Tiết lộ nguyên nhân "lá chắn thép" Patriot của Mỹ án binh bất động khi Iran nã tên lửa

Mộc Miên |

Lực lượng của Mỹ tại hai căn ở Iraq dường như đã phát hiện vụ tấn công, nhưng dường như đã không sử dụng hệ thống phòng không để đánh chặn.

Năm 2019, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không Patriot sở hữu khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tới khu vực Vịnh Ba Tư, để đối phó với các mối đe dọa của Iran, sau đợt tấn công tàu chở dầu và không kích vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, trong đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, hệ thống phòng không Patriot dường như đã không được sử dụng.

Trong vụ tấn công hôm 8/1, ít nhất 10 tên lửa của Iran đã trúng căn cứ không quân al-Asad, nơi có hơn 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở miền tây Iraq, và 5 tên lửa trúng căn cứ Erbil ở miền bắc nước này.

Hiện Lầu Năm Góc từ chối bình luận có sử dụng hệ thống phòng thủ Patriot cũng như liệu có tên lửa nào bị đánh chặn trong vụ tấn công của Iran hôm 8/1 hay không.

Các chuyên gia cho rằng vị trí hẻo lánh và tầm quan trọng không thực sự lớn khiến hai căn cứ này không phải mục tiêu được ưu tiên bảo vệ bởi lá chắn Patriot.

"Những bức ảnh vệ tinh được công bố cho thấy dường như Mỹ không bố trí bất kỳ hệ thống Patriot nào ở cả hai căn cứ trên", chuyên gia phân tích Eric Gomez ở Viện Cato của Mỹ đánh giá.

Mỹ hiện có khoảng 5.500 quân ở Iraq, được bố trí tại 7 cơ sở khác nhau và 5 căn cứ tại khu tự trị người Kurd.

"Nhu cầu với Patriot rất cao, nhiều căn cứ, cơ sở quân sự Mỹ ở Trung Đông đều muốn được bảo vệ dưới lá chắn của nó. Nhưng thực tế là Patriot không thể hiện diện ở mọi nơi cùng lúc", Karako nói.

"Những năm gần đây, trọng tâm của chúng tôi là chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, duy trì hiện diện vừa phải ở Iraq. Chúng tôi không cần đến các hệ thống phòng không để chống IS", một quan chức quân đội Mỹ cho biết với Fox News khi lý giải tại sao không có hệ thống phòng thủ nào tại hai căn cứ của Mỹ bị tấn công ở Iraq.

Tuy vậy, tổn thất đối với hai căn cứ của Mỹ được cho là không quá lớn do Mỹ đã được phía Iraq “mật báo ” trước kế hoạch tấn công của Iran để sơ tán lực lượng kịp thời.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng tên lửa Patriot Mỹ không khai hỏa đánh chặn đòn tập kích của Iran có thể là do các hệ thống cảnh báo của họ đã phát hiện sớm và dự đoán được đường bay của tên lửa không gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ.

Tiết lộ nguyên nhân lá chắn thép Patriot của Mỹ án binh bất động khi Iran nã tên lửa - Ảnh 1.

Căn cứ al-Asad ở Iraq trúng tên lửa rạng sáng 8/1. Ảnh: Twitter

Tuy nhiên, việc hơn 10 tên lửa đạn đạo của Iran rơi trúng nhiề mục tiêu đồng thời khiến nhiều người đặt ra câu hỏi lớn về năng lực phòng thủ của các hệ thống phòng không Mỹ, đặc biệt là tổ hợp Patriot, chuyên được bố trí để bảo vệ các căn cứ, cơ sở hạ tầng trước mối đe dọa từ tên lửa đối phương.

Trong vụ hai nhà máy dầu của Arab Saudi bị tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái hồi năm ngoái, các tổ hợp Patriot của Arab Saudi và Mỹ trong khu vực cũng hứng nhiều chỉ trích vì không kịp thời phát hiện và đánh chặn các quả đạn lao tới.

Patriot là hệ thống phòng không tinh vi, nhưng phạm vi đánh chặn của nó lại khá khiêm tốn và chỉ có thể hoạt động như một hệ thống phòng thủ điểm.

Radar của Patriot có thể theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu ở cự ly gần 100 km, nhưng tên lửa của nó chỉ có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly khoảng 25-30 km. Do đó, Patriot thường được sử dụng để bảo vệ các căn cứ hoặc cơ sở cụ thể.

Hôm 7/1, nhiều nguồn tin cho biết hệ thống phòng không Patriot cùng một số vũ khí khác đã được đưa lên máy bay vận tải hạng nặng C-5M để bay tới Jordan, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ trước nguy cơ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran.

Patriot PAC-3 là phiên bản hiện đại nhất của tên lửa phòng không Patriot. Phiên bản này được tối ưu hóa cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn. PAC-3 được nâng cấp gần như mọi khía cạnh so với PAC-2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại