Su-57 Nga "chọc mù" tên lửa tấn công của kẻ thù: Khả năng độc nhất vô nhị trên thế giới?

Tú Anh |

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga được trang bị một hệ thống vũ khí ưu việt có khả năng phòng vệ tối ưu trước các đòn tấn công của tên lửa dẫn đường hồng ngoại.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga là dòng máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới được trang bị Hệ thống Phản kích Hồng ngoại Định hướng (DIRCM).

Đây được đánh giá là một phương pháp thiết kế mới mang tính đột phá giúp Su-57 có khả năng phòng vệ tối ưu trước các đòn tấn công của tên lửa dẫn đường hồng ngoại.

Theo mô tả của nhà nghiên cứu hàng không Connor Dalton thì hệ thống DIRCM lắp đặt trên Su-57 gồm hai tháp pháo laser, một được bố trí phía sau buồng lái trên sống lưng máy bay và một được lắp phía dưới bụng.

"Hệ thống có chức năng tương đối trực diện. Khi phát hiện thấy tên lửa hồng ngoại, các laser sẽ lập tức chiếu thẳng vào hệ thống đầu dò tên lửa, chọc mù nó và vô hiệu hóa khả năng dẫn đường tới máy bay mục tiêu", Connor Dalton giải thích.

"Điểm độc đáo nằm ở chỗ, trước đây hệ thống này chưa từng được nhìn thấy ở đâu khác ngoài các máy bay vận tải (như C-17 của Mỹ) và trực thăng và cũng chỉ được lắp đặt phía dước bụng với vai trò là biện pháp phòng vệ đối phó với các tên lửa vác vai".

Vì vậy, theo Dalton sự xuất hiện DIRCM trên sống lưng Su-57 và nhất là lại trang bị cho một máy bay tiêm kích đồng nghĩa với việc đây không chỉ là lần đầu tiên hệ thống được lắp đặt cho một máy bay chiến đấu mà còn là một trong những DIRCM đầu tiên được thiết kế phục vụ mục đích chống trả tên lửa không đối không.

Su-57 Nga chọc mù tên lửa tấn công của kẻ thù: Khả năng độc nhất vô nhị trên thế giới? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-57 trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: RIA.

Trong quá trình phát triển, các kỹ sư không quân Nga đã ứng dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến vượt trội cho Su-57 như động cơ vector lực đẩy, tên lửa siêu thanh R-77, hệ thống dẫn đường bằng ăng ten mảng pha chủ động (APAA), radar quan sát tình huống gắn cả hai bên sườn và phía sau máy bay.

Tuy nhiên, Hệ thống Phản kích Hồng ngoại Định hướng lại là một công nghệ đạt được ưu thế vượt trội khi nó có khả năng chọc mù các tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại và tên lửa phòng không vác vai (MANPAD).

Đây thực sự là một công nghệ có tính chất sống còn với cả các cuộc giao chiến trên không và sứ mệnh đột nhập vào khu vực phòng thủ của đối phương. DIRCM được cho là hệ thống phòng thủ đặc biệt hiệu quả đối với các tên lửa có đầu tự dẫn hồng ngoại như tên lửa không đối không tầm gần AIM-9 Sidewinder của Mỹ hoặc MANPAD 9K32 Strela-2.

Không quân Nga trước đây đã từng trang bị DIRCM cho các máy bay trực thăng lớn hơn nhưng những pháo laser này không nhỏ gọn so với thiết bị được lắp trên Su-57.

Su-57 được đánh giá là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 uy lực nhất hiện nay, trong khi Nga vẫn đang tiến hành thử nghiệm thêm nhiều công nghệ mới giúp nó có khả năng trở thành chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 đầu tiên trên thế giới.

Các công nghệ tương lai được ứng dụng cho Su-57 theo từng giai đoạn phát triển khác nhau bao gồm: vũ khí laser, động cơ thế hệ mới, các hệ thống tác chiến điện tử, chia sẻ dữ liệu tân tiến và đặc biệt máy bay sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).

Su-57 nằm trong số ít các chiến đấu cơ trang bị tên lửa không đối không siêu thanh (R-37M), có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km với vận tốc Mach 6.

Trong hai năm 2018 và 2019, các máy bay Su-57 đã được Nga triển khai tới Syria để kiểm nghiệm các khả năng thực chiến tại đây.

Ngay từ tháng 6/2019 đã xuất hiện thông tin cho thấy cơ sở sản xuất Su-57 ở quy mô lớn đã sẵn sàng. Đến 2028, Quân đội Nga dự kiến sẽ tiếp nhận 76 máy bay Su-57.

Su-57 Nga tham gia chiến đấu tại Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại