, khiến đối phương khó có thể vô hiệu hóa chúng một cách nhanh chóng trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Tuy nhiên, một khi bất cứ tên lửa nào được phóng đi thì toàn bộ trận địa phóng dưới mắt đất sẽ lộ mình, đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn. Nếu tình huống này xảy ra thì đây quả thực là một cái giá "rất đắt" cho Iran.

Các bệ phóng này cũng không thể tự di chuyển vị trí nhanh chóng như xe mang phóng tự hành di động. Hơn nữa, vị trí ẩn mình trong tình thế này cũng không cho phép chúng chống chọi được với các đợt phản công như những gì các hầm tên lửa vững chắc bên sườn núi có thể làm được.

Nhìn chung, với những bất cập nói trên, The Drive cho rằng, chúng ta vẫn cần phải chờ xem Iran quyết định theo đuổi ý tưởng này xa tới đâu, hay là cuối cùng họ sẽ từ bỏ giống như quân đội Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại