Chuyên gia Đức nêu kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Những ngành nào nên tiên phong?

Uyên Uyên |

Chính phủ các nước "đứng ngồi không yên" khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trầm trọng lên kinh tế toàn cầu. Giới chuyên gia đưa ra khuyến cáo như thế nào về vấn đề này?

Trong khi đại dịch toàn cầu tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, không ít quốc gia châu Âu đã bắt đầu nghiên cứu phương án tái khởi động nền kinh tế, theo CNN.

Giới chức Áo hôm 6/4 thông báo sẽ cho phép các cửa hàng kinh doanh sau Lễ Phục sinh (12/4), trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu có động thái quay về nhịp sống bình thường.

Các biện pháp phòng chống dịch gây ra nhiều hệ quả lên nền kinh tế. Nhiều người cho rằng việc phong tỏa có thể còn kéo dài thêm nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng nữa.

Chính phủ các nước cần gấp rút đưa ra giải pháp để trả lời cho vấn đề này. Tuy nhiên, một kế hoạch tái khởi động nền kinh tế có thể giúp đời sống của người dân bớt khó khăn nhưng cũng có thể đe dọa nỗ lực phòng chống dịch.

Nhóm các nhà kinh tế học, luật sư và chuyên gia y tế của Đức mới đưa ra một bản kế hoạch gợi ý các biện pháp giúp khôi phục hoạt động của một vài ngành công nghiệp, dịch vụ đặc thù mà không làm giảm hiệu quả của các biện pháp hạn chế thời dịch.

Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế IFO (Đức) nhận định thế giới phải đợi tới năm 2021 mới có vắcxin và các phương pháp điều trị Covid-19. Do vậy, chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức khác nên lên kế hoạch dần để khôi phục kinh tế một cách "hết sức, hết sức cẩn thận".

Theo báo cáo, Đức nên thành lập một ban cố vấn bao gồm các chuyên gia đa ngành và đại biểu nhân dân với mục đích đưa ra gợi ý, sáng kiến về vấn đề chung.

Báo cáo cũng cho rằng, Đức nên ưu tiên các ngành công nghiệp mũi nhọn như viễn thông hay sản xuất ô tô. Trong khi đó, các doanh nghiệp nên nhanh chóng thích ứng và chuyển đổi mô hình theo phương pháp làm việc từ xa.

Báo cáo cũng đề xuất các công ty sản xuất sản phẩm liên quan đến sức khỏe nên sớm hoạt động trở lại. Đặc biệt, nước này nên đẩy mạnh sản xuất quần áo bảo hộ, khẩu trang, dược phẩm và điều chế vắcxin.

Hệ thống giáo dục nên được tái vận hành vì người lớn không thể làm việc nếu bận trông con. Tuy nhiên, việc mở cửa các nhà hàng, khách sạn cần được giám sát cẩn thận trong khi các sự kiện tụ tập đông người không nên tổ chức trong thời gian này.

Theo báo cáo trên, Đức nên sớm tổ chức xét nghiệm virus corona cho người dân trên quy mô lớn. Mọi người phải được nâng cao nhận thức để hiểu về quy trình vệ sinh đúng cách và sử dụng các thiết bị bảo hộ đầy đủ.

Các chuyên gia cho rằng Đức có thể tham khảo cách Trung Quốc "hồi sinh" sau đại dịch và học tập một cách có chọn lọc. Sau khi dịch Covid-19 có chiều hướng đi xuống, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để giải cứu nền kinh tế.

Bắc Kinh chi hàng tỷ USD để sản xuất thiết bị y tế và đầu tư cơ sở hạ tầng mới giúp tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Tuy nhiên, trong tuần qua, các điểm du lịch và kinh doanh ở Trung Quốc đã chật kín người, gây cản trở cho nỗ lực dập tắt hoàn toàn dịch bệnh.

Chuyên gia Đức nêu kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Những ngành nào nên tiên phong? - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại