Trong một bài phân tích mới đây trên tờ Topcor có tựa đề "Что получат американцы, выкупив у турок российские ЗРК С-400?" tạm dịch "Người Mỹ sẽ nhận được gì khi mua hệ thống phòng không S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ?", chuyên gia quân sự người Nga Sergey Marzhetsky đã có những nhận định bất ngờ về thương vụ tên lửa S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cần S-400 nhưng cũng muốn F-35
Theo chuyên gia Sergey Marzhetsk nhận định, dựa vào những tuyên bố của Ankara gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể âm thầm bán các thành phần chiến đấu thuộc hệ thống phòng không S-400 Triumf mua từ Nga cho Mỹ. Đổi lại, người Thổ sẽ được quay lại chương trình phát triển F-35 Lightning II. Trong trường hợp này liệu các bí mật của S-400 có rơi vào tay người Mỹ?
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số những nước tham gia vào chương trình F-35 ngay từ giai đoạn đầu, do đó việc Ankara quay trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu của F-35 cũng là điều người Mỹ mong muốn bởi họ thiệt hại không ít sau sự ra đi của người Thổ.
Tuy nhiên, Washington phải vượt qua được rào cản pháp lý liên quan đạo luật CAATSA sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga.
Bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng giành sự quan tâm đặc biệt tới chương trình F-35 và kế hoạch mua sắm tiêm kích tàng hình cho lực lượng không quân nước này.
Sau khi bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35, kế hoạch trang bị tiêm kích tàng hình của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị tạm hoãn vô thời hạn. Mặc dù Ankara quyết tâm thay thế F-35 bằng việc phát triển một mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 nội địa thế nhưng chương trình này bị đánh giá không khả quan.
Một thành phần chiến đấu của hệ thống phòng không S-400 được Nga chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Cũng theo Sergey Marzhetsk, chỉ cần Ankara trao cho Mỹ các công nghệ bí mật trên S-400, mọi rắc rối trên sẽ được gỡ bỏ, cả hai đều sẽ vui vẻ khi có được thứ mà họ muốn.
Cũng cần phải nói thêm rằng, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ cần tới các loại vũ khí mạnh mẽ như S-400 hay F-35 cốt yếu cũng chỉ để giúp Ankara đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mở rộng ảnh hưởng của họ ra Địa Trung Hải thông qua hai cuộc chiến ở Syria và Libya cũng tạo thêm cho Ankara nhiều kẻ thù mới. Điển hình như cuộc đối đầu giữa nước này với Hy Lạp trong tranh chấp lãnh thổ hay với Ai Cập ở Libya
S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ không mạnh bằng bản gốc?
Như đã nói ở trên, lợi thế về mặt quân sự là cách duy nhất giúp Ankara đối phó với những thách thức kể trên, điều này có thể đạt được thông qua việc trang bị các loại vũ khí hiện đại có khả năng răn đe kẻ thù như hệ thống phòng không S-400 hay tiêm kích tàng hình F-35.
Tuy nhiên, việc mua S-400 của Nga lại trở thành rào cản khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể có được số tiêm kích tàng hình mà họ muốn, đồng thời cũng bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35. Việc hai quốc gia thành viên chủ chốt của NATO chống lại nhau rõ ràng không có lợi cho liên minh quân sự này. Do đó đã xuất hiện một số đề xuất để giúp hai bên xóa bỏ những bất đồng hiện tại.
Theo Jim Townsend, một cựu quân chức chính sách NATO tại Lầu Năm Góc nhận định:
"Việc Mỹ mua S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ là một cách thông minh để Ankara thoát khỏi mớ rắc rối mà họ tự chuốc vào mình. Và điều này cũng cho phép người Thổ có được thứ vũ khí (F-35) mà họ muốn."
Người Nga có thể đã lường trước được việc Thổ Nhĩ Kỳ trao S-400 cho Mỹ. Ảnh: TASS.
Dù vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ sẽ vi phạm các điều khoản hợp đồng mà Ankara đã cam kết khi mua hệ thống phòng không này từ Nga. Để giải quyết vấn đề này người Thổ có thể sẽ tìm cách lách luật bằng việc trao một phần nhỏ hay cho phép Mỹ nghiên cứu hệ thống phòng không này.
Cách trên giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết được rắc rối với phía Mỹ, mặt khác vẫn giữ được các thành phần chiến đấu chính tạo nên sức mạnh của S-400.
Cũng theo chuyên gia quân sự Sergey Marzhetsky, ở các phiên bản S-400 giành cho xuất khẩu các tính năng kỹ chiến thuật của chúng chắc chắn sẽ không giống như các hệ thống đang được Quân đội Nga sử dụng. Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, các hệ thống S-400 của họ có tầm tác chiến từ 150-160km thay vì 400km, trang thiết bị điện tử cũng bị lược bỏ.
Mặt khác, với một hệ thống phòng không tối tân như S-400 việc cố gắng can thiệp vào hệ thống phần cứng của nó không theo đúng quy trình có thể khiến nó trở thành một đống sắt vụn. Nói cách khác người Mỹ sẽ không có được một hệ thống S-400 hoàn hảo nếu không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia Nga.
Điều này, có thể thấy rõ qua cách người Mỹ tiếp cận với các hệ thống phòng không tầm xa S-300 mà họ mua được từ một số quốc gia sau khi Liên Xô tan rã.
Tựu chung lại, Nga có thể sẽ phản ứng mạnh khi Thổ Nhĩ Kỳ trao cho Mỹ các công nghệ của S-400 nhưng Moscow sẽ không bận tâm quá nhiều về điều này, bởi người Mỹ chẳng thể sao chép được S-400 hay nắm giữ các công nghệ cốt lõi tạo nên hệ thống phòng không này từ những thứ họ có được từ tay người Thổ.