"MiG-35 là một thất bại"
Trong lúc Ấn Độ đang tìm cách tăng cường sức mạnh hỏa lực cho không quân thì MiG-35 trở thành một trong những ứng viên tiềm năng cho Không quân Ấn Độ (IAF). Tuy nhiên, trong mắt các chuyên gia phương Tây, MiG-35 chẳng khác nào một thất bại lớn.
Con đường xuất ngoại của MiG-35 đã gặp phải nhiều cản trở do những trì hoãn trong quá trình thử nghiệm, chi phí cao, và hiệu quả hoạt động kém khi so sánh với Su-27, Su-30 và MiG-29. Khi gọi MiG-35 là một thất bại, giới chuyên gia phương Tây đã thông qua đó gửi tín hiệu gián tiếp tới Ấn Độ cùng các quốc gia khác đang có ý định mua MiG-35.
MiG-35 là phiên bản xuất khẩu mới kết hợp các hệ thống hiện đại của MiG-29M2 với radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA). Nó được trang bị vector lực đẩy của bản MiG-29OVT như một phương án bổ sung.
Tập đoàn MiG lần đầu tiên đưa MiG-35 chính thức ra mắt quốc tế tại Triển lãm hàng không Aero India 2007. MiG-35 Fulcrum-F là phiên bản xuất khẩu của MiG-29M OVT (Fulcrum F).
Tiêm kích MiG-35 tại triển lãm MAKS 2017. Ảnh: Reuters
Một trong những lý do cơ bản khiến MiG-35 hiếm khi được khách hàng nước ngoài đặt mua là do những trì hoãn trong quá trình thử nghiệm. Mặc dù MiG-35 bước vào giai đoạn phát triển trong năm 2014 nhờ có ngân sách quốc phòng, nhưng cho tới nay mẫu máy bay này vẫn đang trải qua chiến dịch bay thử nghiệm cấp quốc gia.
Nga hy vọng rằng công tác thử nghiệm sẽ hoàn tất vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 nhưng những mốc thời gian này đã trôi qua, và vẫn chưa thấy Nga ấn định thời hạn mới sang năm 2021.
Theo chuyên gia quốc phòng và hàng không Thomas Newdick (Đức), ngày càng có nhiều câu hỏi về nhu cầu đối với một mẫu chiến đấu cơ như MiG-35. Thay vì lựa chọn "thay máu" các tiêm kích Fulcrum đời cũ bằng MiG-35, nhiều phía quyết định chuyển luôn sang tiêm kích "hạng nặng" Su-30SM Flanker.
Bên cạnh đó, khi xét tới vấn đề giá cả thì sự khác biệt giữa các sản phẩm "hạng nhẹ" của MiG với "hạng nặng" của Sukhoi có thể trở nên rõ rệt hơn. Mức giá của một chiếc MiG-29 phiên bản tiêu chuẩn đã bằng 80% mức giá của một chiếc Su-27 Flanker. Trong khi đó, MiG-35 tiên tiến hơn nhiều so với MiG-29.
Mặc dù có những vấn đề riêng và không mang lại sự bổ sung đáng kể cho IAF nhưng MiG-35 vẫn là một mẫu máy bay chiến đấu tương đối mạnh.
Nó được trang bị hệ thống phòng vệ hiện đại, trong đó thiết bị tiếp nhận cảnh báo radar được kết hợp với hệ thống cảnh bảo tên lửa tiếp cận (6 cảm biến tử ngoại đảm bảo góc quét 360 độ) và 2 thiết bị cảnh báo laser ở mấu cánh. Hệ thống phòng vệ này còn có thể được tăng cường với pod gây nhiễu radar treo ngoài.
MiG-35 mang theo những vũ khí thế hệ mới nhất, trong đó có các tên lửa không-đối-không, không-đối-đất như tên lửa không-đối-không RVV-SD, phiên bản cải tiến của R-77, với đầu dò radar chủ động để tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn, hay tên lửa không-đối-đất Kh-38 và Kh-36 Grom-1.
MiG-35 trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại nhưng vẫn không được nhiều khách hàng nước ngoài nhắm tới. Ảnh: Russian Aircraft Corporation
Không có khách mua
Trong khi hầu hết các mẫu máy bay chiến đấu của Nga đều tìm được khách hàng một cách dễ dàng, thì MiG-35 lại gặp rất nhiều trắc trở trên con đường xuất ngoại, mặc dù Tổng thống Putin từng tự tin tuyên bố rằng đây sẽ là mẫu máy bay có tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
"Chiếc máy bay này có sẵn những lợi thế dành cho xuất khẩu. Tôi lưu ý rằng, đàn anh của nó, tiêm kích MiG-29 hiện đang có mặt trong biên chế của không quân hơn 30 quốc gia", Tổng thống Putin nói trong buổi cầu truyền hình với Tập đoàn chế tạo máy bay MiG nhân sự kiện MiG-35 bắt đầu tiến hành bay thử nghiệm.
Thậm chí, Không quân Nga còn do dự có nên đưa MiG-35 vào trang bị của họ.
"Gần 4 năm sau chuyến bay đầu tiên của MiG-35, không có dấu hiệu nào về đơn đặt hàng quy mô lớn dự kiến cho chiếc tiêm kích đa năng này từ Bộ Quốc phòng Nga. Chiếc tiêm kích mà nhà sản xuất mô tả là thuộc thế hệ 4++ chỉ được mua với số lượng 6 chiếc, trong khi họ hy vọng vào cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt hàng 30 máy bay MiG-35.
Thay vì đổi các tiêm kích lỗi thời để lấy những chiếc MiG-35 hạng nhẹ mới, một số phi đội đã chuyển sang loại ‘nặng ký’ hơn, chẳng hạn như Su-30SM và Su-35 từ tập đoàn Sukhoi", trang Voennoye Obozreniye thông báo.
Theo các chuyên gia, MiG-35 không thu hút khách hàng vì các mẫu máy bay chiến đấu khác của Nga đều thể hiện quá tốt. Các tiêm kích như Su-27, Su-30, MiG-29 và MiG-21 đều cho thấy được sự linh hoạt, đáng tin cậy và đã trở thành trụ cột của nhiều lực lượng không quân nước ngoài.
Ví dụ, tháng 2/2017, có thông tin Armenia đã quyết định thay thế MiG-29 bằng MiG-35. Tuy nhiên sau đó không có hợp đồng nào được ký kết. Tình huống tương tự diễn ra với Ai Cập. Cairo định mua MiG-35 nhưng sau đó đã đổi ý. Họ lựa chọn hai mẫu MiG-29 và Su-35 thay thế.
Trong gói thầu máy bay chiến đấu đa nhiệm (MRCA) của Ấn Độ, MiG-35 trở thành đối thủ cạnh tranh với Eurofighter Typhoon, Boeing F/A-18E/F Super Hornet, Dassault Rafale, Saab JAS 39 Gripen và General Dynamics F-16 Fighting Falcon.
Thế nhưng, trong cuộc cạnh tranh này, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tỏ ra không hài lòng khi MiG-35 phát sinh vấn đề với hệ thống điện tử hàng không, radar của nó không thể đạt được phạm vi quét mục tiêu tối đa trong các cuộc thử nghiệm.
Bên cạnh đó, động cơ RD-33MK không cho thấy lực đẩy đủ mạnh. Kết quả là, MiG-35 đã bị loại khỏi cuộc đấu từ tháng 4/2011.
Giờ đây, MiG-35 lại một lần nữa tiếp tục cạnh tranh với 6 mẫu máy bay khác trong gói thầu nhanh được truyền thông Ấn Độ gọi là MMRCA 2.0 nhằm cung cấp 114 chiến đấu cơ đa nhiệm cho IAF.
Không thể phủ nhận MiG-35 là một chiến đấu cơ có khả năng, nhưng triển vọng của mẫu Fulcrum thế hệ mới này dường như khá mong manh. Trước uy thế được giữ vững của dòng Flanker, và sự xuất hiện của các tiêm kích thế hệ mới Su-57, sẽ ngày càng khó khăn để MiG-35 có thể giành được một đơn hàng lớn nào đó.