Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phản đối cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc bổ sung quy định ngừng cấp điện, nước là "giải pháp không cần thiết" và quy định này cho đến cùng cũng chỉ xử lý về kinh tế.

Sáng 10/6, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, liên quan đến quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, cần lấy kinh nghiệm từ Nghị định 100 của Chính phủ khi ban hành đã tạo đột phá rất lớn.

"Nghị định 100 người dân rất ủng hộ, do đó, với quy định trong dự án Luật này về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực nên đưa ra các mức hình phạt thật cao để có thể răn đe toàn xã hội", ông Thể nói.

Ông cũng chỉ rõ, những người vi phạm sẽ đắn đo rất nhiều bởi bị phạt mức rất cao, dẫn đến ảnh hưởng lớn, thậm chí phá sản và nếu tiếp tục vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Cũng theo ông Thể, trong dự thảo luật đã đề xuất một số hình phạt, cụ thể, có đề xuất ngừng cung cấp điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm".

Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT cho rằng, việc bổ sung quy định ngừng cấp điện, nước là "giải pháp không cần thiết" và quy định này cho đến cùng cũng chỉ xử lý về kinh tế.

"Ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân cũng bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng ngàn công nhân mà dừng cung cấp điện, nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này, tác động rất ghê gớm, lâu dài.

Chúng ta nói sẽ xử lý ở vị trí cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nói nhẹ nhàng nhưng hậu quả phía sau có thể rất lớn. Tôi đề nghị hình thức bổ sung nếu vi phạm có thể phạt tăng gấp 10 - 50 lần mức vi phạm hiện nay để răn đe", ông Thể kiến nghị.

Tư lệnh ngành GTVT phân tích, với việc tăng mức phạt lên cao cũng là phạt bổ sung nhưng đánh thẳng vào kinh tế của tổ chức, cá nhân vi phạm và không gây ảnh hưởng đến xã hội.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động cưỡng chế hành chính cụ thể mang tính chất quyền lực nhà nước phát sinh khi có vi phạm hành chính.

Trong khi đó điện nước là tài sản trao đổi giữa nhà cung cấp và cá nhân, tổ chức, cơ quan, được xác lập bằng hợp đồng dân sự chi tiết. Nếu bên mua vi phạm thì bên bán có quyền ngưng cung cấp, còn bên cung cấp vi phạm chất lượng, mức giá thì bên mua có thể nhờ cấp cao hơn xử phạt.

"Quy định cắt điện, nước khi cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính sẽ buộc các công ty vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ các bên liên quan. Hơn nữa, điện nước là điều kiện cần, không nên làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân", bà Mẫn nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng lưu ý, khi cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính "phải linh hoạt, tuỳ trường hợp cụ thể để cân nhắc coi đây là biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phản đối cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính - Ảnh 2.

ĐB Trương Trọng Nghĩa.

Theo ông Nghĩa, vi phạm hành chính là gây thiệt hại cho xã hội, xâm phạm quyền lợi của người khác, nên cơ quan nhà nước phải đứng ra can thiệp. Vì vậy, các biện pháp để xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo có hiệu lực.

"Nhiều trường hợp hoàn toàn có thể cắt điện, nước được như xử phạt cá nhân, tổ chức xây nhà trái phép trên núi, trong rừng.

Nhưng với các khu dân cư, hộ sản xuất bánh mỳ, nước đá... địa phương phải cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng. Hoặc trong gia đình, chỉ vì người chồng vi phạm mà cắt điện, nước thì vợ con họ sống, học hành, làm việc sao được", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại