QĐ Thổ bị "làm nhục" ở Libya: Lật mặt kẻ tung cú tát trời giáng khiến Ankara tối mặt?

Hoài Giang |

Căn cứ vào một nguồn tin đáng tin cậy ở Libya, The Arab Weekly cho biết rằng có thể Nga đã "vô tội" và không quân của 2 quốc gia khác đã tiến hành vụ tập kích căn cứ al-Watiya.

Mới đây, tờ The Arab Weekly đăng tải bài viết nhan đề "Rafale attacks on Turkish targets in al-Watiya airbase: Egyptian or French?" (tạm dịch: Tiêm kích Rafale của Ai Cập hay Pháp đã tập kích các mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ ở căn cứ al-Watiya?) của nhà phân tích Jemai Guesmi.

Nhằm đem lại cho độc giả một phân tích tương đối khách quan (Jemai Guesmi là nhà phân tích người Tunisia) liên quan tới vụ tập kích căn cứ không quân al-Watiya ở miền tây Libya hôm 5/7, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Tiêm kích Rafale đã thực hiện vụ tập kích căn cứ al-Watiya?

Ngày 6/7/2020, các nguồn tin của The Arab Weekly tiết lộ rằng cuộc tập kích vào Căn cứ không quân al-Watiya ở miền tây Libya được các tiêm kích Rafale tiến hành.

Nếu thông tin này là chính xác, danh sách những "kẻ tình nghi" đã được rút gọn lại 2 đối tượng là Pháp và Ai Cập, những quốc gia có đủ khả năng tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực và sở hữu loại tiêm kích nói trên.

Các nguồn tin bổ sung thêm rằng cuộc tấn công là một phản ứng tức thời trước chuyến thăm Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) tại Tripoli của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, hành động phản ánh "quyết tâm" của Ankara đối với việc kiểm soát tây Libya.

Đối với cả Cairo lẫn Paris, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya là vấn đề "rất đáng lo ngại", và là nguyên nhân của các căng thẳng giữa 2 nước với Ankara.

Cairo đã đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Libya nếu dân quân GNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cố gắng tiến về phía thành phố cảng Sirte, trong khi Paris mô tả các động thái đe dọa tàu chiến Pháp bằng radar dẫn bắn của khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ là "không thể chấp nhận được".

Nhưng những gì đã diễn ra tại căn cứ không quân al-Watiya cho thấy các "lằn ranh đỏ" trên không phận Libya hoàn toàn khác với "lằn ranh đỏ" trên đất liền (Sirte và căn cứ al-Jufra) do Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi miêu tả.

Rõ ràng việc các tiêm kích F-16 và các máy bay không người lái tấn công (UCAV) Thổ Nhĩ Kỳ trú đóng tại al-Watiya có thể đe dọa bất kỳ lực lượng quân sự nào được triển khai ở Sirte, căn cứ al-Jufra và miền đông Libya.

Một cuộc "không chiến giả" giữa F16 Hy Lạp và F-16 Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Agean vào năm 2019.

Pháp hay Ai Cập là "thủ phạm"?

Trong bối cảnh GNA tuyên bố rằng không quân nước ngoài đã thực hiện vụ tấn công, các trang tin tức của Ai Cập đã công bố những bức ảnh chưa được chỉnh sửa về các tổ hợp radar và tên lửa của hệ thống phòng không MIM-23 Hawk được cho là mục tiêu bị phá hủy ở al-Watiya.

Sau các cuộc pháo kích và không kích của Thổ Nhĩ Kỳ, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã rút khỏi căn cứ al-Watiya và "nhường" lại quyền kiểm soát cho GNA vào cuối tháng 5/2020.

Kể từ đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ kế hoạch chuyển đổi nơi này thành căn cứ "viễn chinh" của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF), một viễn cảnh mà Pháp cực lực phản đối.

Theo một số nguồn tin, Paris đã đề nghị chuyển đổi al-Watiya thành căn cứ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mặc dù truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã phủ nhận về thương vong trong vụ tập kích, các nguồn tin Libya cho biết một số binh sĩ TAF đã được chuyển đến bệnh viện ở thị trấn al-Jamil, gần căn cứ.

Một cựu sĩ quan quân đội Libya sống ở khu vực Zintan tiết lộ thêm với The Arab Weekly rằng ngoài các hệ thống MIM-23 Hawk, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai tiêm kích F-16, UCAV Bayraktar TB2 và Anka-S tại al-Watiya.

Cựu sĩ quan nói trên cũng tiết lộ thêm rằng 9 tên lửa đã được khai hỏa vào khu vực al-Nadab trong căn cứ al-Watiya, nơi TAF đã củng cố để trở thành chỉ huy sở từ tháng 5.

Ngoài ra, các hệ thống phòng không Sungur, các radar cố định và di động cùng hệ thống tác chiến điện tử Koral cũng đã trở thành mục tiêu.

Trước đó vài ngày, người dân ở duyên hải phía tây Libya đã ghi lại các đoạn phim cho thấy một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ chở trang thiết bị phòng không hướng về căn cứ nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 140 km về hướng tây nam.

Vị sĩ quan Libya mô tả cuộc tập kích vào căn cứ Al-Watiya là “qualitative air operation” (tạm dịch: hoạt động đường không mẫu mực).

Tiêm kích Rafale của Pháp cất và hạ cánh từ Tàu sân bay Charles de Gaulle vào năm 2019.

Tập kích al-Watiya là "đòn đau nhớ đời" cho Ankara?

Có vẻ như chính Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành khiêu khích trước ở Libya. Cuộc tập kích al-Watiya diễn ra chỉ 2 ngày sau chuyến thăm Tripoli và Misrata của Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar và Tham mưu trưởng Yasar Gular.

Chuyến thăm bao gồm việc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và các phòng chỉ huy hành quân của TAF ở hai thành phố Libya.

Phát biểu trước những người lính Thổ, ông Akar nói rằng "trong lúc giấc mơ kiểm soát toàn bộ Libya của Tướng Haftar (tư lệnh LNA) sắp đạt được, những đóng góp của các bạn (binh lính Thổ) đã thay đổi cán cân quyền lực (ở Libya) và chấm dứt nó.

Không chỉ truyền thông, các chính trị gia, giới chức quân sự và cộng đồng quốc tế đều nói rằng người Thổ Nhĩ Kỳ đã đến đây và thay đổi số phận của nơi này khỏi Haftar".

QĐ Thổ bị làm nhục ở Libya: Lật mặt kẻ tung cú tát trời giáng khiến Ankara tối mặt? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.

Ngay sau đó, Tướng Khalifa Haftar đã "trả lời" Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tới một số căn cứ tại thành phố Benghazi, bao gồm cả trại huấn luyện Garyounis, nơi tập trung hơn 1.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ LNA.

Theo các nhà phân tích, GNA đã không đưa ra "phản ứng khác thường" về quân sự trước cuộc tập kích và có vẻ như đây là "một khúc dạo đầu" cho những thay đổi chính trị đang diễn ra.

Có thể tạm thời chấp nhận giả thuyết rằng cuộc tập kích ở al-Watiya đã mở ra cánh cửa mới để ngăn chặn sự bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Rõ ràng Ankara đã phải thu hẹp nỗ lực nói trên do các áp lực trong khu vực và quốc tế.

Ông Ibrahim al-Darsi, thành viên Chính phủ Tobruk ở miền đông Libya (LNA là cánh vũ trang) bình luận với The Arab Weekly rằng: "vụ tập kích là một thông điệp rõ ràng và là một "cú tát" mạnh mẽ và đau đớn vào tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh ở Libya".

Ông al-Darsi bổ sung: "Cuộc tập kích này xác nhận (với Thổ Nhĩ Kỳ) rằng "đấu trường" Libya không trống rỗng và có những lực lượng có năng lực tấn công mạnh mẽ có thể ra tay bất kỳ lúc nào.

Đây là lời cảnh báo trực tiếp tới (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) Erdogan, nhắc nhở ông ta về những "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua, đặc biệt là sau sự gia tăng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, các tin tức về nỗ lực tấn công vào thành phố Sirte và căn cứ quân sự al-Jufra".

Cảnh quay vụ tập kích căn cứ al-Watiya, Libya hôm 5/7 được tờ báo Arab al-Hadath công bố (Nguồn: al-Hadath /al-Arabiya).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại