Libya bị biến thành “phòng thí nghiệm” tác chiến trên không như thế nào?

Tú Anh |

Cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Libya hiện nay đã biến không phận quốc gia Bắc Phi này thành địa bàn lý tưởng để các nước tiến hành thử nghiệm khả năng tác chiến trên không của mình.

Một loạt phương tiện chiến đấu trên không đã xuất hiện ở đây, từ máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, MiG 29 và Sukhoi 24 của Nga cho tới chiến đấu cơ Mirage 2000 của UAE.

Đó là chưa kể tới các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ và Rafale của Ai Cập đang “xếp hàng” chờ cất cánh.

Cuộc xung đột ở Libya bắt đầu leo thang từ tháng 4/2019 khi tướng Khalifa Haftar phát động chiến dịch đánh chiếm thủ đô Tripoli.

Được sự ủng hộ của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Nga và Pháp, tướng Haftar tự tin sẽ giành thắng lợi trước Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Qatar hậu thuẫn.

Vào tháng 4 năm ngoái, các máy bay không người lái Wing Loong II của Trung Quốc do UAE vận hành đã ném bom nhiều mục tiêu ở Tripoli. Điều này cho thấy UAV Trung Quốc đang rất “nở rộ” ở Trung Đông trong thời gian gần đây.

Bắc Kinh đã rất nhanh nhạy trong việc bán các máy bay không người lái sang Trung Đông cho Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Iraq. Trước việc Mỹ bị bạn chế bán loại vũ khí này cho khu vực, Trung Quốc đã nhanh chóng nhìn thấy khoảng trống này trên thị trường.

Libya bị biến thành “phòng thí nghiệm” tác chiến trên không như thế nào? - Ảnh 1.

UAV TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Gecitkale. Ảnh: AFP

Với Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 5/2019, Ankara đã triển khai UAV TB2 vào tham chiến, tấn công lực lượng của tướng Haftar, đánh bật các hệ thống phòng không Pantsir của Nga nhằm chấm dứt tham vọng chiếm Tripoli của Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Ankara đã làm chủ được việc thiết kế và sản xuất UAV và có khả năng đã sử dụng Libya như một phòng thí nghiệm để thử nghiệm và điều chỉnh các khả năng tác chiến.

Những hệ thống UAV của Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã chứng minh được khả năng chiến đấu tại Libya khi phá hủy thành công nhiều tổ hợp Pantsir do Nga chế tạo.

Trong khi đó, các máy bay Mirage 2000-9 của UAE xuất kích từ một căn cứ không quân ở Ai Cập được cho là cũng đã hỗ trợ tướng Haftar kể từ tháng 6/2019.

Căn cứ không quân Misrata, nơi đặt các máy bay không người lái TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị đánh bom nhiều lần bằng UAV và máy bay chiến đấu phản lực của UAE vào năm ngoái cho đến khi Ankara đưa các hệ thống phòng không Korkut và MIM-23 Hawk tới tiếp ứng.

Libya bị biến thành “phòng thí nghiệm” tác chiến trên không như thế nào? - Ảnh 2.

Su-24 Nga trong bức ảnh được Bộ Tư lệnh châu Phi của Quân đội Mỹ công bố. Ảnh: BQP Mỹ

Cuối tháng 5/2020, Bộ Tư lệnh châu Phi của Quân đội Mỹ từng công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay quân sự Nga cũng đã đến Libya để hỗ trợ cho tướng Haftar.

Ít nhất 14 máy bay MiG-29 và một số máy bay Su-24 đã bay từ Nga đến Syria, tại đây chúng được sơn lại để xóa nguồn gốc xuất xứ rồi tiếp tục được triển khai sang Libya.

Số máy bay này được cho là để hỗ trợ lực lượng lính đánh thuê thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner Group của Nga mặc dù Moscow luôn phủ nhận sự dính líu của mình.

Mùa hè này, cuộc xung đột ở Libya giảm nhịp do các lực lượng của tướng Haftar đã rút lui khỏi Tripoli và củng cố sức mạnh chuẩn bị cho trận chiến ở thành phố duyên hải Sirte, địa bàn chủ chốt kiểm soát thương mại dầu mỏ của Libya.

Căn cứ không quân Al-Watiya hiện nay đang được sửa chữa và sẽ sớm đi vào hoạt động sau vụ không kích hồi tháng 7/2020. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang cân nhắc triển khai thêm các máy bay chiến đấu F-16 của họ tới đây.

Màn trình diễn MiG-29 ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại