Báo Trung Quốc khiêu khích: Nếu "động thủ", Ấn Độ sẽ nhục nhã hơn cả trận chiến năm 1962

Tất Đạt |

Tình hình biên giới giữa Ấn Độ - Trung Quốc đang nóng hơn bao giờ hết sau vụ xô xát gây ra thương vong nghiêm trọng cho binh sĩ từ cả hai nước.

Mâu thuẫn dâng cao

Sau vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan, làn sóng phản đối và bài trừ Trung Quốc đã nổ ra mạnh mẽ tại Ấn Độ trong khi một số chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng New Delhi cần hạ nhiệt phong trào này để tránh những mâu thuẫn lớn hơn trong tương lai.

Mới đây, tờ Hoàn Cầu tuyên bố Ấn Độ sẽ "nhục nhã hơn" cuộc giao tranh biên giới năm 1962 với Trung Quốc nếu nước này không thể kiểm soát được làn sóng bài Trung Quốc ở trong nước hoặc có những cuộc đụng độ vũ trang mới với quốc gia này.

Ngày 19/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói chính phủ đã trao cho lực lượng vũ trang toàn quyền thực hiện bất kì hành động nào cần thiết. Ngoài ra, ông Modi cũng nhắc tới vụ xô xát đã khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng và hơn 70 lính Trung Quốc bị thương ở đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu thung lũng Galwan.

"Không ai bước qua biên giới Ấn Độ, và các vị trí của chúng ta cũng không bị ai chiếm giữ," ông Modi nói.

Báo Trung Quốc khiêu khích: Nếu động thủ, Ấn Độ sẽ nhục nhã hơn cả trận chiến năm 1962 - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Modi đang cố làm dịu sự giận dữ của người dân bởi hậu quả của một cuộc đụng độ toàn diện Ấn Độ - Trung Quốc sẽ là rất lớn.

Lin Minwang, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói tuyên bố của ông Modi đã giúp làm giảm nhiều căng thẳng đối với những người Ấn Độ có tâm lí cáo buộc và bài trừ Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Wei Dongxu cho rằng ông Modi đang muốn thể hiện sức mạnh của quân đội Ấn Độ và gia tăng tinh thần của lực lượng binh sĩ tại các khu vực biên giới.

Ông Wei cũng nhận định cho dù ông Modi đã "trao toàn quyền hành động" cho quân đội, ông vẫn không thực sự muốn hai quốc gia giao tranh vũ trang bởi Trung Quốc không chỉ có năng lực quân sự lớn mà còn có những ảnh hưởng mang tính toàn cầu khiến Ấn Độ phải e ngại.

Ông Lin đánh giá: "Khi Ấn Độ có mâu thuẫn với Pakistan hoặc các nước láng giềng khác, làn sóng phản đối trong nước có thể buộc New Delhi có những động thái thực sự, nhưng với Trung Quốc, đó lại là câu chuyện khác bởi Ấn Độ hiểu Trung Quốc có sức mạnh như thế nào".

Bất lợi của Ấn Độ

Hiện tại, Ấn Độ đang phải đối phó với những vấn đề kinh tế và y tế lớn giữa bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Do đó, việc giao tranh với các nước láng giềng sẽ không mang lại lợi ích gì cho Ấn Độ, trong khi những yếu tố tiêu cực khác sẽ khiến nước này chịu thêm hàng loạt những thiệt hại.

Đổi lại, Trung Quốc cũng đang kiềm chế để tránh mọi cuộc đụng độ mới, tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ không tấn công đáp trả. Một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng, nếu chiến tranh Trung - Ấn xảy ra, có khả năng lịch sử sẽ lặp lại như năm 1962 và Ấn Độ sẽ là bên chịu nhiều thiệt hại hơn.

Ông Lin cho rằng hiện Trung Quốc không ưu tiên tập trung quân đội ở miền Tây, mà đang dồn sức mạnh ở các khu vực khác như Đài Loan. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn nổ ra, Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế của ngành vận tải và quân sự để thực hiện các chiến lược phức tạp nhằm đạt được lợi thế trước Ấn Độ ở chiến trường.

"Đó là lí do tại sao Ấn Độ chưa từng tấn công toàn diện nhằm vào PLA trong nhiều thế kỉ qua, mà chỉ dừng lại ở các cuộc căng thẳng quy mô thấp," ông Lin nói.

Ngày 20/6, nhà kinh tế học Ấn Độ Swaminathan Aiyar cho rằng mức chênh lệch quân sự và kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện tại lớn gấp 5 lần so với hồi năm 1962. Do đó, tờ Hoàn Cầu cho rằng nếu chiến tranh nổ ra, New Delhi sẽ "nhục nhã gấp 5 lần" so vơi trận chiến nhiều thập kỉ trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại