Nằm giữa làn đạn Mỹ-Iran-Israel, Iraq cần tới "vũ khí cứu tinh" nào của Nga?

QS |

Trước đó, Iraq phụ thuộc vào Mỹ để có được sự bảo vệ cần thiết nhưng bối cảnh leo thang hiện nay khiến họ phải cân nhắc lại.

Mạng lưới phòng không của Iraq rất yếu

Khi Iraq ngày càng nhận thấy rõ mình bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa Mỹ-Iran ở Trung Đông, nhất là trong bối cảnh leo thang gần đây sau vụ tướng Iran Qasem Soleimani bị sát hại hôm 3/1, Nga được cho là đã bước vào cuộc bằng cách đề nghị cung cấp cho Iraq hệ thống phòng không tiên tiến S-400 để tăng cường an ninh.

Mặc dù ông Mohammad Reza- người đứng đầu Ủy ban QP và An ninh Iraq hôm 9/1 đã thông báo rằng Baghdad đang đàm phán với Moscow để mua các hệ thống S-300, thay vì S-400 nhưng Giám đốc Trung tâm An ninh & Chiến lược Iraq, Muataz Mahi Abdel Hamid cho rằng, Baghdad cần phải mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và đa dạng hóa các vũ khí nhập khẩu.

Theo tạp chí MW, Iraq đã thể hiện sự quan tâm đối với hệ thống phòng không S-400 của Nga từ năm 2017. So với các quốc gia láng giềng khác, như Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống này gần đây, Iran và Syria đều triển khai hệ thống S-300PMU-2, thì mạng lưới phòng không Iraq chưa thấm vào đâu.

Nằm giữa làn đạn Mỹ-Iran-Israel, Iraq cần tới vũ khí cứu tinh nào của Nga? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 cùng hai máy bay hạng nhẹ F-50. Ảnh: MW

Trước đó, Iraq phụ thuộc vào Mỹ để có được sự bảo vệ cần thiết, nhưng trong bối cảnh quốc hội nước này đã đề nghị Mỹ rút quân khỏi Iraq và nhiều người tỏ ra mệt mỏi vì sự phụ thuộc quá mức để được bảo vệ của Iran hiện nay nên việc trang bị hệ thống phòng không tiên tiến có thể sẽ là phương thức hiệu quả nhất cho phép Baghdad bảo vệ không phận và lãnh thổ của mình.

Không quân Iraq hiện triển khai 2 loại chiến đấu cơ, F-16 của Mỹ và F-50 của Hàn Quốc nhưng trong đó không có loại nào trang bị tên lửa không-đối-không tầm xa hiện đại như AIM-120 để có thể bảo vệ không phận Iraq.

Không quân đã vậy, Iraq lại gần như thiếu vắng hoàn toàn các hệ thống phòng không dưới mặt đất. Điều đó khiến nước này có một vùng không phận ít được bảo vệ và dễ bị tấn công nhất ở Trung Đông.

Vì sao Iraq cần có S-400?

Tạp chí MW cho rằng, mặc dù S-400 phát huy năng lực mạnh nhất khi hoạt động trong một mạng lưới có sự bổ trợ của các hệ thống phòng không tầm ngắn như Buk-M3, S-350, cùng các tiêm kích Su-35, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm A-50 và một số loại khí tài khác nhưng nó vẫn có thể cung cấp năng lực phòng không đáng gờm khi hoạt động độc lập nhờ tính năng linh hoạt.

Trong khi hệ thống Patriot của Mỹ và hầu hết các hệ thống phòng không của phương Tây chỉ có thể triển khai 1-2 loại tên lửa đất-đối-không thì S-400 có thể bắn nhiều loại tên lửa hơn, cho phép nó hình thành một mạng lưới phòng không đa lớp quy mô nhỏ, trong đó mỗi loại đạn tên lửa được tối ưu hóa để đánh chặn các loại mục tiêu khác nhau ở cự ly và độ cao cụ thể.

Nằm giữa làn đạn Mỹ-Iran-Israel, Iraq cần tới vũ khí cứu tinh nào của Nga? - Ảnh 2.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: MW

Trước đó, Mỹ từng đe dọa sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iraq nếu nước này mua S-400. Song nếu xét tới những mối nguy hiểm ngày càng gia tăng đối với Iraq, như các cuộc tấn công phi pháp của Israel vào lãnh thổ nước này cuối năm 2019, có vẻ có rất ít lựa chọn thay thế tốt hơn S-400 nếu Iraq muốn có được phương tiện bảo vệ mình trong tương lai gần.

Về phần mình, Nga đã tận dụng tình thế căng thẳng của Iraq hiện nay để đề nghị cung cấp S-400.

Moscow tuyên bố triển khai S-400 là điều cần thiết để Iraq “đảm bảo chủ quyền quốc gia và có được sự bảo vệ đáng tin cậy cho không phận của mình”.

Igor Korotchenko, một thành viên của hội đồng công cộng trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, nhận định rằng:

Iraq là đối tác của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự. Moscow có thể giúp Iraq 'bảo vệ chủ quyền và mang lại sự bảo vệ đáng tin cậy cho không phận' bằng cách cung cấp S-400 và các thành phần khác nhau trong hệ thống phòng không như Buk-M3, và Tor-M2…”.

Theo MW, S-400 sẽ cho phép Iraq tăng cường giám sát không phận - nơi thường xuyên bị xâm phạm mà Baghdad không hề hay biết do thiếu các cảm biến thích hợp.

Các máy bay chiến đấu Israel từng sử dụng không phận Iraq để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Syria và gần đây nhất họ còn tấn công vào các mục tiêu tại chính Iraq.

S-400 có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu tàng hình như F-35. Nó có thể phát hiện ra mục tiêu phi tàng hình ở cự ly 600km hoặc xa hơn. Hiện vẫn chưa thể dự đoán được phản ứng của Iran nếu Iraq mua S-400 nhưng khối phương Tây và Israel nhiều khả năng sẽ phản ứng vô cùng tiêu cực trước thỏa thuận vũ khí như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại