Đại dịch COVID-19 bộc lộ nền an sinh xã hội khác biệt tại Mỹ và Châu Âu

Thu Ngọc |

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận về an sinh xã hội tại các xã hội phương Tây giàu có như Mỹ và Châu Âu.

Tại châu Âu, các hoạt động kinh doanh gián đoạn đang kích hoạt các chương trình hỗ trợ tiền lương giúp hàng triệu người lao động vẫn giữ được việc làm. Ngược lại, hơn 33,5 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã tăng vọt lên mức 14,7%. Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 2 nghìn tỷ USD, tăng cường các quyền lợi thất nghiệp và tặng mỗi người nộp thuế 1 tấm ngân phiếu trị giá1.200 USD.

Đây là phương pháp hỗ trợ được áp dụng trong các cuộc suy thoái kinh tế trước đó, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và Đại khủng hoản.g Châu Âu khởi động vào các chương trình an sinh để hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Trong khi đó, chính phủ Mỹ đợi Quốc hội thông qua các chương trình kích thích khẩn cấp, giống như điều từng xảy ra dưới thời Tổng thống Barack Obama hồi năm 2009.

Nhà kinh tế học Andre Sapir, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels (Bỉ), cho biết chương trình phúc lợi nước Mỹ không toàn diện bằng với chương trình tại Châu Âu do hệ thống phúc lợi Mỹ chặt chẽ hơn và suy thoái kinh tế có thể gây nhiều thiệt hại hơn đối với người lao động. Trong thời kỳ suy thoái, người lao động Mỹ mất việc thì cũng mất luôn bảo hiểm y tế, kéo theo nguy cơ mất nhà cao hơn do đã họ thế chấp ngôi nhà.

Mặt khác, người châu Âu thường trả mức thuế cao hơn, đồng nghĩa mức thu nhập thực tế trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cũng ít hơn.

“Tại Mỹ, bạn cần tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng người lao động, vì có việc làm thì quyền lợi người lao động mới được đảm bảo. Vậy hệ thống phúc lợi nào tốt hơn? Tôi không nhận xét gì vì đây thực sự là một vấn đề lớn” ông Sapir nói.

Trong số 37 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nước Mỹ có xu hướng xếp hạng dưới mức trung bình về các biện pháp hỗ trợ xã hội. Nước Mỹ xếp hạng cuối cùng về tỉ lệ số người nghèo trong xã hội (17,8%), đây là những người sở hữu chưa đến một nửa mức thu nhập trung bình của cả nước. Tỉ lệ này tại các quốc gia như Iceland, Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Phần Lan đều ít hơn 6%.

Dưới đây là bức tranh so sánh hệ thống phúc lợi xã hội của Mỹ và Châu Âu:

01.

Bảo hiểm thất nghiệp

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, một người Mỹ thất nghiệp nhận khoản trợ cấp trung bình khoảng 372 USD/tuần. Nhưng mức trung bình này tùy thuộc vị trí địa lý, có thể dao động từ 215 USD tại bang Mississippi đến 543 USD ở bang Hawaii. Chương trình cứu trợ kinh tế sẽ hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp thêm 600 USD/tuần từ nay cho đến hết tháng 7.

Đồng thời, chương trình cũng mở rộng quyền lợi cho những người mất việc do sự bùng phát của dịch COVID-19, bao gồm cả việc phụ huynh phải nghỉ việc để trông con do các trường học đóng cửa. Hầu hết các bang tại Mỹ đều hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng nhưng chương trình cứu trợ còn kéo dài hỗ trợ thêm 13 tuần.

Để so sánh, tại Đức, bảo hiểm thất nghiệp trả 60% mức tiền lương trong một năm. Pháp hỗ trợ 75% mức lương trung bình hàng ngày trong tối đa hai năm. Trợ cấp thất nghiệp ở Pháp trung bình là 1.200 euro (1.320 USD)/tháng.

Và các chương trình làm việc ngắn hạn của Châu Âu chi trả phần lớn tiền lương cho người lao động nếu họ làm việc ít giờ hơn bình thường do hoạt động kinh doanh gián đoạn tạm thời. Hơn 10 triệu người lao động tại Đức và 12 triệu lao động tại Pháp đang được trả lương theo cách này, giúp tỷ lệ thất nghiệp của khu vực eurozone chỉ tăng 0,1 % trong tháng 3 so với mức tăng 7.4% của tháng 2.

Chương trình cứu trợ khẩn cấp của nước Mỹ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp, và có thể được xóa nợ nếu tiền cứu trợ dùng để trả lương cho người lao động.

02.

Bảo hiểm Y tế

Theo số liệu năm 2018, gần 1/2 số người Mỹ nhận bảo hiểm y tế thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động, trong khi 34% còn lại tham gia các chương trình bảo hiểm của chính phủ như Medicare và Medicaid. 6% số người tham gia bảo hiểm cá nhân và 9% còn lại không có bảo hiểm gì cả.

Ở châu Âu, bảo hiểm y tế toàn dân là bắt buộc, chi phí trích từ lương hay các loại thuế khác. Một ví dụ là dịch vụ y tế quốc gia của nước Anh vận hành từ tiền thuế và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho người dân. Y tế chiếm tỉ lệ 7% GDP hàng năm của nước Anh.

Đại dịch COVID-19 bộc lộ nền an sinh xã hội khác biệt tại Mỹ và Châu Âu - Ảnh 3.

(Ảnh: AP)

03.

Phúc lợi thai sản

Người lao động Mỹ được xin nghỉ phép cá nhân không lương, nhưng luật liên bang không yêu cầu chủ lao động tư nhân phải trả lương cho các kỳ nghỉ phép cá nhân. Tính đến tháng 3 năm 2018, 16% người lao động của khu vực tư nhân được nghỉ phép vì lý do cá nhân có lương. Một số bang hỗ trợ loại hình bảo hiểm nghỉ phép cá nhân có lương từ 4-10 tuần. Mỹ là quốc gia duy nhất trong khối OECD không hỗ trợ nghỉ phép có lượng cho phụ nữ mới sinh con.

Ngược lại, các bà mẹ ở Pháp được nghỉ ít nhất 16 tuần cho đứa con đầu lòng và phải nghỉ ít nhất 8 tuần. Từ đứa con thứ ba trở đi, họ được nghỉ phép 26 tuần. Người lao động được trợ cấp nghỉ thai sản hàng ngày lên tới 89 euro (94.5 USD). Một số ngành nghề còn hỗ trợ nguyên lương cho các bà mẹ mới sinh.

Tại Đan Mạch, các bà mẹ mới sinh con hoặc nhận con nuôi được nghỉ phép 52 tuần, bố và mẹ tự thống nhất chia sẻ thời gian nghỉ phép này. Họ có thể nhận được nguyên lương hay không phụ thuộc vào điều khoản trong hợp đồng lao động.

Đại dịch COVID-19 bộc lộ nền an sinh xã hội khác biệt tại Mỹ và Châu Âu - Ảnh 5.

(Ảnh: AP)

04.

Người khuyết tật

Khoảng 8,3 triệu người Mỹ nhận tiền trợ cấp tàn tật từ các khoản đóng góp An sinh xã hội. Các khoản trợ cấp hàng năm ở mức trung bình 15.100 USD, chỉ cao hơn mức thu nhập của một thành viên của hộ nghèo tại Mỹ là 12.760 USD.

Tiêu chuẩn nhận loại trợ cấp này rất nghiêm ngặt và hầu hết các đơn xin trợ cấp đều bị từ chối; những người không đủ điều kiện cho loại trợ cấp này có thể đăng ký nhận trợ cấp tem phiếu thực phẩm để duy trì cuộc sống tối thiểu. Nước Mỹ đứng thứ 30 trong số 36 quốc gia OECD trong lĩnh vực chi tiêu cho tất cả loại hình khuyết tật liên quan đến công việc hay bệnh tật.

Tại Pháp, người khuyết tật đủ điều kiện nhận các khoản thanh toán bảo hiểm y tế công ít nhất là 292,80 euro (311 USD) và không quá 1.714 euro (1.825 USD)/tháng.

Những người hoàn toàn không thể làm việc và phụ thuộc vào sự trợ giúp công việc hàng ngày sẽ nhận được 1.418 đến 2.839 euro (1.510- 3.027 USD)/ tháng. Các khoản thanh toán có thể được chi trả cùng với các hình thức thu nhập khác và phải đóng thuế và an sinh xã hội.

05.

Chi phí

Mạng lưới an sinh xã hội hào phóng hơn ở châu Âu đi kèm với khoản chi phí vận hành lớn. Nguồn thu phần lớn đến từ khoản tiền thuế trích từ lương người lao động và người sử dụng lao động. Theo tổ chức OECD, đóng góp an sinh xã hội tại Mỹ là 6% GDP trong năm 2018.

Ở Pháp, mức đóng góp cao gần gấp ba lần ở mức 16% GDP hàng năm, trong khi ở Đức là hơn 14%.

Đại dịch COVID-19 bộc lộ nền an sinh xã hội khác biệt tại Mỹ và Châu Âu - Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại