S-350 Nga: Khép chặt vòng vây, đánh chặn "cơn mưa tên lửa" của kẻ thù

Anh Tú |

Mỗi hệ thống tên lửa phòng không S-350 mới của Nga sẽ có 2 bệ phóng với 12 tên lửa, cho phép tấn công đồng thời 16 mục tiêu khí động học hoặc 12 mục tiêu đạn đạo.

Hệ thống phòng không S-350: "Sinh sau, đẻ muộn" nhưng đầy uy lực

Cuối tháng 2/2020, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-350 Vityaz đầu tiên và sẽ triển khai tại Trung tâm huấn luyện học viên phòng không của Học viện Học viện Không quân - Vũ trụ nằm ở khu vực Leningrad để hướng dẫn cho tất cả các đơn vị dự kiến sẽ được giao nhiệm vụ vận hành S-350 trong thời gian tới đây.

S-350 được Nga chế tạo để thay thế cho các hệ thống phòng không S-300PT-PS cũ hơn. Hệ thống được thiết kế để đối phó với các vũ khí tấn công tiên tiến như như tên lửa hành trình, máy bay có người lái (gồm cả máy bay tàng hình), máy bay không người lái hạng trung và hạng nặng, cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Hệ thống tên lửa mới nhất trong kho vũ khí phòng không này của Nga có khả năng bám bắt và tấn công các mục tiêu 360 độ chứ không chỉ phân vùng như S-300. Hơn nữa, S-350 cũng gia tăng đáng kể số lượng tên lửa và kênh xử lý mục tiêu.

Theo Trung tướng Vladimir Lyaporov - Giám đốc Học viện Không quân - Vũ trụ Nga, điều này giúp Moscow gia tăng hiệu quả đối phó với các tên lửa hành trình lên từ 2 - 2,5 lần.

S-350 có thể tấn công bằng nhiều loại tên lửa đánh chặn khác nhau như 9M96E/9M96M trang bị radar chủ động tầm bắn 40 km, độ cao mục tiêu 20 km; 9MA96Е2 tầm bắn 120 km, độ cao mục tiêu 30 km; hay tên lửa dẫn đường hồng ngoại 9M100 tầm bắn 10 km.

Mỗi hệ thống tên lửa phòng không S-350 sẽ có 2 bệ phóng với 12 tên lửa, cho phép tấn công đồng thời 16 mục tiêu khí động học hoặc 12 mục tiêu đạn đạo.

Sau khi được đưa vào trang bị, mỗi trung đoàn tên lửa đất đối không (SAM) tiêu chuẩn của Nga sẽ được biên chế đầy đủ các đơn vị tên lửa - pháo phòng không tầm ngắn Pantsir S1, tên lửa S-350 tầm trung và S-400/S-500 tầm xa.

Sức mạnh phòng không Nga năm 2020

Kết hợp với S-400, S-500 tạo thành "ma trận phòng thủ"

Việc sử dụng đồng thời các hệ thống S-350 và S-400/500 sẽ bổ sung rất tốt cho nhau. Ví dụ, một hệ thống S-400 có thể tấn công máy bay địch ở khoảng cách 100 - 250 km, ngăn chúng khai hỏa vào các mục tiêu của Nga. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình, S-350 có thể phản ứng bằng cách triển khai số lượng lớn tên lửa đánh chặn.

Ngoài ra, các tổ hợp radar và tên lửa phòng không khác nhau tạo thành một hệ thống duy nhất, theo dõi và xử lý mục tiêu từ trận địa này sang trận địa khác đảm bảo khả năng đánh chặn và tiêu diệt hiệu quả.

S-350 cũng có thể được sử dụng cùng với hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1. Khi được kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo thành một khu vực phòng thủ gần như không thể xuyên thủng đối với các mục tiêu tấn công trên không, gồm cả vật thể kích cỡ nhỏ bay tầm thấp. So với Pantsir-S1, tầm bắn xa hơn của S-350 cho phép nó tấn công các mục tiêu trước tiên.

Giới chuyên gia Nga dự đoán S-350 sẽ mang lại kết quả tốt nhất khi kết hợp với S-500 Prometheus, hệ thống dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng trong hai đến ba năm tới.

S-350 Nga: Khép chặt vòng vây, đánh chặn cơn mưa tên lửa của kẻ thù - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-350 Vityaz

S-500 có khả năng tấn công mục tiêu ở tầm xa dài 600 km, trong khi S-350 sẽ đánh chặn mọi mục tiêu vượt qua nó, ở khoảng cách gần hơn. Khi kết hợp lại, hai hệ thống sẽ tăng mật độ bao phủ hỏa lực để bảo vệ mục tiêu. Tuy nhiên, S-350 cũng có thể hoạt động hoàn toàn độc lập.

Tính tổng cộng, các Lực lượng Vũ trang Nga hiện đang sử dụng khoảng 50 hệ thống S-300PT-PS. Bộ Quốc cho biết, 12 đơn vị S-350 mới sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn từ năm 2021 - 2027 với hơn 144 bệ phóng sẽ được đưa vào biên chế. Kế hoạch này là hoàn toàn khả thi khi nhà sản xuất Almaz-Antey hiện đã hoàn thành việc chế tạo các hợp đồng S-400 trước đây.

Các quan chức quốc phòng Nga tuyên bố, 5 trung đoàn SAM sẽ được bổ sung hệ thống S-350. Việc tái trang bị cho lữ đoàn tên lửa phòng không triển khai tại Khakassia sẽ bắt đầu vào năm 2021 và sẽ hoàn thành sau đó một năm.

Theo Alexander Lapin - Tư lệnh Quân khu trung tâm, đơn vị này sẽ bảo vệ phần lớn các cơ sở quan trọng nhất ở Siberia (ví dụ như đập Sayano-Shushenskaya). Bắt đầu từ năm 2025, S-350 sẽ được trang bị cho trung đoàn SAM ở Achinsk, Krasnoyarsk Krai.

Mặc dù tiềm năng đảm bảo an ninh quân sự của S-350 đã khá rõ ràng nhưng viễn cảnh xuất khẩu hệ thống vũ khí mới này lại chưa mấy sang sửa. Đối với nhiều quốc gia, S-400 là lựa chọn quá mức cần thiết hoặc quá đắt, do đó S-350 mới dường như là phương án tốt hơn.

S-350 có thể thu hút sự quan tâm của một số quốc gia Trung Âu, chẳng hạn như Bulgaria và Slovakia, những nước từng trang bị S-300 nhưng hiện nay đã lỗi thời.

Một số đối tác truyền thống của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc hay các quốc gia Trung Đông cũng có thể là khách hàng tiềm năng. Ví dụ như với Qatar, S-350 sẽ là lựa chọn tốt hơn so với S-400 do nước này có diện tích lãnh thổ nhỏ. Hệ thống cũng có thể trở nên hấp dẫn đối với các khách hàng của Liên Xô trước đây như Serbia, Việt Nam, Indonesia, Algeria và Ai Cập.

Nga nhiều khả năng sẽ sớm triển khai S-350 tới Syria để thử nghiệm chiến đấu, cách để quảng cáo hiệu quả hệ thống tới các khách hàng nước ngoài tiềm năng như Moscow đã từng thực hiện với một số vũ khí trước đây. Động thái này sẽ chứng tỏ sức mạnh của các Lực lượng Vũ trang Nga theo cách rõ ràng nhất có thể và đó là điều mà Bộ Quốc phòng Nga luôn nỗ lực chứng minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại