Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố báo cáo “Việt Nam Năng động: Tạo Nền tảng cho Nền Kinh tế Thu nhập Cao” đưa ra những phân tích và khuyến nghị chính sách làm thế nào Việt Nam có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thập niên tới.
Theo đó, mô hình phát triển dựa vào năng suất – kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên – sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với mức chuẩn của khu vực, thế giới
Cũng trong báo cáo, WB có phần nhận xét về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp phi nông nghiệp ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, nhưng dường như hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này còn cách xa các mức chuẩn năng suất của khu vực và trên toàn cầu.
Hầu hết các doanh nghiệp đổi mới và đầu tư rất ít vì nhiều khó khăn như khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính rườm rà và mức hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo thấp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn có khả năng cạnh tranh, đáng chú ý nhất là các công ty thuộc sở hữu nước ngoài được tiếp cận với cạnh tranh quốc tế và các công ty lớn hàng đầu trong nước được hưởng lợi từ lợi ích kinh tế của quy mô.
Các khuyến nghị chính mà WB đưa ra bao gồm: (a) cải thiện việc phân bổ nguồn lực hiện nay bằng cách loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường, tăng cạnh tranh trong và ngoài nước, và xây dựng mối liên kết giữa những công ty có hiệu quả cao và thấp; và (b) loại bỏ những trở ngại đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp năng động.
Các doanh nghiệp đang gia tăng nhanh chóng ở các thành phố của Việt Nam. Mỗi tháng, hơn 10.000 cửa hàng và doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh, định hình lại bức tranh kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, những ấn tượng đầu tiên có thể gây hiểu nhầm. Tìm hiểu kỹ hơn các số liệu thống kê chính thức cho thấy hầu hết các công ty này đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn và hoạt động trong các lĩnh vực không hiện đại. Do đó, doanh nghiệp trong nước trung bình tại Việt Nam có năng suất thấp và tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh trong những nền kinh tế có thu nhập trung bình và phát triển hơn khác.
Như đã nêu trong báo cáo chuyên đề thứ nhất, thách thức đối với Chính phủ là thực hiện một loạt các hành động thông minh để hỗ trợ phát triển một khu vực phi nông nghiệp năng động và hiệu quả. Các báo cáo đề xuất hai nhóm khuyến nghị chính.
Nhóm khuyến nghị đầu tiên nhấn mạnh sự phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp có năng suất cao và tương đối thấp, vì có chênh lệch lớn về hiệu quả hoạt động trong tất cả các ngành sản xuất vật chất tại Việt Nam.
Các công ty tụt hậu có thể bắt kịp với những doanh nghiệp tiên tiến hơn thông qua thúc đẩy chuyển giao kỹ năng và các chương trình tài trợ nhà cung cấp. Khuyến nghị thứ hai là loại bỏ những nút thắt quan trọng nhất hạn chế các doanh nghiệp nhỏ trong nước phát triển. Để có thể thực hiện hiệu quả, các khuyến nghị này không chỉ cần nhằm giải quyết các khó khăn cơ bản, mà còn phải điều chỉnh để phù hợp với tính chất của các ngành quan trọng, vì không phải tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt với những hạn chế giống nhau hoặc, ít nhất, không phải với cùng một mức độ.
Thực trạng doanh nghiệp tại Việt Nam
Các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ chiếm đa số trong khu vực kinh doanh phi nông nghiệp. Theo khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới năm 2017, hơn 5,7 triệu doanh nghiệp phi nông nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng khoảng 23 triệu lao động.
Tương tự như thực tế tại các nước thu nhập thấp, gần 98% các doanh nghiệp này là công ty gia đình và công ty nhỏ hoạt động trong khu vực phi chính thức.24 Một doanh nghiệp trung bình có ba lao động (nếu bao gồm các công ty gia đình) và phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống (như xây dựng, sửa chữa, chế biến thực phẩm,…).
Các doanh nghiệp chủ yếu hướng nội, tức là phục vụ thị trường trong nước. Chỉ có khoảng 17% các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước trực tiếp tham gia vào các hoạt động xuất khẩu. Nhìn chung, các công ty ngoài quốc doanh trong nước đóng góp khoảng 1/4 giá trị gia tăng của Việt Nam với mức lợi nhuận và tỷ lệ sinh lời của tài sản cực thấp.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy doanh nghiệp trung bình ở Việt Nam vẫn còn cách rất xa đường biên năng suất mà hầu hết các nền kinh tế tiên tiến hoặc ngay cả ở các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương đương đã đạt được. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không sử dụng công nghệ mới hoặc không đầu tư đủ vào vốn vật chất.
Tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam thương mại hóa sản phẩm sáng tạo chỉ bằng một nửa so với con số báo cáo tại Trung Quốc hiện nay. Tích lũy tài sản gộp của Việt Nam, ở mức khoảng 26%, vẫn cao hơn mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp, nhưng đã giảm xuống dưới mức trung bình dài hạn của Việt Nam.
Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều khi so với tỷ lệ đầu tư của nền kinh tế tăng trưởng nhanh có tham vọng đầu tư khoảng 31% GDP khi họ ở mức thu nhập như Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, chất lượng đầu tư ở Việt Nam vẫn còn thấp, một phần phản ánh lợi nhuận giảm dần, nhưng cũng chỉ ra hiệu quả phân bổ vốn thấp. Điều này được chứng minh bằng hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao ở Việt Nam, ngay cả khi đã có kết quả tích cực hơn theo báo cáo trong những năm gần đây.
Trái ngược với hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam có hai điểm đặc biệt. Thứ nhất là sự hiện diện quan trọng của các doanh nghiệp FDI và sự chi phối của các doanh nghiệp lớn trong nước, đáng chú ý nhất là (nhưng không chỉ giới hạn ở) các DNNN, trong một số lĩnh vực chiến lược.
Theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 15.000 doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài trong năm 2017. Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, các công ty này tuyển dụng hơn 4 triệu người, tương đương với 20% lao động trong các doanh nghiệp phi nông nghiệp.
Điều đặc biệt thứ hai là các doanh nghiệp lớn trong nước đang chi phối nhiều lĩnh vực chiến lược. Với định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam có hơn 2.600 DNNN trong năm 2017, bao gồm vận tải (64% tổng số các hoạt động), nước sạch (83%), năng lượng (81%), ngân hàng (50%), nông nghiệp (46%), và khai thác mỏ (46%).
Trong những năm gần đây, một hiện tượng mới đã xuất hiện với sự mở rộng nhanh chóng của các tập đoàn trong nước ngoài quốc doanh. Mặc dù không có nhiều thông tin về các doanh nghiệp này, một số được niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước, bao gồm Vinamilk (kinh doanh sản phẩm sữa, có doanh thu hàng năm là 1,5 tỷ USD), Vingroup (kinh doanh bất động sản, xe hơi và bệnh viện, với doanh thu hàng năm hơn 3 tỷ USD) và Masan (kinh doanh sản phẩm thực phẩm và đồ uống, có doanh thu hàng năm khoảng 4,2 tỷ USD vào năm 2016).
Cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn trong nước dường như hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài có năng suất lao động của họ cao hơn gần năm lần so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước. Họ cũng có lợi nhuận trên tài sản và tỷ lệ lợi nhuận (trước thuế) so với doanh thu cao hơn lần lượt là 4,9 và 3,5 lần so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước.
Mặc dù theo báo cáo, các DNNN có năng suất lao động trung bình cao hơn so với mức trung vị của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, lực lượng lao động của các doanh nghiệp này cho năng suất chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp nước ngoài. Lợi nhuận của loại hình doanh nghiệp này trên tài sản cũng thấp. Cũng có thể lập luận rằng năng suất lao động tương đối cao của các DNNN bị sai lệch bởi thực tế là họ hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thâm dụng vốn. Khi kiểm soát cường độ vốn, năng suất lao động trung bình của họ thấp hơn khoảng 40% so với khu vực tư nhân trong nước.
Trong số các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước, dường như quy mô có mối quan hệ tỷ lệ thuận với năng suất. Ví dụ, năng suất lao động của 100 công ty lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cao hơn khoảng 10 lần so với mức trung bình và gần gấp đôi so với năng suất trong báo cáo của các doanh nghiệp FDI.
Hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ đơn giản là quy mô chưa đủ để tiếp cận công nghệ và đầu tư vào vốn cố định, do đó năng suất vẫn thấp.
Chênh lệch hiệu quả hoạt động lớn giữa các doanh nghiệp cho thấy có cơ hội lớn để tăng năng suất thông qua việc phân bổ lại nguồn lực. Trong một thị trường hoạt động tốt, các nguồn lực kinh tế sẽ được phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nhất. Quá trình này có xu hướng làm giảm chênh lệch về năng suất yếu tố tổng hợp cũng như lợi nhuận trên vốn và lao động.
Việc giải quyết những nguyên nhân nhất định khiến phân bổ vốn kém hiệu quả không hề dễ dàng ở Việt Nam. Nghiên cứu gần đây của David và Venkateswaran (2019) so sánh Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy rằng việc phân bổ kém hiệu quả xuất phát từ sự khác biệt về công nghệ và thiếu thông tin hơn là các hạn chế về thể chế hoặc chính sách, khiến các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không thấy được khuyến khích gia tăng đầu tư. Những cơ hội này sẽ được tìm hiểu thêm cho Việt Nam trong phần cuối của báo cáo.