Tăng trưởng thời Covid-19: Tại sao thị trường nội địa lại là yếu tố sống còn?

Phương Ánh |

"Việt Nam sẽ phải lưu tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Chính phủ cũng đề cập rất nhiều đến vấn đề này trước đây. Người Việt giờ cũng thích hàng Việt chất lượng cao", PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh nói với Trí Thức Trẻ.

-Dịch Covid-19 được xem là đã bước vào giai đoạn 2. Vậy chính sách đối với dịch này ở thời điểm này có điểm gì khác với giai đoạn trước đó?

Hôm 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào Đồng bằng Sông Cửu Long họp để tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong đầu tư hạ tầng cũng như việc chống hạn hán, xâm nhập mặn, dự báo sẽ diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới, đe doạ đến an ninh lương thực. Điều này có nghĩa Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề lương thực, thực phẩm.

Ngay chiều hôm đó, Thủ tướng quay về Hà Nội để sáng 9/3 họp Thường trực Chính phủ, giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 đang bùng phát.

Chính phủ đang làm việc hết sức quyết liệt, một mặt kiểm soát dịch – với khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc", mặt khác, đảm bảo rằng các tác động của dịch bệnh đến người dân được giảm thiểu tối đa.

Chúng ta ưu tiên sức khoẻ cho người dân nhưng đồng thời phải đảm bảo được an ninh lương thực, đủ nguồn cung để giữ được sự ổn định về mặt an sinh xã hội, kìm chế lạm phát.

Tăng trưởng thời Covid-19: Tại sao thị trường nội địa lại là yếu tố sống còn? - Ảnh 1.

Các cơ quan chức năng cũng đang triển khai Chỉ thị mới của Chính phủ trong việc thực thi gói hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng Việt Nam đã làm rất tốt trong việc phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân.

Còn về kinh tế, ở giai đoạn đầu, chủ yếu là Trung Quốc bị tác động vì dịch bệnh. Chính sách ứng phó của Việt Nam cũng đã xoay quanh điều này rồi. Nhưng dịch bệnh nay đã lan rộng toàn cầu, đặc biệt ở những thị trường chúng cả có nhiều quan hệ thương mại lớn như Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng.

Do vậy, hiện nay, nhiệm vụ trước mắt phải đảm bảo nguồn cung trong nước, đảm bảo cuộc sống người dân đồng thời hỗ trợ sản xuất phục vụ cho việc phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, dụng cụ y tế...

Hệ thống ngân hàng cũng đang và sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất. Nếu doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn về mặt tài chính thì cần làm nhanh và quyết liệt Chỉ thị của Thủ tướng trong việc hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế, phí... hay cả Nghị định 20 liên quan đến trần lãi vay, cần nhanh chóng tháo gỡ để doanh nghiệp trong nước tránh bị nặng nề thêm trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh những động thái của Chính phủ, bộ ngành, cộng đồng cũng cần chung sức để chia sẻ những khó khăn trong dịch bệnh.

-Việt Nam đang có độ mở kinh tế rất lớn. Khi dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu nhiều khả năng chúng ta sẽ chịu cả hai cú sốc ở cả cung và cầu. Vậy cần thêm những biện pháp gì để giảm thiểu được tác động?

Kể từ khi gia nhập Tổ chức WTO năm 2007, độ mở của kinh tế Việt Nam đã không ngừng tăng lên, từ vài chục % trên GDP đến nay đã hơn 200% GDP rồi. Những nước có độ mở lớn như vậy rất dễ bị tác động của bên ngoài.

Do đó, khó khăn là không thể tránh khỏi khi các nước có quan hệ xuất nhập khẩu của Việt Nam đều đang vật lộn với dịch bệnh. Ngay cả chúng ta cũng đang trong giai đoạn cao độ chống bệnh. Nên tác động cả bên trong và bên ngoài đều có.

Tăng trưởng thời Covid-19: Tại sao thị trường nội địa lại là yếu tố sống còn? - Ảnh 2.

Tôi cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải lưu tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Chính phủ cũng đề cập đến vấn đề này nhiều lần trước đó. Chúng ta từng nói đến người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam.

Người Việt giờ cũng thích hàng Việt Nam có chất lượng cao. Vậy, làm thế nào để tự chủ được nguồn nguyên liệu? Việc thu hút FDI cũng vậy, cần có sự chọn lọc, cần quan tâm đến thị trường trong nước.

Tất nhiên, đây là quá trình dài hạn. Việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

-Như vậy, có thể hiểu là trong thời gian tới, nội lực sẽ là yếu tố sống còn cho tăng trưởng của Việt Nam?

Đúng vậy. Đó là thị trường nội địa, đó là kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước... Đấy là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng thời Covid-19: Tại sao thị trường nội địa lại là yếu tố sống còn? - Ảnh 3.

Mặt khác, quá trình dịch bệnh nào rồi cũng sẽ kết thúc, chúng ta cần có những phương án trong và sau dịch Covid-19 sẽ phát triển như thế nào.

-Ông có thể đưa ra một ví dụ?

Thế mạnh phát triển của Việt Nam vẫn đang là dịch vụ, du lịch. Ngành du lịch của chúng ta đang tốt. Mặt khác, các hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam với Covid-19 cũng đang được xem là điểm son trong mắt thế giới.

Cho nên mức độ quan tâm của quốc tế với Việt Nam sau thời dịch sẽ ngày càng lớn lên. Như vậy đây sẽ là cơ hội cho ngành du lịch.

Tuy nhiên chúng ta không sử dụng điều đó ngay lúc này. Hiện tại Việt Nam không nên khuyến khích du lịch, cho dù là khách đến từ đất nước nào vì dịch bệnh đang lây lan rất nhanh, đến hơn 100 quốc gia. Lúc này, người ở đâu ở nguyên đó là tốt nhất.

Quan trọng ở đây là chúng ta cần có kịch bản để khi kiểm soát được dịch thì ngay lập tức bung ra thu hút khách. Đơn cử như khi vắng khách, việc di chuyển, đi lại đang hạn chế, chúng ta có thể có điều kiện sửa chữa, nâng cấp, xây mới hạ tầng. Ví dụ như các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài hay Long Thành.

Theo đó, Thủ tướng, Chính phủ cần có những hỗ trợ để tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng. Luật, cơ chế mắc ở đâu thì gỡ ở đó.

Không chỉ du lịch, tôi nghĩ rằng nông nghiệp cũng là thế mạnh của Việt Nam. Cần tận dụng cơ hội để phát triển trong thời điểm này.

Cảm ơn ông!

Tăng trưởng thời Covid-19: Tại sao thị trường nội địa lại là yếu tố sống còn? - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại