Chuyên gia hé lộ điểm bất thường trong vụ rơi máy bay chết 176 người ở Iran

Thi Anh |

Theo chuyên gia Goglia, các điều tra viên nhiều khả năng đang cân nhắc xem liệu chiếc máy bay gặp nạn ở Iran có bị rơi do bom nổ hay không kích nhầm không.

Điều bất thường từ dữ liệu thời gian thực

Diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran phóng tên lửa không kích các căn cứ quân sự Iraq mà lính Mỹ đang đồn trú, vụ rơi máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines (UIA) hôm 8/1 gần Tehran để lại nhiều nghi vấn trong bối cảnh mẫu mới nhất của máy bay 737 bị dừng bay ở quy mô quốc tế.

Chuyến bay số hiệu PS 752 có vẻ đã tăng độ cao một cách bình thường sau khi cất cánh từ sân bay Imam Khomeini của Tehran lúc 6h12, Forbes dẫn nguồn 2 chuyên gia an toàn hàng không cho hay.

Theo các chuyên gia, hướng đi, cao độ và tốc độ máy bay đều tương tự như chuyến cùng giờ các ngày trước, dựa trên dữ liệu thời gian thực từ Flightradar24. Dữ liệu này đột ngột chững lại chỉ khoảng 3 phút rưỡi sau thời điểm cất cánh, khi máy bay đang ở độ cao gần 8.000 ft (2.500m).

John Goglia, cựu kỹ thuật viên hàng không, thành viên ban điều hành của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), cho rằng việc xảy ra tai nạn ở giai đoạn này của chuyến bay là một điều bất thường.

"Phần rủi ro của quá trình cất cánh đã qua", Goglia nói, "8.000ft là độ cao mà phi hành đoàn đã có thể thoải mái và máy bay đang ổn định vào chuyến rồi".

Dấu hiệu từ mã squawk

Vụ tai nạn đã khiến toàn bộ 176 người có mặt trên chiếc máy bay 737-800, chiếc máy bay mà hãng hàng không Ukraine International Airlines khẳng định là một trong những chiếc tốt nhất trong phi đội, không hề có dấu hiệu trục trặc trước khi bị rơi.

Chiếc máy bay được Boeing chuyển giao trực tiếp cho UIA vào năm 2016 và đã lần cuối cùng bảo dưỡng định kỳ là hôm 6/1, 2 ngày trước khi thảm kịch xảy ra. Hãng hàng không cho biết, các phi công của chuyến bay đều là những người giàu kinh nghiệm.

Chiếc máy bay gặp nạn thuộc dòng 737 NG, được cho là một mẫu sở hữu hồ sơ an toàn tốt. Theo dữ liệu của Mạng lưới An toàn Hàng không, trước vụ rơi hôm 6/1, kể từ khi bắt đầu được sản xuất với tổng số hơn 7.000 chiếc, dòng NG liên quan tới 10 vụ tai nạn chết người, dẫn tới 591 người thiệt mạng.

Một điểm có thể coi là dấu hiệu cho thấy thảm kịch đã diễn tiến nhanh chóng là việc các phi công không đổi mã squawk (mã phát đáp tín hiệu để định vị máy bay) sang báo hiệu tình huống khẩn cấp - theo dữ liệu của Flightradar24.

Các nhân viên kiểm soát không lưu cũng không hề nhận được bất cứ tín hiệu liên lạc nào cho thấy tình hình có vấn đề, hãng thông tấn Iran IRNA đưa tin.

Nhận định từ hình ảnh mảnh vỡ tại hiện trường

Trên mạng internet lưu truyền 1 đoạn video do hãng thông tấn Iran ISNA đăng tải cho thấy chiếc máy bay rơi xuống trong tình trạng bốc cháy và nổ tung khi tiếp xúc với mặt đất. Tuy nhiên, hình ảnh này chưa được kiểm chứng và phó giáo sư Kristy Kiernan của Đại học Embry-Riddle cho hay, vẫn chưa xuất hiện hình ảnh cho thấy hố va chạm ở hiện trường.

Chuyên gia hé lộ điểm bất thường trong vụ rơi máy bay chết 176 người ở Iran - Ảnh 2.

Tính đến thời điểm này, hình ảnh toàn cảnh hiện trường vẫn chưa được công bố. Dù vậy, dựa vào những bức ảnh về mảnh vỡ, Kiernan nhận định, có thể đã diễn ra một vụ nổ hoặc nứt vỡ khi máy bay vẫn còn đang di chuyển.

"Nó bị biến dạng từ trước khi tiếp xúc với mặt đất và phân tách theo một hình thức không giống như tình huống máy bay nguyên vẹn đâm xuống đất", Kiernan nói.

Nhận định này của bà Kiernan tương tự như thông tin phía Iran đưa ra trong báo cáo điều tra ban đầu mới đây. Trong đó, Tổ chức hàng không dân dụng Iran dẫn nguồn nhân chứng cho hay: Chiếc máy bay 737-800 bốc cháy khi vẫn ở trên cao.

Mặc dù Goglia vẫn cẩn trọng cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận nhưng ông cho hay, các điều tra viên nhiều khả năng đang cân nhắc xem liệu chiếc máy bay có bị rơi do bom nổ hay không kích nhầm không.

Xác định nguyên nhân tai nạn có thể mất tới hơn 1 năm phân tích. Các hộp đen của máy bay đã được tìm thấy nhưng người đứng đầu cơ quan hàng không dân sự Iran Ali Abedzadeh cho biết cơ quan này vẫn chưa quyết định nên gửi đi phân tích ở đâu và họ sẽ không chia sẻ với Boeing, cũng như chính quyền Mỹ mặc dù theo thông lệ, chính quyền hàng không của quốc gia chủ quản đối với nhà sản xuất thường tham gia vào quá trình điều tra.

Abedzadeh cho biết, không có bằng chứng cho thấy máy bay gặp vấn đề về mặt kỹ thuật. Trước đó, truyền thông Iran và đại sứ quán Ukraine ở Iran đã đề cập tới khả năng này nhưng sau đó rút lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại