Bí kíp thành công: Vì sao F-14 Iran vẫn khiến kẻ thù khiếp sợ?

Lâm Vy |

Cho đến nay, những chiếc F-14 vẫn giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới phòng thủ của Iran.

Sau nhiều thập kỷ kể từ khi trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ vận hành Grumman F-14 Tomcat, mẫu tiêm kích cánh cụp cánh xòe trang bị radar tinh vi cùng các tên lửa không-đối-không tầm xa AIM-54 Phoenix, Iran đã thành công trong việc duy trì các phi đoàn F-14 của mình.

Khoảng 40 chiếc F-14 còn hoạt động của Iran đã xuất kích tham gia một số cuộc xung đột, và sau khi Hải quân Mỹ loại biên những chiếc Tomcat cuối cùng của họ vào năm 2006 thì F-14 của Iran là những chiếc Tomcat duy nhất còn hoạt động trên thế giới.

Dưới đây là một số lý do giải thích tại sao phi đoàn F-14 của Iran vẫn rất đáng gờm dù đã “có tuổi”.

Thiết kế cánh cụp cánh xòe

Thiết kế cánh cụp cánh xòe của F-14 Tomcat đã được chứng minh là chìa khóa duy trì thành công, do nó có thể được tối ưu hóa cho các thao tác cơ động ở tốc độ thấp và tốc độ cao.

Khi hạ cánh xuống tàu sân bay có boong ngắn, đôi cánh của máy bay sẽ xòe ra ngoài trong quá trình bay tở tốc độ thấp, mang lại lực nâng lớn hơn (lực nâng này còn được bổ trợ bởi phần thân tương đối rộng và khoang động cơ rộng rãi của máy bay).

Ngược lại, khi đôi cánh của Tomcat cụp vào trong lúc bay ở tốc độ cao, nó sẽ tạo ra lực cản thấp hơn.

Trong điều kiện chật chội trên boong tàu sân bay, đôi cánh của Tomcat có thể thu gọn hơn nữa, cho phép nó nhường không gian cho các máy bay khác.

Khả năng cơ động

Tiê kích cánh cụp cánh xòe siêu thanh F-14 Tomcat được phát triển dành cho Hải quân Mỹ, với khả năng cơ động ấn tượng và dễ dàng điều khiển.

5 năm trước Cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, vua Mohammad Reza Pahlavi - cũng là một phi công - đã để Iran mua từ Mỹ 80 chiếc Grumman F-14A Tomcat, 663 tên lửa Hughes AIM-54 Phoenix, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 2 tỷ USD. Từ đó, Iran trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ vận hành F-14.

Bí kíp thành công: Vì sao F-14 Iran vẫn khiến kẻ thù khiếp sợ? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ.

Vào thời điểm đó, Iran còn đề nghị mua toàn bộ hệ thống vũ khí, trong đó có máy bay, hệ thống điện tử hàng không, vũ khí và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Theo tạp chí National Interest, điều này có thể lý giải phần nào tại sao phi đoàn F-14 của Iran vẫn còn tồn tại, ngoài việc chúng tận dụng các bộ phận mua từ nước ngoài hoặc sản xuất nội địa trên các máy bay cũ.

120 phi công và sĩ quan theo dõi radar của Không quân đế quốc Iran (IIAF) đã được huấn luyện tại Mỹ và Iran vào năm 1979. Các phi công đã không gặp khó khăn lớn nào trong việc làm chủ những chiếc máy bay cỡ lớn.

Cựu phi công Iran Major Farhad, khi nói về khả năng cơ động của F-14 Tomcat, đã cho biết rằng: “Nhờ F-14 trang bị radar AWG-9 Doppler, các phi công Iran có thể tấn công máy bay đối phương từ cự ly 100 dặm. Các phi công cũng đánh giá rất cao năng lực cận chiến của mẫu máy bay này”.

Hải quân Mỹ đã loại biên những chiếc Tomcat cuối cùng vào ngày 22/9/2006 và thay thế chúng là mẫu tiêm kích Boeing F/A-18E/F Super Hornet.

Từ năm 1981, Tổ hợp Công nghiệp Máy bay Iran đã chịu trách nhiệm đại tu và nâng cấp các máy bay chiến đấu F-14, trong khuôn khổ chương trình tự cung tự cấp khí tài quân sự của Tehran.

Đến nay, lực lượng F-14 Tomcat của Iran vẫn rất có giá trị do Tehran đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để duy trì nguồn cung ứng phụ tùng - sản xuất trong nước hoặc tìm cách mua từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Iran được cho là đã nâng cấp các máy bay Tomcat với các hệ thống radar, hệ thống định vị, sóng vô tuyến… mới, đồng thời điều chỉnh để chúng có thể tương thích với tên lửa R-73 và Hawk.

Theo National Interest, cho đến nay, những chiếc F-14 của Iran vẫn giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới phòng thủ của quốc gia vịnh Ba Tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại