Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành

Hoàng Đan |

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, ACV đã có khoảng 25.000 tỷ đồng để tập trung cho dự án sân bay quốc tế Long Thành và khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc nào khác.

Hiện tình hình tài chính của ACV tương đối tốt

Sáng nay (12/11), sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giải trình một số vấn đề liên quan.

Về hiệu quả đầu tư, theo Bộ trưởng Thể, "không có một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2".

Lý giải việc này, ông Thể cho rằng, khi chúng ta hoàn thành dự án này sẽ có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách từ 20 - 25 triệu hành khách/năm.

Ông dẫn chứng, đối với một số sân bay như Vân Đồn hay Cần Thơ, khoảng 10 năm mới được 1 triệu hành khách/năm.

Đồng thời, ở các sân bay toàn bộ hạ tầng đầu tư được khai thác rất hạn chế, nhưng riêng sân bay Long Thành, giai đoạn 1 vừa xong đã đảm bảo được 20 - 25 triệu hành khách và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam Bộ tới 85 triệu hành khách/năm. Tổng công suất ở thời điểm đó, của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu hành khách/năm.

"Chính vì thế, đánh giá của tư vấn về hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện nay, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thuê một tư vấn nước ngoài để thẩm tra một cách độc lập", ông Thể nói.

Liên quan đến năng lực của Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị được dự định giao đầu tư dự án này), theo Bộ trưởng Thể, hiện nay ACV đã có khoảng 25.000 tỷ đồng để tập trung cho dự án sân bay quốc tế Long Thành và khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc nào khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Mô hình dự án sân bay Long Thành.

"Hiện tình hình tài chính của ACV tương đối tốt, mặc dù quản lý 21 sân bay và trong đó, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế ACV có một khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bộ cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã báo cáo với Chính phủ, kế hoạch từ đây cho đến năm 2025, ACV sẽ bỏ ra khoảng gần 30.000 tỷ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 12.000 tỷ đồng cùng với 25.000 tỷ đồng để có được một nguồn vốn chiếm khoảng 37%.

Phần vốn còn lại, ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức, trong đó có trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD và không thế chấp vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao...", Bộ trưởng Thể nêu rõ và cho hay, sẽ tham mưu với Chính phủ, cố gắng huy động các nguồn lực trong nước sau đó mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.

Công nghệ thiết kế sân bay Long Thành được áp dụng hiện đại nhất

Về công nghệ và mỹ quan của dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, hiện nay thiết kế sân bay Long Thành giai đoạn 1 được áp dụng công nghệ hiện đại nhất. Về mỹ quan cũng đã tuyển chọn mẫu kiến trúc nhà ga và tất cả những công nghệ hiện đại nhất hiện nay, do đó kinh phí cũng tương đối cao.

"Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ xem xét, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh thêm những công nghệ mới tốt hơn sẽ báo cáo Chính phủ để cập nhật, để đến khi sân bay vận hành giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 thì những thiết bị đó phải là hiện đại nhất ở thời điểm đó", ông nói thêm.

Liên quan đến giao thông kết nối, Bộ trưởng Thể cho hay, đã lên kế hoạch năm 2021-2025 để mở rộng trên đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh ra Long Thành và cũng đề nghị làm đường sắt kết nối sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh...

Đối với vấn đề về tiến độ, chất lượng, ông Thể khẳng định cam kết sẽ cố gắng tối đa, làm việc với ACV có cơ chế để có thể thuê các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chất lượng các công trình tốt nhất.

Về tiến độ, ông Thể nói sẽ báo cáo Chính phủ để cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2021.

"ACV vận động hành lang rất tốt"

Trước đó, góp ý cho dự án này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lo ngại, theo báo cáo giải trình, ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn hơn 2,6 tỉ USD phải đi huy động.

"ACV là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 95% vốn, nếu có rủi ro gì Nhà nước vẫn phải gánh chứ không thế nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì", ĐB Cường lo ngại.

Bên cạnh đó, ông nói Chính phủ cho rằng chỉ ACV có kinh nghiệm, năng lực nhưng cũng không ai khẳng định được khối tư nhân không có năng lực, không thể làm được.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có kinh nghiệm, nhưng trên thực tế, khi đầu tư các dự án lại khá chất lượng, hiệu quả, hoàn thành trong thời gian rất ngắn.

"Như sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm được lựa chọn là 1 trong 6 sân bay mới đưa vào khai thác tốt nhất", đại biểu Cường nêu.

Ngay sau ý kiến của ĐB Cường, đĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: "Một số đại biểu đặt ra câu hỏi SunGroup làm được sân bay Vân Đồn, tại sao ACV không làm được, vì ACV có tiềm lực, có kinh nghiệm và có sự chỉ đạo, có nguồn lực …?", ông Hồng bày tỏ.

ĐBQH này cho rằng, thời gian qua "phải nói ACV làm rất tốt công tác chuẩn bị, truyền thông rất tốt, vận động hành lang rất tốt.. Nhưng sự yên tâm trong các quy định và thực hiện qua ACV như thế nào thì Quốc hội cũng phải có sự giám sát và có sự đánh giá của các cơ quan".

Vị ĐBQH đoàn Bình Dương cho hay, nếu chúng ta giao cho một doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện để làm dự án này thì tương lai có thể có một ngành công nghiệp hàng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại