WB: Chế tạo, chế biến và bán lẻ Việt Nam bật tăng mạnh khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng

Trung Mến |

Nền kinh tế Việt Nam phản ứng nhanh ngay sau khi những biện pháp giãn cách xã hội trong nước được nới lỏng trong tháng 5, với mức tăng 10% trong ngành chế tạo, chế biến và doanh số bán lẻ.

Trong tháng 5, doanh số bán lẻ và hoạt động chế tạo chế biến trong nước đã có dấu hiệu hồi phục, tăng khoảng 10% so với tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu ngoài nước yếu đi, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn FDI giảm nhẹ (so cùng kỳ năm trước).

Ở mức khoảng 10% (so cùng kỳ năm trước), tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế hiện đã cao hơn khoảng ba lần so với tăng trưởng GDP trong bốn tháng đầu năm 2020, theo chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ từng bước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong tháng 4, thu ngân sách của Chính phủ mới chỉ đạt khoảng 65% so với cùng kỳ năm trước, do tăng trưởng kinh tế chững lại và các biện pháp giãn giảm thuế mới ban hành.

Đến đầu tháng 7, các cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố các số liệu quan trọng về GDP cho quý hai và 6 tháng đầu năm 2020. Việt Nam đã bước sang ngày thứ 45 không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tính đến ngày 31/05/2020, có 328 người bị nhiễm vi-rút (tất cả các ca mới đều là người Việt Nam ở nước ngoài hồi hương), trong đó 279 ca đã được xuất viện, tương đương với tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 85%. Hiện chưa có ca tử vong nào được ghi nhận

Sau khi bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội gần như tuyệt đối khắp toàn quốc trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11% so với tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 3% so với tháng 5/2019.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng khoảng 5% trong tháng 5 so với tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn 5,5% với cùng kỳ năm trước, do sức cầu bên ngoài yếu đi và có thể do một số gián đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động chủ chốt của Việt Nam như may mặc và giày da giảm 14% và 5% (so cùng kỳ năm trước) trong khi các mặt hàng xuất khẩu công nghệ, như điện thoại thông minh, giảm 9% (so cùng kỳ năm trước).

Trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 6% (so cùng kỳ năm trước), phản ánh giá dầu thô giảm, nhu cầu đầu vào nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước chững lại.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam trong tháng 5 nhưng với tốc độ chậm hơn so với báo cáo cho tháng 4. Trong năm tháng đầu năm 2020, tổng giá trị FDI cam kết lên đến 13,9 tỷ USD - vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tín dụng phân bổ cho nền kinh tế ước tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước trong bốn tháng đầu năm 2020. Mặc dù mức tăng trưởng trên vẫn chưa bằng năm trước đó, nhưng hiện đang cao hơn ba lần so với tăng trưởng GDP trong cùng kỳ.

Chênh lệch trên phản ánh chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng nhằm ứng phó khủng hoảng COVID.

Vào thời điểm giữa tháng 5, NHNN cắt giảm ba mức lãi suất chính (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua giấy tờ có giá và lãi suất chiết khấu) ở mức 50 điểm cơ bản mỗi mức. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm từ 6% xuống 5,5%, còn trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng được giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm, tùy theo kỳ hạn.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 5 ít biến động, nhờ đó tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 2,4%, thấp hơn so với mức 2,9% trong tháng 4 và 6,4% trong tháng 1 năm 2020. Giá cả chững lại chủ yếu do sức cầu lương thực thực phẩm trong nước giảm đà, giá dầu thô giảm thấp kỷ lục trên thị trường quốc tế, gây hiệu ứng lan truyền đến giá xăng dầu trong nước.

Tổng thu ngân sách của Chính phủ trong bốn tháng đầu năm giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Giảm thu lớn nhất được ghi nhận cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, ở mức lần lượt 9,3% và 7,3%. Do suy giảm trong hoạt động xuất nhập khẩu, số thu từ thuế liên quan đến xuất nhập khẩu giảm 19% (so cùng kỳ năm trước).

Thu nội địa còn giảm mạnh hơn vào tháng 4, khi thu ngân sách cho Nhà nước giảm gần 25% so với tháng trước, chỉ bằng 65% so với tháng 4 năm 2019. Tổng cục Thuế đã nhận được 90.000 đơn xin giãn nộp thuế và tiền sử dụng đất, với tổng giá trị lên đến 26,2 ngàn tỷ đồng.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam phản ứng nhanh ngay sau khi những biện pháp giãn cách xã hội trong nước được nới lỏng trong tháng 5, với mức tăng 10% trong ngành chế tạo, chế biến và doanh số bán lẻ.

Nhưng hoạt động kinh tế vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước COVID. Khu vực doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu bị ảnh hưởng do sức cầu trên toàn cầu yếu đi. Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để bù đắp cho tác động tài chính của khủng hoảng vi-rút cô-rô-na, dẫn đến tín dụng ngân hàng trong nước tăng trưởng cao và số thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng.

Số liệu GDP quý dự kiến được công bố đầu tháng 7 sẽ giúp theo dõi tốt hơn quỹ đạo kinh tế của Việt Nam, nhưng cho dù số liệu như thế nào, chúng ta vẫn cần lưu ý hơn đến khả năng tác động đến lạm phát do nới lỏng tiền tệ và bội chi tăng cao do thu từ thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại