ĐBQH đề nghị làm rõ việc huy động vốn xây dựng sân bay Long Thành
Sáng 12/11, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, trong hồ sơ dự án sân bay Long Thành nói Tổng Công ty quản lý cảng hàng không Việt Nam (ACV- đơn vị dự kiến được giao thực hiện dự án sân bay này) có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền trong đầu tư dự án, tuy nhiên trong số 21 cảng hàng không do ACV quản lý chỉ có 8 cảng hàng không hiện thu đủ chi, có lãi còn 13 cảng hàng không trong cảnh phải bù lỗ, chưa thể đóng góp nguồn thu cho ACV trong tương lai gần.
Về vốn đầu tư dự án sân bay Long Thành, trong báo cáo tiền khả thi là 16 tỷ USD, giai đoạn 1 là 4,79 tỷ USD, nhưng chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu.
"Với số vốn gần 5 tỷ USD có thể huy động được nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo, khả năng như thế nào? Tôi đề nghị cần làm rõ hơn việc huy động vốn này. Nếu không thu xếp được vốn sẽ ảnh hưởng cả công trình, khiến ảnh hưởng đến tiến độ", ông Thành nói.
ĐB này dẫn chứng so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành 2019 là: Sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc) với 4.700 ha, 7 đường băng, công suất thiết kế 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư 11,5 tỷ USD; Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có công suất 4 đường băng, công suất thiết kế 90 triệu khách, vốn đầu tư 12 tỷ USD.
"Trong khi đó, dự án sân bay Long Thành có 2 đường băng, công suất thiết kế 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa, nhưng vốn đầu tư dự kiến 16 tỷ USD. Do đó, theo tôi rất cần xem xét so sánh", ông Thành nêu ý kiến.
Về hiệu quả tài chính, ông Thành cho rằng, báo cáo xác định tỷ suất nội hoàn tài chính của dự án là 11,2%, tỷ suất lợi nhuận là 1,11%, thời gian là 12 năm 11 tháng và đây là con số khả quan cho 1 dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, liệu các con số trên được tính toán đã dựa trên chi phí đầy đủ chưa, nhất là khi so sánh với tổng mức đầu tư của 2 sân bay quốc tế kể trên?
Làm sân bay Long Thành đừng để mất vốn, mất uy tín, mất cán bộ
Đại biểu Mai Mỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay đường cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây đã quá tải, thường xuyên ùn tắc nên khó có thể đảm bảo giao thông cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
ĐBQH này đề nghị Bộ GTVT cho biết giải pháp tổng thể về giao thông kết nối cho dự án sân bay Long Thành, tránh tình trạng giao thông như đối với sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua.
ĐB Mai Sỹ Diến.
Về việc dự kiến giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư dự án sân bay Long Thành, ông Diến nói để thực hiện ACV cần huy động số vốn 4,194 tỷ USD, trong đó 2,628 tỷ USD sẽ đi vay, như vậy theo Luật Quản lý nợ công, dự án sân bay Long Thành thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ, nên khoản vay trên phải được tính vào nợ công.
"ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối, trong trường hợp huy động vốn dưới bất cứ hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, cần thực hiện giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay và sử dụng vốn vay của ACV để đảm bảo minh bạch hiệu quả trong thực hiện dự án. Thực hiện cơ chế giám sát đặc thù đối với dự án có hoạt động đặc biệt của quốc gia, không để mất vốn, mất uy tín, mất cán bộ như một số dự án trọng điểm trong thời gian vừa qua.
Giám sát việc lựa chọn nhà thầu theo phương thức chỉ định, không để chọn nhà thầu như một số dự án chậm tiến độ, nhất là không đảm bảo, thất thoát đang được dư luận quan tâm bức xúc", ĐB Mai Sỹ Diến nhấn mạnh.